Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sử dụng vốn vay hiệu quả, nhiều nông dân thoát nghèo bền vững
Thứ sáu: 00:25 ngày 19/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhờ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), nhiều hộ nghèo trên địa bàn thị trấn Gò Dầu chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Ông Tô Văn Niên, một trong những nông dân điển hình thoát nghèo, vươn lên làm giàu ở thị trấn Gò Dầu.

Gia đình ông Tô Văn Niên (69 tuổi, ngụ khu phố Thanh Bình A, thị trấn Gò Dầu) là điển hình trong việc thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách. Năm 2002, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân Thị trấn, ông Niên vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, mua 3 con bò giống về nuôi. Tận dụng hơn 2.000m2 đất vườn nhà, ông trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Đàn bò nhà ông Niên ngày càng nhiều. Kinh tế khá dần lên, gia đình ông xây được nhà mới khang trang, sạch sẽ.

Để mở rộng quy mô chuồng trại, ông Niên tiếp tục vay thêm 20 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ của Hội Nông dân thị trấn Gò Dầu. Đến nay, đàn bò của ông có hơn 20 con lớn nhỏ, chuẩn bị xuất bán. “Nhờ số tiền vay ban đầu tôi mới có vốn chăn nuôi bò. Nhờ chính quyền và Hội Nông dân quan tâm nên gia đình tôi mới ổn định cuộc sống. Số tiền 20 triệu đồng do Hội Nông dân Thị trấn hỗ trợ, tôi mong bán được đàn bò, có tiền trả lại để Hội giúp đỡ hộ khác có vốn sản xuất, chăn nuôi”- ông Niên chia sẻ.

Theo bà Trần Thị Mộng Huy- Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Gò Dầu, để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi, Hội phối hợp Ngân hàng CSXH chi nhánh huyện Gò Dầu giới thiệu hội viên, nông dân vay vốn tái sản xuất, chăn nuôi ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Khoảng 10 năm trước, gia đình bà Nghiêm Thị Thanh (54 tuổi, ngụ khu phố Rạch Sơn) là hộ nghèo tại địa phương. Bà Thanh làm nghề nông, thuê đất trồng hoa và các loại rau thơm; còn chồng bà có nghề phụ hồ, làm thuê, cuộc sống gia đình khó khăn vất vả, thu nhập bấp bênh.

Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, bà vay 10 triệu đồng từ vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, sau đó thuê thêm 3.000m2 đất mở rộng diện tích trồng hoa vạn thọ, hoa cúc. Nhờ cần cù, siêng năng lao động, cuộc sống gia đình dần ổn định và thoát nghèo. Bà Thanh chia sẻ: “Tiền lời từ việc bán hoa, tôi để dành lo cho con cái ăn học, đứa con gái lớn đã tốt nghiệp đại học và đi làm, con gái út chuẩn bị xuống Thành phố Hồ Chí Minh học đại học. Cuộc sống tuy khó, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng”.

Việc đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhanh chóng đến tay hội viên nông dân đã tác động tích cực đến chất lượng hoạt động Hội và phong trào nông dân trên địa bàn thị trấn Gò Dầu nói riêng, huyện Gò Dầu nói chung. Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa- Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gò Dầu, trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện đã giải ngân trên 240 hộ, với số tiền hơn 12 tỷ đồng. Tổng dư nợ giải quyết việc làm trên địa bàn huyện đến thời điểm hiện tại là 22 tỷ đồng. Hầu hết các trường hợp tiếp cận vốn vay là những hộ hoàn cảnh khó khăn, có ý chí vượt khó vươn lên. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, người nông dân có vốn để sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi mô hình sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Ông Nghĩa cho biết thêm, thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương hỗ trợ cho hội viên nông dân nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nguồn vốn tin cậy- nhất là từ Ngân hàng CSXH và Quỹ Hỗ trợ nông dân. Ngoài ra, Hội sẽ phối hợp với các ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp tổ chức tập huấn, tuyên truyền ứng dụng khoa học kỹ thuật để hội viên nông dân áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi. Bên cạnh đó, Hội sẽ phối hợp với trạm bảo vệ thực vật, trạm thú y hướng dẫn cho bà con chăn nuôi hiệu quả.

Tâm Giang - Hoàng Yến

Tin cùng chuyên mục