Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản: 38 bị cáo hầu toà
Thứ ba: 15:42 ngày 27/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - TAND tỉnh Tây Ninh vừa mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án hình sự đối với 38 bị cáo trong vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” qua không gian mạng.

Hội đồng xét xử tại phiên toà sơ thẩm. (Ảnh: Tâm Giang)

Trong đó, có 10 bị cáo ở Tây Ninh, 11 bị cáo ngụ tỉnh Bình Dương, 4 bị cáo ở Bắc Giang, 3 bị cáo ở Thái Nguyên; số còn lại ở các tỉnh An Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bình Định, Đà Nẵng, Cần Thơ, Kiên Giang, Đăk Lăk và Bình Thuận.

Các bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, từ tháng 3.2022 đến tháng 10.2022, Nguyễn Hoàng Sang (sinh năm 2001, ngụ xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) cùng các đồng phạm sang Campuchia làm việc cho công ty trá hình có trụ sở tại toà B7, khu Venus, tỉnh Svay Rieng, do 3 đối tượng người Trung Quốc (chưa rõ nhân thân, lai lịch, có tên thường gọi là Lùn, Trắng, Đen) làm chủ.

Từ tháng 10.2022 đến tháng 1.2023, công ty chuyển trụ sở đến toà H, khu King Crow, tỉnh Svay Rieng. Công việc là sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân Việt Nam. Đối tượng người Trung Quốc đã đăng bài viết tuyển nhân viên làm việc trên mạng, trả lương cao hoặc yêu cầu các nhân viên làm việc trước dụ dỗ, lôi kéo thêm bạn bè, người thân đưa sang Campuchia để làm việc cho công ty. Đối tượng người Trung Quốc cho nhân viên ký hợp đồng làm việc 6 tháng, trả công 800 USD - 900 USD/tháng, các tháng tiếp theo mỗi tháng tăng 50 USD, được hưởng hoa hồng trên tổng số tiền lừa đảo được từ người bị hại.

Các công ty này còn tổ chức cho nhân viên ăn ở, làm việc cùng nhau trong một toà nhà, đào tạo nhân viên bằng cách cung cấp các tài liệu, kịch bản, lời thoại lừa đảo cho nhân viên đọc, học thuộc. Sau đó, đối tượng người Trung Quốc quản lý, chia nhân viên làm việc theo các tổ, nhóm để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tiền của người Việt Nam.

Phiên toà hình sự được xét xử công khai tại TAND tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Tâm Giang)

Trung bình mỗi ngày, các đối tượng nhắn tin dụ dỗ, lôi kéo 5-15 bị hại tham gia theo dõi, thả tim TikTok, nghe nhạc MP3 để được trả công. Khi bị hại đồng ý tham gia thì hướng dẫn bị hại liên lạc qua Telegram tiếp tục thực hiện nhiệm vụ để được hưởng hoa hồng; các đối tượng còn hướng dẫn bị hại lập tài khoản trên trang Corona, app Shopee giả mạo, Lazada giả mạo chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để có điểm trong tài khoản; đặt cược các lệnh tài/xỉu hoặc chẵn/lẻ...

Để người bị hại chuyển tiền và chiếm đoạt, công ty lừa đảo sử dụng 18 tài khoản ngân hàng khác nhau, do các cá nhân là người Việt đăng ký mở tại các ngân hàng ở Việt Nam, mở dịch vụ chuyển tiền qua internet banking để cung cấp cho người bị hại chuyển tiền đến.

Với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, các đối tượng người Trung Quốc và các bị cáo trong vụ án đã lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền 5,259 tỷ đồng của 19 bị hại qua nhiều lần chuyển tiền đến 18 tài khoản ngân hàng trên do các đối tượng cung cấp. Trong đó, có một số bị hại đã chuyển vào tài khoản các bị cáo tổng số tiền trên 1 tỷ đồng.

Trong quá trình làm việc trong công ty lừa đảo, các bị cáo được trả công từ 800 - 6.650 USD/người.

Phiên toà hình sự được xét xử công khai, dự kiến thời gian xét xử từ ngày 26.8 đến hết ngày 30.8.2024, tại TAND tỉnh.

Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục