Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sửa quy định để ngăn chặn trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Thứ năm: 08:36 ngày 23/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo quy định, 3 tháng sau khi có quyết định nghỉ việc thì người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau khi cơ quan chức năng tiếp nhận hồ sơ đầy đủ thì phải mất thêm 20 ngày mới có kết quả. Có ý kiến cho rằng, như vậy đã tạo ra một khoảng trống thời gian, để người lao động lợi dụng kẽ hở chính sách.

Bởi, trong khi cơ quan chức năng đang rà soát, xem xét thì người lao động đã tìm được việc làm mới. Họ vẫn đi làm, nhận lương chỗ mới và vẫn ung dung nhận khoản tiền bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ ngân sách Nhà nước.

Liệu đây có phải là kẽ hở chính sách? Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã có ý kiến trao đổi về vấn đề này.

Chính sách BHTN bắt đầu triển khai thực hiện từ ngày 1/1/2009 đã góp phần hỗ trợ người lao động trong trường hợp bị mất việc làm, giúp gia đình họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và giúp người lao động sớm quay lại thị trường lao động.

Người tham gia BHTN được hưởng các chế độ BHTN theo quy định của Luật Việc làm, bao gồm: Trợ cấp thất nghiệp (TCTN); Hỗ trợ học nghề; Tư vấn giới thiệu việc làm; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; Được cấp thẻ BHYT trong thời gian hưởng TCTN.

Để được hưởng các chế độ BHTN, người lao động nộp hồ sơ hưởng cho Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được phê duyệt.

Năm 2009 là năm đầu thực hiện chính sách BHTN theo quy định của Luật BHXH 2006, số người tham gia mới đạt trên 5,9 triệu người, thì đến tháng 9/2017 số người tham gia lên trên 11,26 triệu người, chiếm tới 85,6% trên tổng số người tham gia BHXH bắt buộc.

Chỉ tiêu thu BHTN tăng hàng năm cả về số người và số tiền, đều đạt và vượt kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Hàng năm, 2 ngành LĐTBXH, BHXH phối hợp giải quyết và chi trả cho trên nửa triệu lượt người hưởng TCTN và hàng chục ngàn người hưởng hỗ trợ học nghề và tư vấn tìm kiếm việc làm miễn phí.

Ước 9 tháng đầu năm 2017, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tổ chức giải quyết chi trả cho trên 781 ngàn lượt người hưởng BHTN. Trong đó, chi TCTN gần 742 ngàn lượt người, tăng 22,74% so với cùng kỳ năm 2016; chi hỗ trợ học nghề cho 39.903 người, tăng 93% so với cùng kỳ năm 2016, bằng 5,38% so với số người hưởng TCTN.

Nhìn chung tình hình thực hiện chính sách BHTN thời gian qua là khá ổn định, kết quả khả quan. Tuy nhiên, từ khi thực hiện chính sách BHTN cho đến nay, người lao động mới chủ yếu quan tâm nhiều đến việc hưởng TCTN, số người có nhu cầu hỗ trợ học nghề còn thấp (chiếm 5,38% so với số người hưởng TCTN). Riêng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động thực tế từ năm 2015 đến nay đơn vị sử dụng lao động chưa đăng ký hưởng.

Số tiền chi TCTN cho người lao động chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi quỹ BHTN hàng năm. Năm 2015 chi TCTN chiếm 95,07% tổng chi quỹ BHTN (chưa bao gồm chi phí quản lý), năm 2016 là 93,69% và 9 tháng đầu năm 2017 là 94,6%.

Trong quá trình thực hiện chính sách BHTN, cơ quan BHXH cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Tình trạng lạm dụng, trục lợi chính sách BHTN thời gian qua diễn ra phổ biến và ngày càng phức tạp. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do người lao động khai báo tình trạng việc làm không trung thực hoặc không khai báo với cơ quan lao động (trực tiếp là Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) dẫn đến tình trạng vừa đóng, vừa hưởng BHTN.

Nhiều trường hợp bị cơ quan BHXH phát hiện khi giải quyết chi trả TCTN lần sau hoặc thông qua rà soát dữ liệu thu BHXH khi làm việc mới. Ngoài ra, còn có tình trạng lao động chủ động xin nghỉ việc để đăng ký hưởng BHTN, hay hiện tượng người lao động di chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, nhưng chỉ sau một thời gian, người lao động quay lại đúng với doanh nghiệp cũ.

- Việc thu hồi tiền TCTN do người lao động hưởng sai rất khó thực hiện vì đối tượng không có mặt tại địa phương, khi hưởng xong TCTN lại đi làm ở địa phương khác, không thu hồi được.

- Đơn vị nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN vẫn xảy ra khá phổ biến và có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Nguyên nhân do doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, hoạt động cầm chừng, việc làm và thu nhập của người lao động không ổn định dẫn đến không có khả năng đóng BHTN đúng hạn.

Một số khác lại có biểu hiện cố tình chây ỳ để chiếm dụng tiền đóng BHXH. Phản ánh của BHXH các tỉnh, thành phố thực tế cho thấy có nhiều doanh nghiệp khi trả lương cho người lao động hàng tháng đã khấu trừ phần trách nhiệm phải đóng BHTN của người lao động nhưng doanh nghiệp vẫn không nộp đúng hạn cho cơ quan BHXH mà cố tình dây dưa lợi dụng vốn để phục vụ cho mục đích khác.

Mặt khác chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực này chưa đủ sức răn đe, giải pháp khởi kiện ra tòa án từ khi thực hiện theo Luật BHXH 2014 giao cho tổ chức công đoàn khởi kiện doanh nghiệp còn hạn chế, việc thi hành án còn khó khăn trong việc cưỡng chế thi hành.

- Hầu hết doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc việc thông báo tình hình biến động lao động việc làm tại đơn vị cho Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nên rất khó phát hiện đơn vị tuyển dụng lao động vào làm mới hoặc cho thôi việc.

Tổng hợp báo cáo của BHXH các tỉnh, năm 2015 và 2016 đã phát hiện và đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định thu hồi đối với 15.156 người hưởng TCTN sai quy định với số tiền là 70,96 tỷ đồng.

Trong đó, tập trung tại một số tỉnh như TP.HCM (4.940 người), Bình Dương (2.806 người), Đồng Nai (986 người), Bắc Ninh (611 người), Thái Nguyên (603 người) và An Giang (730 người). Tuy nhiên, tính đến hết năm 2016 còn 32,58 tỷ đồng chưa thu hồi được do không liên lạc được với người lao động, hoặc người lao động chưa có khả năng nộp lại.

Để kịp thời phát hiện và giải quyết được tình trạng lạm dụng này, BHXH Việt Nam đang phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) xây dựng dữ liệu kết nối liên thông về BHTN chia sẻ qua trục tích hợp quốc gia, hướng tới việc quản lý cũng như giải quyết chế độ BHTN cho người lao động trong toàn quốc ngày càng chặt chẽ, nhanh, gọn, chính xác.

Đồng thời, kiến nghị cơ quan thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách BHTN phù hợp hơn với thực tế, bảo đảm hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHTN, cân đối thu chi quỹ BHTN ổn định, phát triển.

Nguồn Chinhphu.vn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh