Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Năm 2019, toàn tỉnh đã tiết kiệm được 70.415.665 kWh điện, trong đó: đơn vị hành chính sự nghiệp tiết kiệm được 356.972 kWh điện, chiếu sáng công cộng tiết kiệm 348.571 kWh điện, thắp sáng sinh hoạt tiết kiệm 8.819.112 kWh điện, sản xuất công nghiệp tiết kiệm 60.891.011kWh điện.
Nhận thấy được tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hằng năm, Sở Công Thương đều tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo việc thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức cụ thể như: tuyên truyền rộng rãi các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và an toàn trong nhân dân, cơ quan, công sở; hệ thống chiếu sáng công cộng; các hộ kinh doanh, dịch vụ…
Theo Công ty TNHH Gain Lucky Việt Nam (khu công nghiệp Phước Đông, huyện Gò Dầu), tiết kiệm điện là một trong những mục tiêu quan trọng mà công ty đề ra hằng năm và nỗ lực duy trì thực hiện.
Để tiết kiệm điện, công ty đã thực hiện các giải pháp như: lắp đặt valve điện từ thay valve thông hơi cho các máy nén khí; đấu nối các đường ống máy nén khí của các nhà xưởng lại với nhau để giúp kiểm soát vận hành và tiết kiệm điện; lắp đặt đèn led thay thế cho hệ thống chiếu sáng cũ; cải tiến chế độ vận hành của máy định hình, đưa máy về trạng thái chờ khi không có vải cần định hình để tiết kiệm năng lượng.
Kết quả đạt được đã giúp cho công ty tiết kiệm hơn 5 triệu kWh/năm, chiếm khoảng 2,35% tổng lượng điện năng sử dụng, với chi phí tiền điện tiết kiệm được hơn 9 tỷ đồng.
Người dân lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà.
Sử dụng điện năng lượng mặt trời hiện nay cũng là một giải pháp được nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp quan tâm. Anh Nguyễn Hy Khánh- Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Gu Việt (ấp Long Bình, xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành) cho biết, công ty anh đã lắp đặt điện năng lượng mặt trời được 8 tháng với chi phí khoảng 200 triệu đồng. Theo anh, đây là một giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, từ khi lắp đặt đã giúp doanh nghiệp của anh tiết kiệm khoảng 20% chi phí tiền điện hàng tháng so với trước đây.
Trên địa bàn thành phố Tây Ninh, từ năm 2016, Sở Giao thông vận tải đã triển khai hệ thống đèn led đưa vào hoạt động và bàn giao cho thành phố quản lý. Ông Trần Hữu Ngọc–Phó trưởng phòng Quản lý đô thị Thành phố Tây Ninh cho biết, hệ thống đèn led này có ở các tuyến đường chính và các Công viên 30/4, Công viên Thắng lợi, Công viên Xuân Hồng, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ (phường Ninh Sơn).
Hiện nay, thành phố còn một số tuyến đường sử dụng đèn sodium cũ. Đối với những tuyến này, thành phố áp dụng tiết kiệm điện bằng cách tiết giảm công suất tối đa 50% (bóng sáng, bóng tắt). Bên cạnh đó, đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra giờ mở, tắt đèn và điều chỉnh cho phù hợp, chẳng hạn vào mùa ngày dài, đêm ngắn thì điều chỉnh mở đèn trễ hơn và sáng tắt sớm hơn, như hiện nay, buổi chiều tối trễ nên sẽ mở đèn vào khoảng 18 giờ 15 phút và tắt trong khoảng thời gian 5 giờ - 5 giờ 15 phút sáng hôm sau.
Ông Ngọc cho biết thêm, riêng đối với bóng đèn led, hiện nay, loại bóng đèn này đa phần có 5 cấp công suất, việc tiết kiệm điện còn thể hiện thông qua giảm cấp công suất tại đèn, cụ thể: từ lúc mới mở đến 21 giờ, ánh sáng ở mức tối đa; từ 21giờ đến 22 giờ sẽ giảm xuống 1 cấp, ánh sáng dịu lại và tiết kiệm điện hơn; tương tự như vậy sẽ giảm cho đến cấp công suất thấp nhất để duy trì ánh sáng (chế độ tiết kiệm điện tối đa). Ngoài ra, hằng năm, Phòng Quản lý đô thị còn ký cam kết với Điện lực thành phố và Công ty Điện lực Tây Ninh thực hành tiết kiệm điện theo quy định của Chính phủ.
Theo Công ty Điện lực Tây Ninh, thời gian qua, việc thực hiện tiết kiệm điện đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều hộ gia đình đã tiết kiệm điện trong sinh hoạt; một số cơ quan, doanh nghiệp thực hành nội quy, quy chế sử dụng điện tiết kiệm trong cơ quan, tổ chức của mình; một số tuyến đèn đường đã có hệ thống tự động điều chỉnh số lượng đèn chiếu sáng theo từng khoảng giờ từ 18 giờ tối đến 6 giờ sáng. Các loại bóng đèn có hiệu suất cao, tiêu thụ điện ít (đèn compact, đèn ống huỳnh quang “gầy” -T8...) đã được bán và tiêu thụ rộng rãi.
Bên cạnh đó, người dân cũng quan tâm đến việc lắp đặt máy nước nóng năng lượng mặt trời thay vì sử sụng bình đun nước sử dụng điện, vừa an toàn lại không tốn tiền điện; lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà để sử dụng. Qua thống kê, đến 5 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã tiết kiệm được 38.722.000 kWh điện.
Tuy nhiên, việc thực hành tiết kiệm điện vẫn còn một số hạn chế. Hiện nay, vẫn còn tình trạng sử dụng điện khá lãng phí, nhất là ở khu vực công cộng, chiếu sáng quảng cáo, chiếu sáng bán hàng; nhiều đường phố, điện chiếu sáng suốt đêm với độ sáng quá mức cần thiết; nhiều phòng làm việc buông rèm và bật đèn, không tận dụng ánh sáng tự nhiên; đèn quảng cáo bố trí quá nhiều.
Bên cạnh đó, tình trạng này còn xuất phát từ thói quen của người dân trong quá trình sử dụng điện như: không tắt thiết bị khi không sử dụng; sử dụng thiết bị điện không hợp lý; mua sắm thiết bị điện không hợp lý (sử dụng thiết bị không tiết kiệm điện, thiết bị quá cũ, hiệu suất thấp; sử dụng đèn sợi đốt, đèn cao áp để thắp sáng…).
Công ty Điện lực Tây Ninh khuyến cáo, để tiết kiệm điện, khi sử dụng các thiết bị thông thường một cách hiệu quả nhất, đối với hộ gia đình, chỉ cần thực hiện các biện pháp đơn giản trong sinh hoạt thường ngày khi sử dụng điện thì mọi gia đình đều tiết kiệm được tiền điện. Đó là sử dụng những thiết bị điện có dán nhãn năng lượng; sử dụng điện đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu; tắt thiết bị khi không sử dụng.
Trúc Ly