Theo dõi Báo Tây Ninh trên
20,7 triệu cử tri Pháp (66,06% số phiếu) đã chọn ứng cử viên Emmanuel Macron, vì tin ông này sẽ vượt qua được các thử thách từ trong nước ra tới ngoài nước.
Người ủng hộ ông Macron ăn mừng ở Paris ngày 7-5 - Ảnh: Reuters
Ở một đất nước mà câu thơ “Phải chi lớp trẻ đủ hiểu biết, phải chi lớp già còn đủ sức” của Henri Estienne cuối thế kỷ 16 từ lâu đã trở thành một ngạn ngữ, tức trở thành một trong những chuẩn tham khảo của lý lẽ thông thường, số phiếu dành cho ông này gần gấp đôi đối thủ Marine Le Pen (với chỉ 10,6 triệu phiếu, tức 33,94%) quả là một sự tin cậy vượt “khuôn khổ”! Tin vào một lớp trẻ mới, đủ sức để vượt qua những thử thách mà đầu tiên là những “dây nhợ” ý thức hệ đã trói chặt cả cánh hữu lẫn cánh tả trong nửa thế kỷ qua của nước Pháp.
Đã qua rồi thời kỳ của những tranh luận giáo điều khiến nền kinh tế Pháp mất tính cạnh tranh, hay những “ràng buộc giai cấp” về những phúc lợi xã hội, tuổi lao động, bảo hiểm xã hội...
Càng tự ràng buộc càng bế tắc, càng mất tính cạnh tranh, thất nghiệp càng tăng, quý 1 năm nay cao hơn năm ngoái. Chính vì quá chán ngán cái khuôn khổ nay đã là “cổ lỗ” đó mà 20 triệu cử tri Pháp đã bỏ phiếu bầu cho ông Macron vì tin rằng ông có “đầu óc” đủ để tạo nên những thay đổi tận gốc.
20 triệu cử tri đó cũng tin rằng ông Macron đủ kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh để ra khỏi những đòi hỏi giáo điều mà các định chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Trung ương châu Âu đang áp đặt nơi các “con nợ” của mình ở châu Âu...
Ông Macron cũng đủ tỉnh táo để “nhìn và thấy” với 10 triệu người bầu cho bà Marine Le Pen trong diễn văn đắc cử: ”Tôi biết rằng chính những chia rẽ của đất nước chúng ta đã đưa một số trong quý “đồng bào” đến những lá phiếu cực đoan. Tôi tôn trọng các lá phiếu đó... và sẽ hết sức chống lại sự chia rẽ đang phá hoại và đánh gục chúng ta”.
Trong diễn văn thứ hai ở Điện Louvre, ông Macron lặp lại mối quan tâm này rằng “sẽ làm tất cả để không còn một lý do nào nữa phải bỏ phiếu cho các thái cực”. Các “thái cực” đó, chính là việc đóng cửa biên giới, ra khỏi EU... tưởng là sẽ an ninh, độc lập hơn... Muốn hay không muốn, tổng thống Pháp tương lai không và cũng như không thể cầm quyền vì 20 triệu cử tri đã dồn phiếu cho mình mà “ngó lơ” 10 triệu cử tri bỏ phiếu cho đối thủ của mình.
Do lẽ, có đoàn kết dân Pháp lại mới có thể vững vàng đảm đương “nhiệm vụ bao la” khi mà - theo lời ông Macron - “tối nay thế giới đang nhìn ngó nước Pháp, châu Âu đang nhìn ngó nước Pháp. Châu Âu và thế giới đang đợi chúng ta bảo vệ tinh thần của ánh sáng, vốn đang bị đe dọa ở nhiều nơi”.
“Tinh thần ánh sáng” mà ông Macron nhắc mọi người chung sức bảo vệ chính là tư tưởng cộng hòa, tinh thần dân chủ mà ở nơi này nơi kia ngay trong chính châu Âu đại lục, đang có những ý muốn khuynh đảo cho EU tan rã: ”Tôi sẽ dệt lại các liên kết giữa châu Âu cùng các dân tộc tạo thành châu Âu, giữa châu Âu (như là nhà nước) với các công dân...
Tôi sẽ bảo vệ nước Pháp, các lợi ích sống còn, hình ảnh, thông điệp của nước Pháp. Tôi xin cam kết sẽ bảo vệ châu Âu. Chính nền văn minh của chúng ta đang bị thách đố. Chúng ta sẽ chẳng lùi bước trước sự sợ hãi, trước sự chia rẽ”.
Người Pháp đã chọn ông Macron không chỉ vì ông ấy là như thế này, như thế kia, mà muốn bảo vệ đất nước họ khỏi mọi cám dỗ cực đoan, bế quan tỏa cảng, rồi tự biến thành một quân cờ trên ván cờ chính trị mới. Những vụ tấn công “bật mí” kiểu WikiLeaks vào giờ chót đã không tạo thành một “tác động Trump” ở Pháp.
Nguồn TTO