Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sự phát triển tư duy, quan niệm của đảng về chủ nghĩa xã hội
Thứ hai: 08:46 ngày 20/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau khi phân tích, chỉ ra bản chất của chủ nghĩa tư bản, Tổng Bí thư chỉ ra sự lựa chọn đúng đắn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.

Năm 2022, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.

Tác phẩm này đã được giới nghiên cứu, chuyên gia bàn luận nhiều, trong đó khẳng định, nội dung cuốn sách diễn giải về CNXH vừa gần gũi (ai cũng có thể đọc được, hiểu được) vừa có tính học thuật, tính định hướng cho con đường đi lên của đất nước.

QUAN NIỆM VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định rõ chủ nghĩa xã hội thường được hiểu với ba tư cách.

Thứ nhất, chủ nghĩa xã hội là một học thuyết. Với tư cách là một học thuyết thì chủ nghĩa xã hội chính là chủ nghĩa xã hội khoa học. Quá trình hình thành tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăngghen được phản ánh trong nhiều tác phẩm. Đến năm 1848, khi tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ra đời đã đánh dấu sự hình thành về cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học. Sau này, V.I. Lênin phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa xã hội khoa học trong hoàn cảnh lịch sử mới.

Chủ nghĩa xã hội khoa học là một trong ba bộ phận hợp thành chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ nghĩa xã hội khoa học là học thuyết về con đường, cách thức giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, về cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân, nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của chính đảng mácxít nhằm thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, nhằm giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn xã hội.

Thứ hai, với tư cách là một phong trào, chủ nghĩa xã hội chính là các phong trào cộng sản, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản; chống lại những bất công, cường quyền, xâm lược của thực dân, đế quốc trong điều kiện chưa có chính quyền. Trong điều kiện đã giành được chính quyền, giai cấp công nhân, nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản sẽ thực hiện các phong trào để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Thứ ba, với tư cách là một chế độ, có thể hiểu chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội do nhân dân làm chủ, thực hiện chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu. Trong tư cách là một chế độ, chủ nghĩa xã hội có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người phát triển toàn diện, có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đây là những vấn đề có vừa có tính khoa học vừa có tính nguyên tắc. Từ những điều vừa trình bày ở trên, có thể thấy, Tổng Bí thư nhìn nhận chủ nghĩa xã hội một cách toàn diện, giúp chúng ta nhìn nhận CNXH một cách khách quan, toàn diện.

PHÁT TRIỂN TƯ DUY

Nhìn nhận chủ nghĩa xã hội là chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên học thuyết Mác - Lênin trong thời đại ngày nay, Tổng Bí thư đã chỉ ra phải định hình chủ nghĩa xã hội thế nào và định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội phải như thế nào để phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể của Việt Nam.

Sau khi phân tích, chỉ ra bản chất của chủ nghĩa tư bản, Tổng Bí thư chỉ ra sự lựa chọn đúng đắn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trường kỳ kháng chiến, đánh thắng thực dân, đế quốc để giành độc lập cho dân tộc, xác định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Đảng khẳng định đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, phù hợp điều kiện cụ thể của nước ta.

Cuốn sách của Tổng Bí thư tái khẳng định trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.

Để đạt được những đặc trưng này, Đảng, Nhà nước phải thực hiện rất nhiều công việc như phát triển kinh tế tri thức, giữ vững khối đại đoàn kết, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, hội nhập ngày càng sâu, rộng trong quan hệ quốc tế, tận dụng sức mạnh của thời đại.

KHÔNG CHỦ QUAN, KHÔNG NÓNG VỘI

Đảng nhận thấy, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và nhiều phức tạp. Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện lực lượng sản xuất rất lạc hậu, chiến tranh tàn phá, cùng với đó là sự chống phá của các thế lực thù địch. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng phải tiếp thu những thành tựu mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản để phát triển lực lượng sản xuất.

Nhận thức của Đảng về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam thực hiện đa dạng về thành phần kinh tế, loại hình sở hữu. Các thành phần kinh tế vừa hợp tác, vừa cạnh tranh. Định hướng xã hội chủ nghĩa là tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, chính sách kinh tế luôn gắn với chính sách xã hội… tránh chệch hướng chủ nghĩa xã hội.

Tổng Bí thư chỉ rõ, xã hội xã hội chủ nghĩa là một xã hội mà mục tiêu hướng tới là đạt được các giá trị tiến bộ, nhân văn, nhân bản, vì con người, loại bỏ việc tuyệt đối hoá chủ nghĩa cá nhân, vì sự tồn tại, phát triển bền vững của cộng đồng. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước phải luôn vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; bảo đảm quyền lực thực sự của nhân dân, thuộc về nhân dân. Tổng Bí thư còn khẳng định, chứng minh những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được qua hơn 35 năm đổi mới, hội nhập.

Thông qua những luận điểm của Tổng Bí thư về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, chúng ta thấy rằng, tư duy, quan niệm của Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa xã hội ngày càng cụ thể, đầy đủ, sâu sắc hơn. Cụ thể, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải lấy nhân dân làm trung tâm, vì nhân dân, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải trải qua thời kỳ quá độ lâu dài với muôn vàn khó khăn, thách thức. Trong quá trình đó, phải thực hiện một nền kinh tế với nhiều thành phần, nhiều loại hình sở hữu để phát huy mọi tiềm năng phát triển đất nước, tiếp thu có chọn lọc những thành tựu của nhân loại.

Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội phải vừa xây, vừa chống, vừa học hỏi, vừa hoàn thiện thể chế, không được nóng vội, chủ quan duy ý chí. Xác định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của quá trình đổi mới, hội nhập. Trong quan hệ quốc tế, phải luôn giữ vững lập trường, quan điểm thêm bạn, bớt thù.

Xuất phát điểm thấp, nền kinh tế tiểu nông lạc hậu, do vậy, khó khăn, hạn chế trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội chưa phải đã hết, thậm chí còn nhiều. Trong đó, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, nhiều doanh nghiệp hoạt động chưa hiệu quả, có doanh nghiệp nhà nước. Khoảng cách giàu nghèo có dấu hiệu gia tăng. Chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác chưa cao. Tình trạng tham nhũng, tham ô, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân. Đây cũng là kẽ hở để các thế lực xấu, thù địch công kích chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Đảng ta nhận thức rằng, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, một số các yếu tố tích cực của xã hội chủ nghĩa đang được hình thành, xác lập và phát triển đan xen, cạnh tranh với các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa, gồm cả các nhân tố tư bản chủ nghĩa trên một số lĩnh vực. Trong điều kiện mở cửa, hội nhập, thực hiện cơ chế thị trường sẽ phát sinh những tiêu cực, thách thức, vì vậy, cần được xem xét một cách tỉnh táo và xử lý một cách kịp thời, hiệu quả. Vấn đề cốt yếu hiện nay là phải kiên quyết ngăn chặn triệt để, đẩy lùi tham nhũng, đồng thời khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một quá trình lâu dài, gian khổ, chưa có tiền lệ. Trong quá khứ, chúng ta đã vấp phải những sai lầm như chủ quan, duy ý chí, không tuân theo quy luật của sự phát triển. Bài học mà Tổng Bí thư chỉ ra là tuyệt đối không được nóng vội, chủ quan.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục