Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Suối Dây: Nuôi dê nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao
Thứ sáu: 18:46 ngày 22/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhận thấy hiệu quả từ mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng của một số hội viên nông dân, Hội Nông dân xã Suối Dây đã tích cực vận động các hội viên khác chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi.

Suối Dây là xã nội địa, có diện tích tự nhiên trên 11.000 ha. Tính đến cuối năm 2019 xã có trên 3.000 hộ dân sinh sống với gần 13.000 nhân khẩu, 75% người dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Xã có 14 dân tộc thiểu số sinh sống với gần 2.000 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Chăm.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng của một số hội viên nông dân, Hội Nông dân xã Suối Dây đã tích cực vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, từ những mô hình chăn nuôi kém hiệu quả sang nuôi dê nhốt chuồng. Ban đầu chỉ có vài ba hộ nuôi, hiện toàn xã có gần 40 hộ chăn nuôi dê với tổng đàn trên 800 con.

Thêm vào đó, những năm gần đây, các loại cây thế mạnh như mía, cao su giá cả xuống thấp, nên người dân chuyển qua trồng cây mì. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng, vì tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có là lá mì tại địa phương.

Anh Nguyễn Văn Đông với đàn dê của mình.

Để có nguồn vốn cho hội viên phát triển đàn, mua thêm con giống, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay có lãi suất thấp. Đồng thời, Hội thường xuyên tổ chức nhiều buổi trao đổi, đưa hội viên đến từng trang trại để học tập kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong phát triển mô hình nuôi dê nhốt chuồng.

Anh Nguyễn Văn Đông (ngụ tại ấp 3, xã Suối Dây) cho biết, đầu năm 2008, gia đình anh đã chuyển từ mô hình chăn nuôi gà vịt kém hiệu quả sang nuôi dê nhốt chuồng. Qua quá trình lựa chọn con giống và bán đi để trang trải cuộc sống, đến nay đàn dê của anh Đông đã có trên 40 con, trong đó có gần 10 con dê sinh sản. Với giá bán trên thị trường trung bình 140.000 đồng/kg dê thịt, mỗi năm gia đình anh thu về từ 50 - 60 triệu đồng.

Theo anh Đông, nuôi dê dễ vì con vật này không kén ăn, lại ít bệnh tật. Nhưng để nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả kinh tế cao, ngoài kinh nghiệm ra, việc áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi cũng rất quan trọng.

Người nuôi dê phải biết áp dụng kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê, dự trữ thức ăn cho dê vào mùa mưa. Dê không ưa độ ẩm cao, lại rất dễ phát bệnh khi ăn thức ăn ẩm ướt nên chuồng trại cần phải đảm bảo thông thoáng, tránh nắng nóng và ẩm ướt, đặc biệt phải được quét dọn sạch sẽ hằng ngày, thức ăn phải được phơi héo hoặc khô trước khi cho ăn thì mới đảm bảo sức khỏe cho dê.

Khi làm chuồng, tùy theo đặc điểm từng nhà mà xác định vị trí và hướng chuồng thích hợp để tận dụng yếu tố thuận lợi, hạn chế tối đa các yếu tố bất lợi của thời tiết đối với dê. Điều quan trọng hơn cả là tránh cho dê giao phối đồng chủng để bảo đảm năng suất, chất lượng con giống.

Mô hình nuôi dê nhốt chuồng thời gian gần đây còn được Hội Nông dân xã Suối Dây triển khai nhân rộng trong đồng bào Chăm. Tại ấp Chăm có gần 20 hộ dân nuôi dê nhốt chuồng với gần 300 con, hộ nuôi ít nhất cũng trên 10 con. Điển hình có hộ ông Chàm A Tâm, nuôi trên 40 con, trong đó có trên 20 dê cái sinh sản và hơn 20 dê con chuẩn bị bán thịt.

Hội Nông dân xã Suối Dây thăm mô hình nuôi dê nhốt chuồng của ông Chàm A Tâm.

Ông Trần Nguyễn Xốp-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Dây cho biết: trong thời gian qua, Hội Nông dân xã được Tỉnh hội và huyện Tân Châu hỗ trợ cho hội viên vay vốn thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản, với số tiền 500 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Tây Ninh.

Hiện tại, đàn dê của xã có trên 800 con đang sinh trưởng tốt. Giống nuôi chủ yếu mua quanh tỉnh Tây Ninh là giống Lai Bo và Bách thảo đã thuần hóa phù hợp với điều kiện ở địa phương. Mỗi năm dê mẹ sinh được 2 lứa, mỗi lứa 3-4 dê con. Dê con 5–6 tháng xuất chuồng đạt khoảng 20-30 kg. Dê thịt hiện nay rất hút hàng, hễ có dê bán, chỉ cần điện thoại cho thương lái thì trong ngày sẽ có người đến mua ngay, với giá bán hiện nay trên 120.000 đồng/kg dê cái và 140.000/kg dê đực. 

Tập tính loài dê rất dễ ăn, thức ăn là tất cả các loại cỏ lá rơm rạ có nhiều ở địa phương, hiện nay chủ yếu bà con cho ăn lá khoai mì phơi khô, có hộ ủ chua để tăng chất dinh dưỡng. Chuồng trại làm bằng cây gỗ đơn giản, yêu cầu có sàn khô, sạch, mái che mưa, chắn gió lùa.

Ông Trần Nguyễn Xốp-Phó chủ tịch Hội nông dân xã Suối Dây cho biết thêm, mô hình nuôi dê nhốt chuồng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, nguồn vốn đầu tư ít, vật nuôi ít bệnh tật, lại tận dụng được công lao động nên rất phù hợp với bà con nông dân, nhất là những hộ nghèo ở nông thôn và hộ người dân tộc Chăm; đặc biệt đối với địa phương có diện tích đất tự nhiên khá lớn như Suối Dây.

Đây là một mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định cho người dân, nhiều hộ trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã nay đã thoát nghèo chính là nhờ áp dụng mô hình này. Để phát triển đàn dê trên địa bàn xã, ông Trần Nguyễn Xốp mong muốn các ngành chức năng xem xét hỗ trợ cho nông dân về vốn đầu tư để mua con giống, tìm đầu ra ổn định để người dân an tâm phát triển tăng đàn.

Chí Thành

Tin cùng chuyên mục