Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Huấn luyện sát thực tế chiến đấu, phù hợp địa bàn, đối tượng tác chiến, điều kiện chiến tranh vũ khí công nghệ cao, phù hợp biên chế và vũ khí trang bị được bổ sung, tăng cường.
Sư đoàn 5 diễn tập có bắn đạn thật được tăng cường binh khí kỹ thuật.
Sư đoàn 5 là đơn vị chủ lực, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và cơ động lực lượng bảo vệ địa bàn chiến lược các tỉnh Đông Nam bộ. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Sư đoàn tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện toàn diện, bảo đảm thực chất, chú trọng hiệu quả, tạo sức mạnh tổng hợp quyết định việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Yêu cầu cao ngay từ ngày đầu huấn luyện
Những ngày đầu ra quân huấn luyện năm 2024, trên thao trường, bãi tập của Sư đoàn 5, cờ tung bay phấp phới cùng hệ thống băng-rôn, khẩu hiệu, bảng cổ động. Mặc cho nắng nóng, các khu vực huấn luyện của Sư đoàn luôn rộn vang khẩu lệnh, nhịp hô. Chiến sĩ mới chỉnh tề hàng ngũ, chăm chú lắng nghe, tích cực luyện tập theo sự hướng dẫn của cán bộ các cấp.
Thượng tá Đặng Cao Cường- Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 5 cho biết: “Quán triệt chỉ lệnh huấn luyện của Tư lệnh Quân khu 7 và mệnh lệnh công tác quân sự, đơn vị chuẩn bị đầy đủ, chu đáo vật chất, mô hình, học cụ, biên chế khung, tập huấn cán bộ. Năm nay, Sư đoàn đặt ra yêu cầu cao trong huấn luyện, nhất là với chiến sĩ mới phải bảo đảm chất lượng ngay từ ngày đầu.
Quá trình huấn luyện kỹ thuật, động tác cá nhân phải chuẩn xác, thành thạo làm tiền đề huấn luyện chiến thuật và hợp luyện. Cán bộ từ tiểu đội trưởng trở lên phải bám sát bộ đội, lấy hiệu quả huấn luyện làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ và đơn vị”.
Kết thúc năm 2023, một trong những thành công nổi bật của Sư đoàn 5 là việc tổ chức tốt cuộc diễn tập bắn đạn thật quy mô lớn, có sự tham gia của nhiều đơn vị quân, binh chủng tại trường bắn quốc gia khu vực 3.
Cuộc diễn tập kiểm chứng chính xác kết quả huấn luyện theo phương châm “3 thực chất” (dạy thực chất; học thực chất; kiểm tra, đánh giá kết quả thực chất) và yêu cầu huấn luyện “tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả”.
Kết quả này là cơ sở để năm 2024, các đơn vị toàn Sư đoàn tiếp tục chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, kiểm tra, tăng cường hội thao, hợp luyện, rút kinh nghiệm ngay sau từng nội dung; tổ chức sửa tập từng động tác, yếu lĩnh ngay tại thực địa để chiến sĩ luyện tập thống nhất, đúng nội dung. Điều này đặc biệt quan trọng đối với huấn luyện chiến sĩ mới nhằm hình thành thói quen thực hiện đúng kỹ thuật, động tác ngay từ đầu.
Theo Thượng tá Nguyễn Hoàng Duy- Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 5, nhiệm vụ huấn luyện của Sư đoàn không chỉ coi trọng chất lượng thực tế, có sức cơ động cao còn phải sát thực tiễn địa bàn, phù hợp cách đánh, vũ khí trang bị hiện có và đối tượng tác chiến. Ngay từ khi huấn luyện chiến sĩ mới, Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị phải đặt ra yêu cầu cao để rèn luyện bộ đội toàn diện, thực sự, thực tế.
Yêu cầu cao ở Sư đoàn 5 chính là huấn luyện thực chất, hiệu quả, sát thực tế yêu cầu nhiệm vụ. Đây vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu “rèn cán, luyện binh”, kế thừa kinh nghiệm từ truyền thống cha ông và quá trình học tập, rèn luyện, tích luỹ của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ.
Quán triệt tinh thần ấy, các cơ quan, đơn vị trong Sư đoàn đều cụ thể hoá yêu cầu cao thành những tiêu chí riêng, phù hợp với đối tượng, chuyên ngành và đặc thù nhiệm vụ, tập trung đổi mới phương pháp huấn luyện, bám sát thực tiễn, kết hợp truyền thụ kinh nghiệm để bảo đảm chất lượng.
Phân đội bộ binh Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 5 thực hành huấn luyện.
Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ
Buổi huấn luyện chiến sĩ mới của Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4 (Sư đoàn 5) triển khai nội dung khám súng, đặt súng do cán bộ đơn vị đảm nhiệm, kết thúc phần giảng lý thuyết, từng nhóm chiến sĩ thực hành luyện tập theo sự hướng dẫn của tiểu đội trưởng. Cán bộ trung đội, đại đội tham gia sửa tập, uốn nắn từng động tác. Sau thời gian bỡ ngỡ, các chiến sĩ dần thích nghi, bắt nhịp với nội dung huấn luyện ban đầu.
Chiến sĩ Nguyễn Anh Đức, Đại đội 1 nói: “Nội dung huấn luyện không quá khó nhưng đòi hỏi đúng kỹ thuật, động tác dứt khoát. Ban đầu chưa quen, tôi còn lúng túng trong thực hiện động tác treo súng, nhất là súng trung liên. Sau đó, cán bộ kịp thời hướng dẫn, làm mẫu, sửa tập và truyền đạt kinh nghiệm giúp tôi nắm chắc kỹ thuật, tự tin thực hành đúng yêu cầu”.
Quán triệt tinh thần “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, kết quả huấn luyện phụ thuộc rất lớn vào cán bộ trực tiếp lên lớp trên thao trường, Đảng uỷ, chỉ huy Sư đoàn 5 xác định bồi dưỡng, tập huấn cán bộ là khâu then chốt.
Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, đánh giá đúng thực chất năng lực của từng cán bộ để tổ chức bồi dưỡng, phân công nhiệm vụ, chú trọng bồi dưỡng cán bộ cấp tiểu đội, trung đội và đại đội; lựa chọn, sắp xếp cán bộ có kinh nghiệm đảm nhiệm quản lý, chỉ huy, huấn luyện chiến sĩ mới; tổ chức tập huấn kỹ những nội dung mới và khó như: huấn luyện hoả lực, kiểm tra “3 tiếng nổ” của chiến sĩ mới, diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật ở các cấp...
Chiến sĩ mới Sư đoàn 5 huấn luyện điều lệnh tay không.
Đối với các đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới, chỉ huy Sư đoàn yêu cầu cán bộ tiểu đội, trung đội phải tham gia kiểm tra “3 tiếng nổ” cùng bộ đội, vừa để khẳng định năng lực chuyên môn và uy tín của cán bộ, vừa củng cố niềm tin cho chiến sĩ yên tâm luyện tập, thực hành kiểm tra kết thúc giai đoạn huấn luyện chiến sĩ mới.
Theo Đại tá Nguyễn Hải Nam- Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5, mệnh lệnh công tác quân sự của Sư đoàn 5 năm 2024 xác định: huấn luyện sát thực tế chiến đấu, phù hợp địa bàn, đối tượng tác chiến, điều kiện chiến tranh vũ khí công nghệ cao, phù hợp biên chế và vũ khí trang bị được bổ sung, tăng cường; phát huy cao nhất vai trò của đội ngũ cán bộ trong tổ chức, điều hành huấn luyện.
Yêu cầu này đòi hỏi cán bộ cơ sở phải tích cực luyện tập, hướng dẫn bộ đội, nâng cao trình độ, kỹ năng thực hành cho chính mình đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ cơ quan cũng phải tự nghiên cứu, trau dồi kiến thức, kỹ năng để có thể kiểm tra, đánh giá chính xác chất lượng, năng lực cán bộ đơn vị, tham mưu đúng, trúng, hiệu quả cho cấp trên kịp thời chỉ đạo khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Đây được coi là biện pháp rèn luyện, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ các cấp trong huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ được giao.
Việc rút kinh nghiệm huấn luyện cũng được Thường vụ Đảng uỷ, chỉ huy Sư đoàn chỉ đạo đổi mới, tổ chức ngay sau buổi huấn luyện để thống nhất nội dung. Cán bộ giỏi nội dung nào, trực tiếp rút kinh nghiệm nội dung đó, không giao cho một cán bộ đại diện rút kinh nghiệm tất cả các nội dung. Cách làm này bảo đảm tính thực sự, thực tế, chỉ đúng hạn chế, khuyết điểm của bộ đội trong từng nội dung, phát huy hiệu quả của việc rút kinh nghiệm huấn luyện, không còn tình trạng nhận xét chung chung, đồng thời cán bộ truyền đạt kinh nghiệm đúng sở trường giúp chiến sĩ tin tưởng, làm theo.
Đại tá Nguyễn Hải Nam- Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 nhấn mạnh: “Quán triệt và nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa, mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện theo tinh thần nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, các cơ quan, đơn vị của Sư đoàn 5 luôn thực hiện tốt phương châm, quan điểm, nguyên tắc, coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính sát thực; đặt ra yêu cầu cao trong việc “rèn cán để luyện binh”;
Đồng thời phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quản lý kỷ luật, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, phấn đấu xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu” năm 2024.
Lê Thuận - Phương Thảo