Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Khẩu trang dùng nhiều lần làm tăng nguy cơ lây nhiễm do đã tiếp xúc bụi bẩn, giọt bắn từ miệng, hoặc bị nhàu, nát không còn tác dụng bảo vệ.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Khánh Nam, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM, cho biết khẩu trang y tế là loại khẩu trang sử dụng một lần và không nên sử dụng lại bởi việc tái sử dụng khẩu trang y tế sẽ mang lại nhiều nguy cơ lây nhiễm.
Theo bác sĩ, khi đeo khẩu trang ra ngoài và tiếp xúc với những người xung quanh thì bụi bẩn, vi khuẩn, virus, các tác nhân gây bệnh từ môi trường, cũng như các giọt bắn ra từ quá trình tiếp xúc sẽ bám lên mặt ngoài của khẩu trang. Còn mặt trong khẩu trang cũng tiếp xúc với những giọt bắn từ mũi miệng khi chúng ta nói, hắt hơi, mồ hôi khiến các chất bã nhờn, bụi bẩn trên da sẽ bám vào mặt trong của khẩu trang, nếu dùng lại sẽ không đảm bảo vệ sinh, tăng nguy cơ lây nhiễm.
Khi tháo bỏ khẩu trang, mặt trong của khẩu trang phơi ra ngoài khiến các tác nhân trong môi trường bám vào. Nếu dùng lại, các tác nhân sẽ tiếp xúc trực tiếp với da, mũi, miệng. Vi khuẩn từ đó có thể lây lan sang tay, các đồ dùng và vị trí xung quanh. Nếu chạm vào sẽ có nguy cơ đưa các tác nhân vương vãi đến nhiều vị trí khác trên cơ thể.
Khẩu trang dùng lại thường nát, nhàu do cọ xát. Cất giữ không đúng cách cũng không đảm bảo sự an toàn về tính lọc cũng như tính thấm của khẩu trang. Các tác nhân từ bên trong sẽ dễ dàng lọt qua để ra ngoài và ngược lại khiến tác dụng bảo vệ của khẩu trang cũng không còn được đảm bảo.
Khẩu trang chỉ phát huy tác dụng nếu được đeo và dùng đúng cách. Ảnh: Techarp
Khẩu trang y tế thông thường có thể phòng bệnh không chỉ riêng virus corona mà còn các bệnh viêm đường hô hấp nói chung. Người dân nên đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc đông người, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Bác sĩ Trần Thu Nguyệt, Vụ Truyền thông, Bộ Y tế, cho biết khẩu trang y tế bằng vải không dệt thông thường có 3 lớp với công dụng khác nhau. Lớp ngoài có đặc tính chống thấm nước, giúp ngăn cản hiệu quả các hạt chất lỏng văng ra khi người bệnh hắt xì, ho, thở mạnh... Mặt ngoài thường có màu xanh nhạt để dễ phân biệt, đeo khẩu trang đúng là để lớp màu quay ra ngoài.
Lớp trong luôn có màu trắng rất dễ phân biệt với lớp ngoài. Mặt vải quay vào trong, sát với da mặt nên phải tinh khiết mịn màng, không xơ sợi xù lông gây khó chịu. Ngoài ra phải có tính thấm nước nhằm hút mồ hôi tạo sự thoải mái cho người sử dụng.
Lớp giữa có tác dụng ngăn các hạt dịch văng bắn và phải lọc được bụi, vi khuẩn. Đây chính là lớp quyết định chất lượng khẩu trang. Một lớp lọc "đúng chuẩn" phải để không khí dễ đi qua, tạo sự thoáng khí cho người dùng, nhưng lại phải có kết cấu đủ để lọc được các hạt bụi, vi khuẩn có kích thước cực nhỏ.
Một số loại khẩu trang khác như khẩu trang N95 chỉ dùng khi tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân, đi vào vùng dịch... Những loại khẩu trang như N95, N99 khi đeo rất khó chịu, có thể gây ngộp nếu dùng trong thời gian dài.
Nếu không có khẩu trang y tế thì có thể dùng khẩu trang vải. Lưu ý cần chọn loại vải tương đối dày, ôm sát gương mặt, phải giặt sạch hàng ngày. Giặt sạch mỗi khi đi ra đường về hoặc sau khi tiếp xúc với người có ho, hắt hơi, văng dịch tiết...
Bác sĩ khuyến cáo, mang khẩu trang đúng cách là che được mũi, miệng, chỉ chỉnh sửa bằng tay một lần ngay sau khi đeo và tránh chạm tay vào bề mặt ngoài của khẩu trang. Khẩu trang ướt phải thay liền vì khi ẩm sẽ có khả năng bám bụi, bắt virus cao hơn.
Khi mang khẩu trang tuyệt đối không sờ tay vào, vì động tác sờ tay, thậm chí chỉnh sửa khẩu trang sẽ vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác, sau đó truyền bệnh lại cho chính mình và những người xung quanh.
Khi tháo khẩu trang chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn. Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra. Thói quen lấy tay vo khẩu trang lại sẽ gây lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác cho bàn tay.
Cần rửa tay với xà phòng và nước sạch ngay sau khi vứt bỏ khẩu trang.
Nguồn VNE