Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sự thật phũ phàng về iPhone “dùng lướt”: Hầu hết là hàng thay vỏ
Thứ ba: 11:31 ngày 03/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Những chiếc iPhone cũ có vẻ ngoài mới cứng được quảng cáo là “nguyên zin” như mới, hàng dùng lướt, hay còn gọi là hàng Like New. Thế nhưng có một sự thật là đa phần chúng đều được thay vỏ mới.

iPhone “like new” toàn là hàng độ vỏ

“iPhone like new 99%”, “iPhone cũ đẹp keeng không tì vết”, “iPhone nữ dùng nên còn nguyên như mới”, đó là những mẩu quảng cáo quen thuộc thường thấy trên các diễn đàn, hội nhóm về công nghệ. Khác với “hình ảnh chỉ mang tính minh họa” trên những gói mỳ tôm, những chiếc iPhone cũ được rao bán có vẻ ngoài còn đẹp nguyên như mới. Tuy nhiên có một thực tế rằng phần lớn trong số chúng đều là hàng thay vỏ. 

Trong vai một người có nhu cầu nhập vỏ iPhone, PV VietNamNet không khó để tìm mua mặt hàng này một cách công khai tại Hà Nội. Theo chủ một cửa hàng chuyên bán linh kiện trên phố Tây Sơn (Hà Nội): “Vỏ iPhone 6 và iPhone 6S giá 150.000, vỏ iPhone 6 Plus và 6S Plus giá 190.000, riêng iPhone 6 vỏ trắng còn có "giá yêu” chỉ 140.000/chiếc”. Vị chủ cửa hàng này còn đon đả, “sẽ có chiết khấu nếu mua hàng với số lượng lớn”.

Để trở thành "like new", phần lớn những chiếc iPhone cũ đều được thay vỏ mới. Trên thị trường, một bộ vỏ iPhone 6 và iPhone 6S giá 150.000 đồng, vỏ iPhone 6 Plus và 6S Plus giá 190.000 đồng.

Chỉ sẻ với PV, anh Chí Bảo, một người chuyên kinh doanh dòng sản phẩm Apple cho biết: “iPhone cũ tại Việt Nam chủ yếu được nhập về theo từng lô lớn từ Trung Quốc. Để đến được tay người dùng, mỗi chiếc iPhone phải đi qua rất nhiều khâu chứ không chỉ một cấp đại lý”.

Ở cấp cuối cùng, các đầu nậu lớn Hà Nội tiến hành phân phối cho các cửa hàng hoặc những người buôn máy nhỏ lẻ. “Để nhập được máy giá rẻ, người mua sẽ phải đánh hàng theo lô. Chính vì không được chọn hàng, trong mỗi lô sẽ lẫn cả máy đẹp, máy xấu. Gọi là máy đẹp nhưng cũng phải có vài vết xước dăm. Để kiếm một chiếc máy cũ mà có vẻ ngoài mới coong không phải dễ”, anh Bảo chia sẻ.

Đây cũng là lý do, nhiều “thương nhân” chọn cách “mông má” lại những chiếc iPhone cũ để có thể bán lại với giá cao hơn.

Muôn vàn kiểu iPhone "hàng dựng"

“Hàng dựng” là cụm từ hay được dùng để nói về những chiếc điện thoại không còn nguyên bản. Gọi là “hàng dựng” nhưng cũng có nhiều kiểu “dựng” khác nhau. Nhẹ nhất là thay vỏ, nhiều hơn nữa thì tráo pin, màn hình zin, thay vào đó là những linh kiện loại 2, loại 3.

Linh kiện xịn sau đó được giữ lại để dùng thay cho những máy hỏng hóc. Quá đáng nhất là việc can thiệp vào main, câu dây đồng để biến iPhone lock thành hàng quốc tế.

Thủ đoạn câu dây đồng biến iPhone lock thành hàng quốc tế. 

Nói vậy để thấy, mặc dù được độ lại ít nhiều, những chiếc iPhone đã thay vỏ chưa chắc đã là hàng không tốt. Để một chiếc máy có thể hoạt động ổn định, điều quan trọng nhất là phần main và các linh kiện khác phải nguyên bản và đồng bộ với nhau. Đây cũng là lý do nhiều người không cố tìm máy nguyên bản hoàn toàn mà chọn những chiếc iPhone có bảng mạch (main) vẫn còn nguyên zin là được.

Theo anh Chí Bảo, chất lượng iPhone cũ phần nhiều được quyết định bởi cái tâm của dân buôn. “Mình thường không lấy hàng theo lô mà nhặt từng chiếc một, giá nhập sẽ cao hơn nhưng hàng của mình chất lượng, đảm bảo được uy tín với khách. Mình cũng không thích thay vỏ mà để nguyên, cố tìm những máy ít xước nhất. Có thể hàng của mình sẽ không đẹp như người ta nhưng nếu “sành” và tin tưởng thì khách vẫn mua máy”, anh Bảo cho biết.

Nếu không bị can thiệp vào main, pin, màn hình và các linh kiện khác, những chiếc iPhone đã thay vỏ vẫn có khả năng hoạt động bình thường và ổn định. 

Tâm lý người dùng là dù mua máy cũ, họ vẫn muốn một chiếc điện thoại mới tinh. Điều này không phải là không có, tuy nhiên những chiếc máy “cũ như mới” giá sẽ cao hơn hẳn so với máy cũ thông thường. Đây cũng là lý do nhiều chủ cửa hàng thường thay vỏ hàng loạt sau khi nhập máy cũ.

“Việc thay vỏ không ảnh hưởng tới main, người bán thì nhanh đẩy được hàng, người mua thì có máy đẹp như mới. Nếu hiểu những chiếc iPhone thay vỏ theo cách đó, người dùng sẽ bớt dần ác cảm với cụm từ “hàng dựng””, anh Bảo chia sẻ.

Anh Bảo cũng cho rằng bản thân việc mua máy cũ là một sự đánh đổi. Muốn có giá rẻ hơn, người dùng phải chấp nhận mất đi cảm giác bóc “seal”, bên cạnh đó là những rủi ro nhất định khi tìm mua máy cũ.

Nếu không có một hầu bao rủng rỉnh, người dùng nên tới những nơi bán có bảo hành dài, địa chỉ rõ ràng, tin tưởng, tránh việc mua máy của thợ lẻ vì chất lượng máy phụ thuộc vào tâm người bán, người mua khó lòng kiểm soát.

Lời khuyên tốt nhất dành cho người mua máy có ngân sách hạn chế là hãy sắm những chiếc điện thoại mới tầm trung. Những máy Android giá rẻ đời mới có tính năng không kém gì hàng cao cấp. Ngoài ra, việc mua máy mới góp phần loại bỏ hàng giả, hàng nhập lậu, thúc đẩy sự phát triển đi lên của nền kinh tế.

Nguồn vietnamnet

Tin cùng chuyên mục