Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sự kiện đặc biệt - điều kiện đặc biệt
Thứ hai: 00:23 ngày 24/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau một thời gian dài chuẩn bị, hôm qua, 23.5, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp diễn ra trên cả nước. Cùng với Ðại hội Ðảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp lần này là sự kiện đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước.

Thẻ cử tri được đóng dấu sau khi cử tri đã bỏ phiếu bầu cử. Ảnh: Tâm Giang

Mặc cho những “lời kêu gọi” “không biết không bầu”, hàng chục triệu cử tri, theo luật định, họ đã cầm lá phiếu để thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất nước. Không chỉ vậy, những cử tri đang bị cách ly, đang điều trị bệnh hoặc già yếu, thậm chí đang đi du lịch hay đang ở công trường xây dựng... cũng được bỏ phiếu. Tỷ lệ cử tri bầu cao là bằng chứng không thể chối cãi, không ai bác bỏ được, đây là câu đáp trả đích đáng đối với những người thiếu thiện chí, vô trách nhiệm khi họ "xúi" cử tri không đi bầu cử.

Các hoạt động bầu cử ngày 23.5 cho thấy, việc tổ chức bầu cử diễn ra (tính đến giờ này) đúng luật định, cử tri tuân thủ nghiêm túc quy định của Hiến pháp, pháp luật về bầu cử. Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp lần này là sự kiện đặc biệt và cũng diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt: đại dịch Covid - 19 đang hoành hành khắp thế giới.

Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh vẫn đang trong vòng kiểm soát nhưng diễn biến ngày càng phức tạp. Một số địa phương, cũng vì dịch bệnh, hoạt động bầu cử diễn ra trong điều kiện đặc biệt. Ngay tại Tây Ninh, dù chưa có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng (tính đến thời điểm hiện tại) nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử được chuẩn bị ở mức cao nhất, từ các biện pháp hành chính cho đến hàng rào kỹ thuật, chuyên môn của ngành Y tế.

Ngay trong ngày bầu cử, một số cá nhân, tổ chức, kể cả cơ quan truyền thông vốn thiếu khách quan với tình hình của đất nước tiếp tục lớn tiếng bỉ bôi, chê bai giễu cợt. Ngay khi cử tri đang bỏ phiếu, một tài khoản cá nhân có tiếng trên mạng, luôn tự nhân mình là “dân chủ, văn minh, cấp tiến” đưa lên mạng xã hội một tấm hình phản cảm, thiếu thẩm mỹ.

Tấm ảnh cho thấy một nhóm người toàn nam giới, thân hình xăm trổ vừa ăn uống vừa nhìn vào màn hình ti vi. Hình ảnh trên màn hình ti vi là một người phụ nữ vốn gây nhiều ồn ào trong thời gian gần đây liên quan đến một ông thầy lang, còn gọi là “thần y, lương y”.

Kèm theo hình ảnh là lời bình luận: “sáng suốt lựa chọn”. Một câu hỏi không mới nhưng chắc chẳng bao giờ cũ: những người tự nhận mình là “dân chủ, cấp tiến, văn minh” tại sao đầu óc họ lại tầm thường đến như thế? Họ có phải là người học hành kém cỏi, thiếu tri thức, thiếu hiểu biết? Câu trả lời là không, vì nhiều người trong số này có học vị, được đào tạo bài bản. Như vậy, những hành vi đó là cố ý chứ không phải ngây thơ, hồn nhiên. Phải chăng, họ đang thể hiện tính “cấp tiến, dân chủ” theo phẩm cách của cá nhân mình?

Không chỉ một số cá nhân, ngay cả một số cơ quan truyền thông của nước ngoài (có phát bằng tiếng Việt) cũng xuyên tạc, bóp méo cuộc bầu cử các cơ quan lập pháp, cơ quan dân cử ở Việt Nam một cách vừa trắng trợn vừa có dấu hiệu thiếu hiểu biết.

Lúc gần 12 giờ ngày 23.5, một cơ quan truyền thông của nước ngoài đăng tải ý kiến của một người Việt Nam (cũng đang ở nước ngoài) rằng nay mai Quốc hội khoá mới họp để bầu các chức danh lãnh đạo chỉ là hình thức, rồi tại sao Quốc hội khoá XIV lại bầu lãnh đạo, không để Quốc hội khoá mới bầu...

Ý kiến của người này đưa ra, dù chỉ vài dòng nhưng trong vài tiếng đồng hồ có hàng trăm “bình luận” hùa theo kiểu a dua. Nói thẳng thừng, những ý kiến đó hầu như chỉ biết chửi, ăn theo nói leo một cách cảm tính, thậm chí thiếu văn hoá tối thiểu. Một số ý kiến hiếm hoi nói ngược lại đám đông lập tức bị quy chụp, mạt sát không thương tiếc.

Một ý kiến viết: “Quốc hội khoá cũ còn tồn tại mấy tháng, họ bầu ra Chính phủ kế tiếp của họ, Chính phủ này cũng chỉ tồn tại mấy tháng tương ứng. Tháng bảy này, sau khi Quốc hội mới ra đời, Quốc hội mới này lại bầu ra chính phủ mới. Ðúng luật”. Không viện dẫn các điều luật nhưng ý kiến vừa nêu hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật.

Thế nhưng, ý kiến này lập tức nhận được những “cái còm” chửi bới, những “ông mặt cười”. Trong lần trả lời phỏng vấn Báo Tây Ninh, cách nay chưa lâu, ông Trịnh Ngọc Phương - đại biểu Quốc hội khoá XIV thuộc Ðoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh đã viện dẫn các quy định của pháp luật, phân tích cực kỳ thuyết phục về vấn đề này.

Xin trích dẫn một đoạn: “Các chức danh Nhà nước được miễn nhiệm và bầu mới tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV không phải là bầu cho khoá mới, bầu cho nhiệm kỳ sau. Sau Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng nhiều cán bộ chủ chốt của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ không vào Bộ Chính trị khoá mới.

Vì vậy, việc phân công, sắp xếp, bố trí, kiện toàn bộ máy Nhà nước để bảo đảm sự lãnh đạo, bảo đảm sự đồng bộ giữa vai trò lãnh đạo của Ðảng với hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước là hết sức cần thiết. Trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ bầu hoặc phê chuẩn bổ sung các chức danh sau khi sắp xếp nhân sự cho QH khoá XIV nhiệm kỳ 2016-2021.

Tại Khoản 7, Ðiều 70, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội: “Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội...

Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp”. Ðồng thời, Luật Tổ chức Quốc hội cũng quy định cụ thể nội dung này.

Với cơ sở pháp lý như trên, việc miễn nhiệm và bầu mới một số chức danh chủ chốt của Nhà nước trong kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV là hoàn toàn hợp Hiến, hợp pháp. Sau khi Quốc hội khoá XV, nhiệm kỳ 2021-2026 được cử tri bầu ra, tại kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khoá mới sẽ thực hiện công tác nhân sự cho nhiệm kỳ 2021-2026.

Nếu những người giữ vị trí được kiện toàn tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV không trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV (đối với các vị trí yêu cầu phải là đại biểu Quốc hội) hoặc không được Quốc hội khoá XV tín nhiệm bầu, phê chuẩn thì nghiễm nhiên sẽ thôi giữ chức vụ. Khi đó, Ðảng, Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện công tác nhân sự theo đúng quy định”.

Có một điều không muốn nhưng cũng đành phải nêu ra, trong nhiều cuộc bầu cử ở nước ngoài, có không hiếm cuộc bầu cử dẫn đến chết người theo đúng nghĩa đen. “Tiêu biểu” nhất là cuộc bầu cử tổng thống ở nước Mỹ cách nay chỉ mấy tháng. Cuộc bầu cử này, hai bên tố cáo nhau, xung đột với nhau khiến hàng chục người chết.

Những địa điểm được coi là tôn nghiêm nhất, được bảo vệ nghiêm ngặt nhất với những thiết bị, vũ khí tân kỳ nhất, nhìn vào không khác gì bãi chiến trường. Mà nó đúng là chiến trường. Dư âm của cuộc bầu cử tai tiếng này cho đến giờ vẫn chưa lắng xuống và không biết đến bao giờ mới lắng xuống.

Thế nhưng, một số người Việt Nam tự khoác cho mình  cái áo “dân chủ, cấp tiến, văn minh” gần như hoàn toàn im lặng trước cuộc bầu cử đó, hoặc có lên tiếng, họ lại cho rằng sự lộn xộn chết người đó thể hiện tính dân chủ, nhân quyền. Sẽ có người nói, họ lên tiếng như thế nào, nói những gì hoặc “giữ quyền im lặng” là việc của họ.

Về lý, điều này không hẳn sai. Nhưng, câu hỏi đặt ra, tại sao khi “các nền dân chủ” (mà các vị mơ ước) có biến cố, có xung đột, thậm chí giết người ngay trong cuộc bầu cử, các vị lại im lặng, còn ở trong nước, nơi chôn nhau cắt rốn của các vị, thì chính các vị lại không ngừng đay nghiến, bóp méo tình hình đất nước? Nói theo ngôn ngữ của mạng xã hội, phải chăng đây là thái độ, hành vi “tự nhục”?

Ngày hôm qua, sau khi thực hiện quyền cử tri, trao đổi với báo chí trong và ngoài nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “bày tỏ mong muốn, cũng như mọi cử tri cả nước, tất cả đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được bầu lần này, sẽ hết lòng vì dân vì nước, phụng sự nhân dân, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả của mình theo đúng Hiến pháp và pháp luật quy định.

Nhất là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đại biểu được dân tín nhiệm bầu ra, thay mặt cho dân để tham gia quản lý đất nước, quản lý xã hội. Là đại biểu của nhân dân thì phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của cử tri, của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân tin tưởng, giao phó.

Với truyền thống đại đoàn kết của dân tộc ta, với ý chí sắt đá và lòng yêu nước tha thiết của nhân dân ta, với tinh thần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mỗi công dân đã xác định được quyền và nghĩa vụ của mình, sẽ đi bầu cử đông đủ, sáng suốt chọn lựa những đại biểu xứng đáng nhất trong những người ứng cử để chọn đúng người, bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tránh bầu nhầm, bầu lẫn.

Tôi tin chắc rằng, cuộc bầu cử lần này sẽ thành công tốt đẹp, tạo không khí thật sự là ngày hội của toàn dân - ngày hội lớn của dân tộc ta, của non sông đất nước ta” (trích báo Việt Nam và Thế giới, cơ quan báo chí thuộc Bộ Ngoại giao).

Trong điều kiện bình thường, tổ chức một cuộc bầu cử vốn đã không đơn giản. Cuộc bầu cử này là một kỳ bầu cử vô cùng đặc biệt, vì đại dịch đang hoành hành. Bằng tất cả sự thận trọng, có thể nói rằng, cuộc bầu cử - sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng diễn ra trong điều kiện đặc biệt, đã thành công.

VIỆT ÐÔNG

Tin cùng chuyên mục