Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sự tôn trọng đối với một phần tư nhân loại
Chủ nhật: 23:19 ngày 18/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chúc mừng năm mới bạn đọc thân mến! Sao, năm nay tết nhất thế nào, có gì vui, chuyện gì tâm đắc nhất kể Bàn Dân nghe với?

Sự tôn trọng đối với một phần tư nhân loại

Chúc mừng năm mới bạn đọc thân mến! Sao, năm nay tết nhất thế nào, có gì vui, chuyện gì tâm đắc nhất kể Bàn Dân nghe với?

- À, nhưng mà chuyện tui tâm đắc nhứt… lại diễn ra trước tết hơi lâu, cho đến khi cận tết, tui mới được biết qua báo chí, truyền thông. Đó là chuyện Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ra nghị quyết công nhận Tết Nguyên đán, tiếng Anh gọi là Lunar New Year. Tui nghĩ chuyện tổ chức quốc tế lớn nhứt, bao gồm gần hai trăm quốc gia, vùng lãnh thổ, công nhận ngày tết cổ truyền của dân tộc mình và một số quốc gia châu Á có sử dụng âm lịch là ngày lễ quốc tế để chính thức nghỉ lễ, không làm việc trong ngày ấy là quan trọng lắm phải không ông?

- Ông nghĩ vậy rất đúng. Bàn Dân có đọc bài của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phỏng vấn bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú tại Việt Nam, cũng là người đứng đầu các cơ quan Liên Hợp Quốc làm việc tại nước ta. Bà ấy cho biết, sự kiện Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ra Nghị quyết số 78/245 nhằm tôn vinh sự đa dạng văn hoá của các quốc gia thành viên là có ý nghĩa quốc tế rất quan trọng.

Đây là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với văn hoá cổ truyền Á Đông, thể hiện sự đón nhận sự phong phú của các nền văn hoá truyền thống, đồng thời tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa các quốc gia. Do vậy, sự kiện này không chỉ có ý nghĩa đối với các nước chính thức đón mừng Tết Nguyên đán mà còn là tin vui đối với khoảng 2 tỷ người dân trên toàn thế giới, tức là có tới một phần tư nhân loại được chia sẻ niềm vui ấy.

- Ông nói vậy là tui hiểu rồi. Bởi vì tuy việc đề nghị Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công nhận Tết Nguyên đán chỉ có 12 nước trong tổng số 196 nước thành viên Liên Hợp Quốc chính thức “đệ đơn” lên Đại hội đồng, nhưng thực tế là trên thế giới hiện nay còn có biết bao nhiêu người là kiều dân của các nước có phong tục Tết âm lịch đang cư ngụ trên khắp thế giới, luôn có nhu cầu hướng về Tổ quốc trong dịp tết cổ truyền, nhưng không phải ai cũng có điều kiện về nước sum họp cùng gia đình hưởng niềm vui đoàn tụ hưởng tết. Vậy thì khi đã được toàn thế giới công nhận phong tục Tết cổ truyền của đất nước quê hương mình, họ sẽ có điều kiện tốt về mọi mặt để tổ chức vui tết một cách chính đáng ở xứ người, nơi họ đang định cư. Tui nghĩ vậy có đúng không ông?

- Ông nói không sai! Chẳng hạn như nước ta, một trong 12 quốc gia thành viên đề nghị Liên Hợp Quốc công nhận Tết Nguyên đán là ngày lễ quốc tế, thì đã có tới khoảng 6 triệu người đang sinh sống ở khắp nơi trên thế giới; trong đó có khoảng 2 triệu người đang định cư ở Hoa Kỳ.

Đã là người Việt, người Á Đông có phong tục Tết truyền đời từ ngàn xưa, ai không cảm thấy nao lòng, nhớ quê hương, gia đình trong ngày tết. Nhưng đâu phải tất cả mọi người đều có điều kiện về quê ăn tết, nên buộc họ phải ăn tết ở xứ người. Dù sao cái nhu cầu mang tính chất tình cảm, tâm linh ấy của kiều dân cũng là chuyện xa lạ đối với dân bản xứ, khiến cho họ khó mà tìm được sự đồng cảm, sẻ chia với mọi người chung quanh và sẽ không tránh khỏi mặc cảm, lẻ loi, không vui trong những ngày tết.

- Mình không ở nước ngoài, ở xứ người nên khó mà hình dung được cảnh tượng đáng buồn đó. Nhưng nay đã có sự đồng cảm của cả nhân loại đối với ngày Tết Nguyên đán cổ truyền của người Á Đông qua nghị quyết của Liên Hợp Quốc, thì chắc những người không được trở về đất mẹ để hưởng trọn niềm vui tết sẽ đỡ phải mang nặng nỗi buồn tha hương trong những ngày lễ tết trọng đại của dân tộc rồi ông há!

- Quả thật vậy. Nhưng cũng nhân câu chuyện thế giới công nhận ngày tết cổ truyền của các nước Á Đông nói chung, của dân tộc Việt Nam nói riêng, Bàn Dân bỗng nhớ một chuyện có liên quan đến Tết Nguyên đán, tuy đã qua hơi bị lâu rồi, nhưng ở xứ “cờ Hoa” chắc còn nhiều người dân bản địa của của xứ ấy, còn… cay đắng, nặng nề tâm lý lắm!

- Là chuyện gì vậy ông?

- Đó là chuyện… khái niệm “Tết” đối với những người lính viễn chinh Hoa Kỳ, từng có mặt đặt chân trên đất nước Việt Nam vào năm 1968, kể cả đối với giới lãnh đạo cầm quyền nước ấy trong năm ấy, thật sự là một nỗi kinh hoàng không thể tả…

- À, vậy là ông muốn nói tới trận Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân dân ta trong kháng chiến cứu nước chứ gì. Đúng là trận tiến công đồng loạt trên khắp miền Nam trong Tết Mậu Thân khiến cho Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ phải ngậm ngùi tuyên bố không ra ứng cử nhiệm kỳ thứ hai, phải ngưng ném bom miền Bắc và ngồi vào bàn hội nghị cuộc hoà đàm Paris…

- Còn đối với binh lính, sĩ quan nghe tới tiếng “Tết” là về tới đất Mỹ vẫn còn “mọc ốc cùng mình”!

- Y vậy! Nhưng khi Liên Hợp Quốc, với cơ quan thường trực đang đóng trên đất Mỹ, đã có nghị quyết công nhận Tết Nguyên đán rồi, chắc những người lính viễn chinh ngày nào cũng bớt “dị ứng” ông hả!

Bàn Dân

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh