Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sức sống mới đình Thanh Phước (Tiếp theo và hết)
Thứ ba: 16:43 ngày 09/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Về quy mô, đây là ngôi đình lớn nhất tỉnh Tây Ninh. Hãy so sánh với một số ngôi đình lớn và nổi tiếng khác. Đình Gia Lộc ở thị xã Trảng Bàng chỉ có diện tích xây dựng 545,6m2, hay đình Hiệp Ninh ở TP. Tây Ninh, có diện tích 750m2… thì đình Thanh Phước trải rộng dài trên bề dài 66m, với bề rộng 13,2m.

Thật đáng ngạc nhiên khi biết rằng: đình Thanh Phước được trùng tu tôn tạo từ nguồn xã hội hoá. Được biết, đây là công trình do công ty tư nhân Thiên Phúc đầu tư. Không có số liệu chính thức, nhưng chỉ nhìn vào quy mô và kết quả của công trình sau tôn tạo cũng có thể đoán được vốn đầu tư có thể lên tới vài chục tỷ đồng. Đây rõ ràng là con số kỷ lục đầu tư vào một công trình di tích lịch sử - văn hoá thuộc loại hình tín ngưỡng dân gian trong tỉnh.

Hậu cung thờ thần.

Đến đây, cũng cần nhận diện lại về quy mô và cấu trúc đình Thanh Phước- ngôi đình của một trong những thôn làng xa xưa nhất của tỉnh Tây Ninh.

Xa xưa! Có một nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đình Tư cho rằng: “Năm Kỷ Hợi (1779) sau khi đã khôi phục được đất Gia Định, chúa Nguyễn Ánh cho sắp xếp lại các khu vực hành chánh và quốc phòng, thành lập đạo Quang Phong trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ngày nay, trực thuộc dinh Phiên Trấn. Đạo sở đặt tại Cẩm Giang. Một số thôn cũng được thành lập như thôn Cẩm Giang Tây, thôn Thạnh Đức, thôn Thanh Phước, thôn Bình Phú, thôn Bình Tịnh (nay là xã An Tịnh)… Đó là tổ chức hành chánh đầu tiên được tổ chức tại đây…” (Tây Ninh xưa và nay, Tạp chí Xưa Nay, số 96, 2001).

Tuy vậy, do “đất rộng người thưa” của buổi ban đầu, nên hệ thống hành chính còn đơn giản. Theo sách Gia Định thành thông chí, thì phải đến: “năm Gia Long thứ 7 (1808) mới đổi dinh Phiên Trấn thành trấn Phiên An, lấy huyện làm phủ, lấy tổng làm huyện, cứ theo đất rộng hay hẹp, dân nhiều hay ít, hãy thấy liền nhau là bổ vào, lại thêm tên tổng, đều lập giới hạn…”. Theo đó thì thôn Thanh Phước cùng các thôn Bình Tịnh, Thạnh Đức, Cẩm Giang Tây, Bình Phú… đều thuộc tổng Bình Cách, huyện Thuận An, phủ Tân Bình, trấn Phiên An.

Đến năm 1836 lập phủ Tây Ninh, thì sau đó vào năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), thôn Thanh Phước thuộc tổng Mỹ Ninh, huyện Quang Hoá, tỉnh Gia Định. Khi ấy, Thanh Phước vẫn là một vùng đất lớn, bao gồm cả thị trấn Gò Dầu và xã Phước Thạnh ngày nay (Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ, 2008).

Các sử liệu đã kể cho thấy thôn (nay là xã) Thanh Phước, huyện Gò Dầu đã có từ rất lâu đời. Sau nhiều lần trùng tu tôn tạo vào các năm: 1952, 1962, 1971, 1975, đình mới có quy mô như ta thấy ngày nay. Cùng với một vài sự khác biệt.

Về quy mô, đây là ngôi đình lớn nhất tỉnh Tây Ninh. Hãy so sánh với một số ngôi đình lớn và nổi tiếng khác. Đình Gia Lộc ở thị xã Trảng Bàng chỉ có diện tích xây dựng 545,6m2, hay đình Hiệp Ninh ở TP. Tây Ninh, có diện tích 750m2… thì đình Thanh Phước trải rộng dài trên bề dài 66m, với bề rộng 13,2m. Tính ra, đình có diện tích xây dựng lên tới 871m2.

Ngự trên đỉnh cao nhất của ngọn đồi xưa rợp bóng cây dầu, chính là ngọn đồi làm thành tên huyện Gò Dầu, cho dù giữa một đô thị ngã ba đường Xuyên Á đang phát triển, thì đình Thanh Phước trông vẫn bề thế làm sao! Từ trước ra sau, 4 lớp nhà với 5 nóc mái đình sừng sững. Lớp thứ nhất chính là ngôi võ ca. Lớp thứ hai là lớp hành lang nối liền võ ca và chính đình. Lớp thứ ba- chính đình gồm 2 nóc mái trên tiền đình và chính điện (hậu cung). Lớp thứ tư là hậu đình. Giữa chính điện và hậu đình còn là một khoảng không gian với hai bên là nhà tả vu và hữu vu, giữa là sân thiên tĩnh.

Cả 4 lớp nhà kể trên đều cấu trúc bộ khung cột theo kiểu “tứ trụ” truyền thống của đình chùa Nam bộ. Bên trên là hệ vì kèo, xiên trính đỡ bộ mái ngói hình bánh ít- đặc trưng của đình Nam bộ xưa, nay. Ngày nay, dù cây dầu cổ thụ đã trở nên thưa thớt, nhưng sân đình phía trước vẫn còn những bóng cây cao rợp mát. Bên trái sân còn một loạt các ngôi miếu nhỏ thờ các vị thần được “tích hợp thờ” trong khuôn viên đình. Là các miếu Thần Nông, bà Chúa xứ, thần Bạch mã và miếu thờ chiến sĩ. Đặc biệt, miếu Thần Nông không nằm trên trục chính (thần đạo) của đình, mà cùng ở một bên. Đây cũng là điểm khác biệt của đình Thanh Phước với các ngôi đình khác trong tỉnh Tây Ninh.

Các ngôi đình Nam bộ cũng vậy. Nhà văn Sơn Nam, trong sách Đình miếu và lễ hội dân gian (1982) viết rằng: “Từ cổng bước vào, giữa sân đình là bệ gạch gọi đàn xã tắc. Xã là thần đất đai. Tắc là thần lúa nếp, tức Thần Nông; một dạng thu gọn đàn xã tắc và đàn tiên nông ở kinh đô. Thuở ấy, ông cha ta rất kính trọng đàn xã tắc. Sơn hà gắn liền với xã tắc…”. Ở đình Thanh Phước, sau khi trùng tu tôn tạo ngôi đình thì các hạng mục cổng đình và đàn xã tắc- miếu thờ Thần Nông cũng đang được tôn tạo lại. Vào tháng 6.2024, đã thấy dáng hình một cổng tam quan và một đàn xã tắc đang xây.

Làng Thanh Phước- Gò Dầu nay, bên bờ Vàm Cỏ Đông.

Trong dịp lễ Kỳ yên năm 2024, người thường đến dự cúng đình chỉ thấy thiếu vắng một hiện vật duy nhất. Đấy là đôi cột được gọi là long trụ- cột chạm rồng. Sách “Di tích lịch sử - văn hoá danh lam thắng cảnh” của Bảo tàng tỉnh (2002) có nhắc đến đôi long trụ này. Là: “Nhà võ ca (thực ra là ở ngôi tiền đình) có cột trước chạm rồng rất đẹp theo cách chạm mộc thuộc giai đoạn sớm, chứng tỏ đình này có rất sớm so với các ngôi đình khác trong vùng…”.

Có thể do việc trùng tu đôi long trụ còn chưa xong, vì công việc này thường phải thuê thợ ở một vài làng nghề có tay nghề cao ở miền Trung hay miền Bắc. Nhưng cũng xin nhắc nhớ để khi nào xong thì trả lại cho đình Thanh Phước. Vì đây có thể là những di vật quý liên quan đến quá trình thiết lập, tôn tạo và bảo vệ ngôi đình. Sách kể trên của Sơn Nam cũng nhắc đến long trụ. Như: “Đình Mỹ Trà với bộ cột long trụ rất đẹp, được nhà chụp hình Nadal lấy ảnh làm bưu thiếp giới thiệu nhiều nước…”.

Ở một đoạn khác ông viết: “Bốn cột đình thường trang trí hình rồng nên gọi long trụ. Nhiều nơi, long trụ chạm rời bên ngoài ốp vào. Ở đình Long Sơn (Tân Châu- Châu Đốc) hoặc miếu Tả Quân (Bà Chiểu, TP. Hồ Chí Minh) long trụ được trổ một khối nguyên. Công trình ấy khiến chúng ta tưởng tượng hàng chục nghệ nhân ngồi đục đẽo suốt năm.

Cái khéo léo là tác phẩm tuy đồ sộ như thế, nhưng tạo ra dáng hình sinh động, mà đời sau khó phục chế được…”. Ở Tây Ninh, một số đình miếu dân gian cũng có long trụ như dinh Ông (An Thạnh, Bến Cầu) và đình Phước Hiệp (Gia Bình, Trảng Bàng). Nhưng đấy là những trụ rồng được xây đắp nguyên khối. Còn loại được chạm mộc theo phong cách xa xưa hơn thì chỉ có ở đình Thanh Phước.

Sau cùng, nhân cổng đình đang được xây lại; cũng nên nhắc tới một đôi liễn đối xưa được đắp ở mặt ngoài 2 trụ cổng đình. Đôi liễn như một sự giải thích về cái tên làng Thanh Phước. Cũng là thể hiện ước nguyện của cha ông- những người mở đất lập làng. Liễn đối đắp bằng chữ Hán. Là:

- Thanh hoá nguy nga, nãi thánh, nãi thần, nãi văn võ

- Phước sanh trọng hậu, hữu trì, hữu thổ, hữu nhân dân

Tạm hiểu:

-Thanh là biến hoá đất này thành đẹp đẽ, này thánh, này thần, này văn võ (người tài về văn và võ)/

-Phước lại sinh ra tử tế hậu đãi và tôn trọng (con người) vừa có ao hồ, vừa có đất đai và nhân dân đông đúc.

Đi một vòng quanh ngôi đình, đã thấy hiện thực hôm nay còn hơn cả lòng mong ước của người xưa.

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục