Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sửa luật để bớt lộ thông tin cá nhân người tiêu dùng
Thứ ba: 11:03 ngày 16/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, nhiều khi đang họp cũng nhận cuộc gọi mời mua bất động sản.

Chiều 15.8, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Theo chương trình, dự án luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ tư vào tháng 10 tới đây.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cân nhắc các quy định cần tương thích với pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ảnh: quochoi.vn

Bổ sung quy định bảo vệ thông tin người tiêu dùng

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay sau gần 12 năm thực thi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của luật, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh, yêu cầu, xu thế mới đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Vì vậy, việc sửa đổi luật là cần thiết, có nhiều điểm mới, bổ sung nhiều điều khoản liên quan đến việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng.

Cụ thể, luật quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; thông báo khi thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng; sử dụng thông tin của người tiêu dùng; bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng; kiểm tra, chỉnh sửa, cập nhật, chuyển giao hoặc hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng...

Góp ý cho dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu thực tế khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ, bên bán thường yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân. Sau đó, người tiêu dùng thường nhận được rất nhiều tin nhắn rác, điện thoại rác trên cơ sở thông tin khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ.

“Nhiều khi đang ngồi họp cũng nhận được rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn mời chào mua bất động sản, hàng hóa... Câu chuyện như thế này phải xử lý thế nào để bảo vệ thông tin của người tiêu dùng” - ông Thanh đặt vấn đề.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cần quy định rõ việc bảo vệ thông tin cá nhân, việc chia sẻ với bên thứ ba để không được lạm dụng, gây phiền toái cho người tiêu dùng.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện chưa có luật chuyên ngành quy định. Ông nhắc lại phiên chất vấn mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an thông tin trước mắt, Chính phủ sẽ xây dựng nghị định để bảo vệ dữ liệu cá nhân, đến năm 2024 mới xúc tiến xây dựng luật.

“Trong điều kiện như vậy, tính tương thích của dự luật này với các pháp luật có liên quan về bảo vệ dữ liệu cá nhân như thế nào? Chúng ta dẫn chiếu, hay chờ, hay quy định trước một số luôn” - ông Huệ nêu vấn đề.

Nếu hệ thống thông tin bị tấn công, phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng, cần có cơ chế thông báo cho người tiêu dùng.

Cần thông báo khi hệ thống thông tin bị tấn công

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng dự luật cần quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin thì phải được sự đồng ý của người tiêu dùng.

Trường hợp phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng, cơ quan thẩm tra đề nghị bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng, cần bổ sung cơ chế, hình thức thông báo cho người tiêu dùng. Việc này nhằm bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng ở mức cao hơn.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết các quy định liên quan đến việc bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng tại dự thảo đã được rà soát, tính toán cụ thể. Ông Diên khẳng định các quy định đưa ra nhằm để bảo vệ tối đa thông tin của người tiêu dùng, đồng thời không tạo gánh nặng, phát sinh chi phí không hợp lý cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.

“Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến góp ý để cụ thể hóa hơn, tức là sẽ chỉ được sử dụng thông tin của người tiêu dùng với mục đích kinh doanh chứ không sử dụng cho mục đích khác” - Bộ trưởng Diên nói thêm.•

Chưa có vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Dự thảo luật quy định tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được giải quyết thông qua bốn phương thức: Thương lượng, hòa giải, trọng tài hoặc tòa án.

Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, thương lượng và hòa giải là phương thức được sử dụng phổ biến nhất, chiếm 80% khi xử lý các vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, kết quả thương lượng, hòa giải nhiều khi không được các bên nghiêm túc thực thi do giá trị pháp lý của biên bản thương lượng, hòa giải thành là không cao.

Phương thức trọng tài và tòa án không được nhiều người tiêu dùng lựa chọn do thủ tục phức tạp, thời gian giải quyết vụ việc kéo dài, chi phí cao trong khi các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thường có giá trị thấp.

Từ thực tế này, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để tăng tính khả thi của các phương thức giải quyết tranh chấp, đặc biệt là phương thức tòa án (áp dụng thủ tục rút gọn) và trọng tài.

Nhiều ý kiến cho rằng các quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn chưa thực sự rõ ràng, chặt chẽ để có cơ sở áp dụng giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn và đề nghị làm rõ nguyên nhân của tình trạng không có vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng được áp dụng thủ tục rút gọn thời gian qua, để có thêm cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục