Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sức ép hãng hàng không Hong Kong gánh chịu từ biểu tình
Thứ tư: 16:13 ngày 14/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cathay Pacific, hãng hàng không phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc đại lục, chịu không ít sức ép từ các cuộc biểu tình Hong Kong.

Máy bay của hãng Cathay Pacific tại Singapore tháng 6/2018. Ảnh: Reuters.

Đầu tuần trước, các lãnh đạo của Cathay Pacific, hãng hàng không nổi tiếng ở Hong Kong, nói rằng quan điểm chính trị của nhân viên không phải là mối quan tâm của họ. "Chúng tôi chắc chắn không muốn ép họ phải suy nghĩ theo một hướng nhất định", chủ tịch John Slosar, nói. "Họ đều là những người trưởng thành và chuyên nghiệp. Chúng tôi rất tôn trọng họ".

Tuy nhiên, giọng điệu của Cathay Pacific đã thay đổi từ cuối tuần trước. Chính phủ Trung Quốc ngày 9/8 yêu cầu họ cấm các nhân viên ủng hộ hoặc tham gia biểu tình ở Hong Kong làm bất cứ công việc nào liên quan đến các chuyến bay tới Trung Quốc đại lục. Họ cũng yêu cầu hãng này gửi thông tin về tất cả các thành viên phi hành đoàn đến hoặc bay qua Trung Quốc đại lục để Bắc Kinh phê duyệt trước.

Cathay Pacific ngày 10/8 cho biết họ đã cấm bay một phi công bị buộc tội gây bạo động ở Hong Kong và sa thải hai nhân viên mặt đất vì có hành vi sai trái. Đầu tuần này, Cathay Pacific yêu cầu hơn 32.000 nhân viên không được hỗ trợ hoặc tham gia vào các cuộc biểu tình bất hợp pháp, cảnh báo rằng họ có thể bị sa thải.

Hãng Cathay Pacific được thành lập vào năm 1946. Cổ đông lớn nhất của họ là Swire Pacific, tập đoàn có trụ sở tại Hong Kong có nguồn gốc từ Anh. Chủ sở hữu lớn thứ hai là hãng hàng không quốc gia Trung Quốc Air China. Cathay vận hành các chuyến bay đến và đi từ Hong Kong với 22 thành phố ở Trung Quốc đại lục. Hầu hết các đường bay giữa Mỹ với Hong Kong đều phải bay qua Trung Quốc đại lục.

Philippe Lacamp, một lãnh đạo trong hãng hàng không, nói rằng họ đã tuân thủ yêu cầu từ Bắc Kinh. "Bạn không thể đơn giản nói với cơ quan quản lý rằng 'xin lỗi, chúng tôi không thích yêu cầu của các anh, chúng tôi vẫn cứ bay", Lacamp nói. "Chúng tôi sẽ bị cấm khỏi không phận Trung Quốc nếu không tuân thủ".

Giới chuyên gia nhận định Cathay phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc đại lục. Giám đốc điều hành Cathay Pacific Rupert Hogg đã nói rõ với nhân viên trong một email rằng các hoạt động của công ty tại Trung Quốc đại lục là "trọng yếu".

Cảnh sát Hong Kong đụng độ với người biểu tình tại sân bay ngày 13/8. Ảnh: Reuters.

Tình hình ở Hong Kong đang gây ảnh hưởng đến một số hãng hàng không cùng mối quan hệ của họ với Trung Quốc. Bên có nguy cơ chịu thiệt hại nhiều nhất là Cathay Pacific. Khi các cuộc biểu tình khiến sân bay Hong Kong ngày 13/8 phải đóng cửa ngày thứ hai, Cathay đã hủy hàng chục chuyến bay - nhiều hơn bất kỳ hãng hàng không nào khác.

"Cathay Pacific, với tư cách là bên đứng đầu thị trường với thị phần lớn, rõ ràng là hãng hàng không chịu ảnh hưởng lớn nhất", Brendan Sobie, nhà phân tích của trang tin Trung tâm Hàng không nói.

Sobie chỉ ra rằng gần 1/5 lượng khách hàng của Cathay Pacific, bao gồm hãng con Cathay Dragon, là đến từ Trung Quốc đại lục. "Sự liên quan của Cathay Pacific với Trung Quốc đại lục thậm chí còn cao hơn khi tính đến các hành khách vào Sân bay Quốc tế Hong Kong từ miền nam Trung Quốc thông qua phà và vận tải đường bộ. Do đó, Trung Quốc đại lục là thị trường cực kỳ quan trọng đối với Cathay".

Yêu cầu từ cơ quan an toàn hàng không của Trung Quốc đại lục với Cathay Pacific thể hiện sự ảnh hưởng đối với các công ty quốc tế kiếm lời nhờ thị trường Trung Quốc. Một số người ở Hong Kong lo ngại rằng cách can thiệp của Trung Quốc đặt ra mối đe dọa kinh tế, không chỉ đối với Cathay Pacific, mà còn đối với tất cả công ty đa quốc gia ở Hong Kong.

"Nếu bạn là chủ doanh nghiệp, bạn sẽ nghĩ 'trời ơi, tôi chỉ đơn giản là muốn kinh doanh ở đây thôi, thế mà giờ họ đang rà soát nhân viên của tôi", Carol Ng, thuộc Liên đoàn Tổ bay Hong Kong, nói. "Lo lắng này có thể gây thiệt hại cho kinh tế Hong Kong nhiều hơn cả các cuộc biểu tình".

Nguồn VNE (Theo NYTimes/ BBC)

Tin cùng chuyên mục