Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Với những người làm báo, đi và viết luôn là niềm vui, hạnh phúc và tự hào đối với nghề mình đã chọn. Nhưng có lẽ chẳng có nơi nào mang đến những cảm xúc khó tả như hải trình đến với các đảo Tây Nam- nơi tuyến đầu của Tổ quốc.
Cán bộ chiến sĩ đọc thư của các em học sinh.
Chút quà gửi người lính đảo
22 giờ ngày 15.1, hai tàu 528 và 924 của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân reo 3 hồi còi tạm biệt đất liền, bắt đầu hành trình vươn khơi trong sự háo hức của gần 100 phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, cùng hơn 100 đại biểu đến từ các tỉnh thành phía Nam.
Tàu 528 có gần 120 phóng viên, đại biểu cùng cán bộ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân và thủy thủ đoàn, nên sàn boong cũng là… giường ngủ. “Chiếc giường lớn” ấy dành cho nam giới. Các phóng viên nữ được xếp chỗ sinh hoạt trong phòng của thủy thủ. Phòng chỉ có 6 giường tầng nên sàn phòng cũng được tận dụng tối đa. Trong không gian chật hẹp, mọi người dễ thông cảm, giúp đỡ nhau nên ai nấy cũng nhanh chóng thân thiết hơn.
Tối hôm ấy, chị Bích Chi - phóng viên của đài Truyền hình Vĩnh Long còn ngồi tỉ mẩn soạn túi thư. Trò chuyện với tôi, chị Bích Chi cho biết: Ngay khi có lịch đi đảo, chị đã cùng bạn là giáo viên ở các trường học đã chuẩn bị cho việc này. Những lá thư là những tình cảm to lớn của các em học sinh gửi đến cán bộ, chiến sĩ tại các đảo.
"Canh sóng" trên boong tàu.
“Có thể trong thời đại công nghệ số hiện nay thì cách viết thư tay có thể không được nhiều người ưa chuộng nhưng tôi nghĩ đây là một cách rất thân thương, rất gẫn gũi để học sinh gửi gắm tình cảm đến các chú bộ đội Hải quân – những người đang ngày đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, hải đảo của quê hương. Tôi như một shipper yêu thương khi đem những lá thư đầy tình cảm từ đất liền ra đảo, rồi lại nhận yêu thương từ các cán bộ chiến sĩ gửi gắm về đất liền”– chị Bích Chi nói.
Vậy là trong hải trình của chúng tôi, ngoài gạo tẻ, gạo nếp, hàng hóa đón xuân là bánh, mứt, kẹo các loại cho các cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đảo thì còn có những cánh thư mang theo yêu thương.
Thức đêm “canh sóng”
Khi tàu rời cảng đảo Thổ Chu cũng là lúc con tàu bắt đầu lắc lư theo từng đợt sóng. Càng đi xa độ lắc lư của con tàu ngày một mạnh hơn, nhiều người đã bắt đầu cảm thấy khó chịu. Rất nhiều người khác trong đoàn bị say sóng, bởi đa số mọi người đều lần đầu tiên đi biển. Tôi may mắn không bị say sóng nhưng cũng đi lại rất khó khăn, ngả nghiêng theo con tàu.
Bữa tối hôm đó có lẽ là bữa ăn ấn tượng nhất với cả đoàn trong suốt hải trình, bởi mọi người đã về phòng nghỉ vì say sóng. Cũng là ngày mà quân y và thuỷ thủ đoàn bận rộn nhất vì phải nấu bữa ăn khuya cho những người không thể ăn tối, cấp thuốc chống say và truyền nước cho những người lả đi vì mệt.
Phóng viên tác nghiệp trong hải trình đến các đảo vùng biển Tây Nam.
Tác nghiệp ở vùng biển Tây Nam trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, sóng gió, hơi biển mặn, chúng tôi vừa phải chống chọi với việc say sóng sau một hải trình dài lại vừa phải lo bảo quản thiết bị bởi hơi nước biển có thể làm hỏng chúng bất cứ lúc nào...
Tuy nhiên, chúng tôi ai nấy đều cố gắng tác nghiệp mọi lúc mọi nơi, “khai thác” thật sâu, thật nhiều về những người lính hải quân vượt mọi gian khổ, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, cầm chắc tay súng ngày đêm canh giữ bình yên Tổ quốc.
Phóng viên chuyển sang tàu đánh cá của ngư dân để tiếp cận đảo.
7 ngày, 5 điểm đảo và chặng đường dài trên biển. Tất cả đều phải gấp rút, dốc toàn tâm, toàn ý để có thể có tư liệu thực hiện những bài viết hay, sâu sắc.
Giữa biển khơi không internet, không sóng điện thoại nên việc kết nối với đất liền gần như bị gián đoạn. Khi tàu neo gần đảo cũng là lúc mạng di động bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, mạng yếu, sóng chập chờn nên việc gửi tin, bài về toà soạn là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Dù vậy, cũng đã có không ít những tác phẩm báo chí được “thai nghén” ngay trên tàu do tính thời sự và sự cập nhật tin tức trong xu hướng làm báo 4.0.
Tôi vẫn nhớ bản thân phải nén đau (do chẳng may gặp tai nạn tại đảo Nam Du), cùng phóng viên Phạm Quang (Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước) leo lên boong tàu ngồi “canh sóng”, để có thể đưa những tác phẩm chân thật và sống động nhất đến với độc giả.
Làm báo in, báo điện tử đã khó nên việc gửi các tác phẩm media, truyền hình về trong quá trình tác nghiệp ở Tây Nam là nhiệm vụ “bất khả thi”. Do đó khi đặt chân lên đảo, chúng tôi phải rất nhanh chóng chuyển tải tư liệu về cơ quan. Câu nói chúng tôi vẫn hay nói vui với nhau là “Cơm có thể không ăn, nhưng tin bài nhất định phải gửi về”. Bởi đây là cầu nối giữa đất liền với cuộc hành trình, giảm bớt nỗi nhớ đất liền của những người lần đầu xa nhà lênh đênh trên biển cả bao la…
Sau hải trình, đã có 440 tin, bài, phóng sự từ các cơ quan thông tấn, báo chí gửi đến độc giả.
Yêu thương nhận lại
Vượt qua những cơn sóng nhấp nhô trên chiếc thuyền đánh cá của ngư dân, cả những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chúng tôi đã đến được với Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Đây là đảo tiền tiêu quan trọng phía Tây Nam của Tổ quốc, đảo có địa hình rất phức tạp, độ dốc cao, khí hậu khắc nghiệt, mưa ít, nắng nhiều.
Lớp học của thầy Trần Bình Phục tại đảo Hòn Chuối.
Do đảo không có phương tiện giao thông, để lên đến trạm ra đa Hòn Chuối, chúng tôi còn phải leo bộ gần 400 bậc thang, ai cũng mệt mỏi, mồ hôi đầm đìa. Thế nhưng, sự mệt mỏi đó đã tan biến khi nghe những tiếng ê a từ lớp học tình thương của Đồn Biên phòng Hòn Chuối do Thiếu tá Trần Bình Phục (Đội phó vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Hòn Chuối) phụ trách lớp.
Lớp học có ba bảng đen ở ba bức tường để dạy cho từng khối lớp. 15 năm qua, có 45 học sinh đã qua lớp của thầy Phục, đặc biệt đã có 4 em vào đại học. Lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối đã được công nhận là một điểm trường trong hệ thống giáo dục của thị trấn Sông Đốc.
Tôi nhớ hôm ở trạm ra đa 595 – đảo Hòn Khoai, chiến sĩ trẻ Dương Phúc Huy (quê xã Tân Lập, huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) đã không giấu được niềm vui khi đón đoàn đến thăm. Huy say sưa đọc những lá thư do các em học sinh gửi đến, và cũng không quên nhắn nhủ những lời cảm ơn đến đấng sinh thành ở đất liền cũng như tình cảm yêu thương đến các em học sinh.
“Tình cảm ở hậu phương gửi đến chúng em luôn dạt dào, chúng em rất trân quý và xin hứa sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cha ơi, hẹn cha tết năm sau con về ăn tết cùng cha nghen cha”- Huy nhắn nhủ.
Chuẩn đô đốc Nguyễn Hữu Thoan– Chính uỷ Bộ Tư lệnh Vùng 5 chia sẻ, hiệu ứng tuyên truyền chủ quyền biển đảo từ các chuyến tác nghiệp của phóng viên rất lớn. Tiền tuyến thêm động lực hoàn thành nhiệm vụ, hậu phương yên tâm khi thấy cán bộ chiến sĩ được quan tâm chu đáo.
Đó là đánh giá của một chính uỷ, là lời yêu thương gửi về đất liền của một chiến sĩ trẻ; còn với chúng tôi, đi để được lắng nghe những câu chuyện đầy xúc động về những người lính Hải quân, được thấy sức sống kỳ diệu tại mảnh đất khắc nghiệt nơi đầu sóng, ngọn gió, được chiêm ngưỡng những khoảnh khắc đẹp đến nao lòng giữa trùng khơi... để làm mới bản thân và tiếp tục học nghề, giữ con tim luôn sống tử tế với nghề.
Vũ Nguyệt