Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sự thực gây sốc về kinh tế Triều Tiên
Thứ năm: 11:25 ngày 10/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Dù phải chịu bao thiệt hại do các lệnh trừng phạt kéo dài nhiều năm của các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ, nhưng các ngành nghề kinh tế của Triều Tiên vẫn thể hiện một sức sống tuyệt vời.

Cơ sở hạ tầng kinh tế vững chắc

Sau khi trở thành lãnh đạo tối cao của Triều Tiên vào năm 2011, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tiến hành một loạt các cải cách về kinh tế. Chính điều này đã mang lại những thành tựu to lớn cho Triều Tiên trên các lĩnh vực kinh tế chủ chốt.

Để thực sự hiểu được tình hình phát triển kinh tế của Triều Tiên cần phải xuất phát từ nhiều chỉ số khác nhau, trước hết là chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Mặc dù, phải chịu các lệnh cấm vận kinh tế của phương Tây đứng đầu là Mỹ, tuy nhiên GDP của Triều Tiên vẫn duy trì mức độ tăng.

Tỷ lệ tăng trưởng GDP của Triều Tiên năm 2013 là 1,2%, năm 2014 là 1,0%, năm 2015 là 1,1% và đặc biệt năm 2016 tăng đột biến lên 3,9%.

Về dự trữ lương thực của Triều Tiên cũng khiến giới phân tích phải kinh ngạc. Hiện tại, Triều Tiên có khoảng 24 triệu dân, nhu cầu lương thực trong 1 năm vào khoảng 5,3 triệu tấn.

Trong khi đó, số liệu công khai cho thấy, năng lực tự sản xuất lương thực của Triều Tiên năm 2013 là 5,03 triệu tấn, năm 2014 là 5,24 triệu tấn, năm 2015 là 5,4 triệu tấn, năm 2016 mặc dù phải chịu nhiều thiên tai hạn hán nhưng giá trị sản lượng lương thực vẫn đạt 4,81 triệu tấn.

Như vậy, có thể thấy rằng phần lớn lương thực của Triều Tiên là tự cung tự cấp, và không lệ thuộc quá lớn vào nhập khẩu. Những con số này nói lên rằng, tình hình kinh tế của Triều Tiên hoàn toàn không khó khăn như chúng ta tưởng tượng.

Ngoài ra, sự phát triển của Triều Tiên còn được thể hiện qua sự tiến bộ ấn tượng trong lĩnh vực nhà ở và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thủ đô Bình Nhưỡng ngày nay đã mọc lên nhiều nhà cao tầng, các khu đô thị, đặc biệt dọc hai bờ sông Đại Đồng mọc lên rất nhiều cao ốc tráng lệ theo dáng vẻ của một đô thị văn minh, hiện đại.

Theo tiết lộ của Viện Nghiên cứu thống nhất của Hàn Quốc, để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, ngay những năm đầu tiên của thế kỷ 21, Chính phủ Triều Tiên đã đẩy mạnh tốc độ xây dựng các tòa nhà. Điều này đã giúp cho hoạt động giao dịch nhà ở tại Bình Nhưỡng phát triển nhanh chóng.

Trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2016, giá căn hộ ở khu vực phía Đông Bình Nhưỡng giao động từ 100.000USD đến 200.000 USD/căn. Trong khi đó, ở phía Tây Bình Nhưỡng là từ 20.000USD đến 100.000 USD/căn. Hơn nữa, giá căn hộ tại Bình Nhưỡng liên tục tăng lên.

Mặc dù, Triều Tiên thực hiện chế độ cấp nhà ở. Về mặt lý thuyết, Triều Tiên cấm giao dịch bất động sản. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản được các hoạt động giao dịch nhà ở, và các hoạt động mua bán nhà ở tại Bình Nhưỡng hiện nay đã trở thành phổ biến.

Ngoài vấn đề nhà ở, cơ sở hạ tầng của Triều Tiên cũng sớm theo kịp với bước tiến của thời đại.

Sân bay Bình Nhưỡng vốn chỉ có một nhà ga 2 tầng, với diện tích chỉ tương đương với một nhà kho lớn, và một băng trượt hành lý cộng với một cửa hàng miễn thuế. Các chuyến bay chỉ được lên kế hoạch định kỳ, và đường bay chủ yếu là các chuyến bay qua lại giữa Bình Nhưỡng với Bắc Kinh và Moscow.

Tuy nhiên, sau khi trở thành lãnh đạo tối cao của Triều Tiên vào năm 2011, Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã tập trung ưu tiên cải thiện cơ sở hạ tầng. Hiện tại, sân bay Bình Nhưỡng đã được nâng cấp với nhiều dịch vụ tiện ích bao gồm các cửa hàng miền thuế cho các khách VIP, nhà ăn, và xây thêm các nhà ga.

Tại các cửa hàng miễn thuế ở sân bay Bình Nhưỡng đã thấy xuất hiện nhiều mặt hàng sang trọng như thời trang cao cấp, socola chất lượng cao và nhiều loại rượu của các hãng nổi tiếng trên thế giới..

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng giao thông tại Triều Tiên đã được cải thiện rất rõ nét. Xe cộ tham gia giao thông tấp nập trên các đường phố ở Thủ đô Bình Nhưỡng. Các cửa hàng thương mại sầm uất của các thành phố lớn ở Triều Tiên đã được kết nối thông suốt bằng mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại.

Ngoài hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt công cộng, các phương tiện cá nhân như xe hơi hiện đã trở thành phương tiện giao thông không thể thiếu của người dân trên các đường phố của Triều Tiên.

Theo số liệu công khai, năm 2014 Triều Tiên đã có khoảng 240.000 chiếc xe hơi. Tuy nhiên, tới năm 2017 con số này đã tăng lên tới 300.000 chiếc, trong đó phần lớn xe hơi tập trung tại Thủ đô Bình Nhưỡng.

Với dân số khoảng 24 triệu người, như vậy nếu tính theo đầu người trung bình 100 người Triều Tiên sẽ có 1 người dân có xe hơi.

Thời cơ cải cách đã chín muồi

Như vậy có thể nhận thấy rằng, mặc dù phải chịu bao thiệt hại do các lệnh trừng phạt kéo dài nhiều năm của các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ, tuy nhiên, các ngành nghề kinh tế của Triều Tiên vẫn thể hiện một sức sống tuyệt vời.

Đây chính là cơ sở hạ tầng kinh tế vững chắc để nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un mạnh mẽ, tự tin và sáng suốt tuyên bố dừng tất cả các vụ thử hạt nhân và tên lửa, sẵn sàng từ bỏ hạt nhân và đối thoại với Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa để tập trung phát triển kinh tế đất nước.

Rốt cuộc kinh tế quyết định kiến trúc thượng tầng, nếu cứ kiên quyết dựa vào vũ khí hạt nhân và thử nghiệm tên lửa điều đó không nhất định có được sự đảm bảo về an ninh theo đúng nghĩa.

Chỉ có mở cửa cải cách, giao lưu trao đổi với các nước và đối thoại hòa bình, mới có thể mang lại "mùa xuân" đích thực cho sự phát triển kinh tế. Và điều này sẽ tạo dựng nền tảng vững chắc để đưa Triều Tiên thực sự trở thành "cường quốc kinh tế và quân sự" trong tương lai.

Nguồn Tienphong

Tin cùng chuyên mục