Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tác phẩm cuối cùng
Thứ ba: 13:25 ngày 23/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với một người nghệ sĩ, khi họ không sáng tác là một cực hình. Và ba năm nay, hoạ sĩ Gàn đã sống trong cực hình ấy. Nỗi xót xa trong đời của ông không chỉ dừng lại ở việc cảm quan nghệ thuật sút kém so với trước mà còn bị mụ vợ bóp nó bẹp gí trong sự khinh rẻ.

Viên cảnh sát trẻ bày ra vẻ âu sầu như muốn thổ lộ điều gì nhưng không sao mở lời được thành ra cứ ấp úng như lần đầu hẹn hò người yêu. Lúc đó, mụ có thể nhìn thấy một viên trung uý khác mang vật gì đó trên tay đứng đợi bên ngoài. Viên cảnh sát chào điều lệnh rồi đỡ mụ ngồi hẳn hoi trên ghế sô-pha, trịnh trọng nói:

1. Năm 1503, danh hoạ Da Vinci bắt đầu vẽ Mona Lisa khi Ý bước vào thời kỳ Phục hưng. Sau khi bỏ bẵng nó trong bốn năm, ông đã tiếp tục vẽ trong ba năm sau tại Pháp và hoàn thành nó một thời gian ngắn trước khi mất năm 1519. Nụ cười của nàng Mona Lisa đã khiến hàng triệu người trên thế giới bị mê hoặc nhưng không ai hiểu được bí mật đằng sau nụ cười đó. Nàng là ai, nàng từng sống như thế nào thì đó vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Ðó là tuyệt tác của Da Vinci.

Với một người nghệ sĩ, khi họ không sáng tác là một cực hình. Và ba năm nay, hoạ sĩ Gàn đã sống trong cực hình ấy. Nỗi xót xa trong đời của ông không chỉ dừng lại ở việc cảm quan nghệ thuật sút kém so với trước mà còn bị mụ vợ bóp nó bẹp gí trong sự khinh rẻ.

Nhiều năm nay ông không vẽ gì dù là những bức tranh đơn giản mà những gia đình hạng trung cũng có thể trang bị được. Cũng vì nguyên nhân đó mà sa-lông trưng bày tranh ảnh của ông ở thị trấn không có thu nhập đành phải trả mặt bằng. Ðương cơn tuyệt vọng nhưng mụ vợ vẫn chờ đợi một kiệt tác nghệ thuật từ ông để đổi đời. Một bức hoạ có giá trị bằng một phần trăm của bức hoạ nàng Mona Lisa thì mụ đã mãn nguyện. Thế nhưng có khối người khen chồng mụ có tài hội hoạ nhưng mụ chẳng thấy thế. Những lời khen ngợi đó chỉ là chất xúc tác làm kết tủa nỗi dặt dẹo trong mụ mà thôi. Những khi bực bõ, bà lại trút lên đầu bọn trẻ.

Mùa mưa đến, những trận mưa như trút nước. Nhà dột. Căn nhà rúm ró như một con chuột nhắt trước một con mèo hung tợn. Nó nham nhở như cái thùng carton thấm nước và có thể xẹp lép như lốp xe bị lủng bất cứ lúc nào. Sự ấm áp ở ngôi nhà này được duy trì bằng tiếng cười nói giòn tan như pháo nổ đầu xuân của ông hoạ sĩ và lũ trẻ. Như các bạn biết đấy, tiếng cười có sức mạnh kỳ diệu là xua tan mọi bất hạnh trên đời.

Nó luôn đúng!

Tác giả phải nói thêm rằng, tư thái của ông - một người hoạ sĩ “thất sủng” với nghệ thuật trong mắt mụ vợ thật thảm hại và đây là những lời càu nhàu của mụ: “Tài năng hội hoạ của ông đã mục nát hết rồi hử? Sao không cố sáng tạo những tác phẩm có giá trị cho mẹ con tôi nhờ đi con người vô dụng”.

Những lúc như thế, ông ngồi thu lu một góc trước giá vẽ nhìn những hộp màu khô cứng vì thời gian như hiện hữu viễn cảnh gì đau đớn. Ông lặng lẽ như một bức tranh tĩnh vật bước ra từ tờ giấy vẽ của một danh hoạ thời cổ. Vì thế những cuộc nói chuyện với ông chán phè và được mụ vợ kết thúc bằng những cú ngáp dài quen thuộc. Biết ông buồn, ông hàng xóm thường bông lơn rằng:

- Ông hoạ sĩ đáng thương của tôi ơi, sao ông không thử vẽ mụ vợ của mình xem. Hoạ chăng là một bức Mona Lisa thứ hai thì sao?

Ông chới với rồi che miệng, lào phào:

- Ôi trời! Ông bạn khéo giỡn. Thay vì vẽ mụ vợ thì tôi vẽ con cọp cái là được chứ gì?

- Há há… còn hơn thế đấy chứ?

- …

Mái đầu bùm xùm của ông ngả màu trắng phếch như tường vôi. Già rồi, công việc chân tay đã không còn phù hợp với ông nữa. Chứng thoái hoá đốt sống cổ cứ hành hạ ông không thôi, ông phải uống thuốc cầm những cơn đau chó cắn. Người hoạ sĩ chỉ biết chắt lót niềm vui từ việc vẽ tranh trên tạp chí để có thêm thu nhập đắp đổi qua ngày. Ông còn nhớ ba năm trước, mụ vợ bán bức tranh Lục Bình cũng được một số tiền kha khá. Ðiều đó đã mang lại niềm vui trên gương mặt héo hon như đoá nhài thiếu nước của mụ. Hiển nhiên nó trở thành vốn liếng khiến quãng đường đời đã qua của mụ sung túc.

Còn bây giờ, sẽ không có lần thứ hai như thế.

2. Một hôm, mụ tìm được mối làm ăn lớn. Mụ cho rằng vớ được mối này bằng vẽ cả trăm bức ảnh minh hoạ trên các tạp chí. Chuyện là người khách vừa xây một căn biệt thự nên muốn có một bức tranh đặt ở sảnh nhà. Vì là khách “sộp” nên bao nhiêu tiền không cần kể, khách bày tỏ muốn có một bức tranh thật đẹp và ý nghĩa. Rồi khách đưa cho mụ tấm ảnh một buổi chiều rực rỡ trên cánh đồng bạt ngàn. Ông còn nói thêm rằng đây là bức ảnh ông ưng ý nhất trong nhiều năm săn ảnh trên khắp mọi miền đất nước. Nhưng khách sẽ thích thú hơn khi nó là một bức tranh.

Mặc cho mụ cứ bai bải ông vẫn lặng thinh. Rằng ông không phải thầy phù thuỷ, úm ba la một cái là có tác phẩm ngay. Mụ không hiểu hội hoạ là gì. Ðó là nghệ thuật dùng đường nét, màu sắc để phản ánh thế giới hình thể trên mặt phẳng, một công việc không hề đơn giản. Nhưng rõ ràng mụ ép ông nhận thầu hợp đồng này thay vì những lời từ chối ngọt ngào.

Kỳ thật, ông trời đã ban cho phụ nữ những đặc quyền mà cánh đàn ông phải phục tùng vô điều kiện. Ðó là một bản án mà cánh mày râu phải e dè. Ông muốn khước từ cũng không được vì mụ vợ xỏ lá đã trót nhận lời người ta, tiền cọc mụ cũng đã nhận. Một tháng sau, người khách đó sẽ đến nhận tranh, đó là điều ông có thể biết trước.

Bản hợp đồng làm ông sửng sốt. Ðó là một món hời béo bở nếu ông có thể vẽ được một kiệt tác và người khách ưng ý. Và sẽ là một thảm hoạ nếu như không có một tác phẩm nào ra đời hoặc là một sản phẩm… kém chất. Mụ lại rất hào hứng, mụ tỉ mỉ đếm số tiền cọc đó hai lần trước khi đi ngủ. Niềm vui của mụ như cú đánh rắm im lặng trong căn phòng không có cửa sổ. Nhưng điều quan trọng lúc này là chưa có một ý tưởng nào nhá lên trong đầu ông cả và điều đó không thể giấu được đôi mắt sáng loáng như đồng tiền xu của mụ vợ. Mụ chau mày, cảu rảu như đang ngồi bán cá ngoài chợ:

- Ông liệu mà vẽ cho người ta, không xong thì tôi tống cổ lũ mồ côi này về cô nhi viện đấy!

Ông thở hắt ra:

- Kính thưa người vợ yêu quý, tôi phải nói để bà hiểu rằng việc sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật là vô cùng khó khăn. Lay nhay cả năm trời chưa chắc đã xong. Nó không dễ dàng như việc nấu món súp với cải xanh, luộc một vài quả trứng như bà vẫn hay làm đâu.

- Tôi không nhiều lời, ông lo mà làm cho tốt đi nhá!

Mụ đánh rơi ánh mắt buồn hiu ở một góc nhà rồi nguýt cái mông đít đi dọn chén dĩa lũ trẻ vừa ăn xong. Không gian ngột ngạt đầy rối rắm của cuộc sống vợ chồng nhiều lúc khiến ông muốn truỵ tim. Bây giờ ông chỉ là một chiếc đồng hồ chết giờ trong căn nhà vắng chủ, trống hoác mặc gió mưa hoành hành. Một cỗ chua xót dâng trào trong tim người nghệ sĩ, ông buộc miệng: “Ðừng hăm doạ tôi và lũ con tội nghiệp của tôi!”, mụ mới thôi càu cặt.

Thế rồi mười lăm ngày trôi qua.

Ðiều này khác nào cái gai xóc vào da thịt ông đến mưng mủ. Mụ lia cặp mắt sắc lẻm đến tờ giấy căng trên giá vẽ ba lần một ngày. Thấy nó vẫn chưa có nét chấm phá nào thì những ngày sau đó, khẩu phần ăn của ông bị xén đi một ít. Với ông, đó chính là sự thất bại của nghệ thuật vì sáng tạo để có… gạo ăn. Ðời cầm cọ ba mươi năm nhưng chưa bao giờ ông vung nó vì tiền, ngay cả khi đứa con đầu lòng của ông chết vì đói… Tất nhiên, bất kỳ người nghệ sĩ nào cũng muốn sáng tác một tác phẩm để đời chứ không phải làm qua quýt cho xong chuyện.

Ông còn nhớ, năm đó bức Lục Bình được bán với giá “kỷ lục” mà những danh hoạ ở Sài Gòn phải mơ ước và người thiếu phụ có nụ cười e ấp dưới vành nón lá trong bức tranh ấy không ai khác ngoài mụ. Cây cọ vẽ bức Lục Bình là cây bút lông chồn Siberia do một người bạn của ông đi Nga về tặng. Loài chồn ấy nay đã tuyệt chủng. Ông mang cây cọ cất vào tủ vì sợ hỏng và vì trân trọng tình cảm của người bạn vong niên ấy. Trong bữa cơm, ông nhìn bọn trẻ và luôn miệng nhắc tới kiệt tác sắp chào đời của mình. Chất nicotine từ miệng ông văng vào tai khiến mụ phấn khích hẳn lên, dù chất lượng những bữa ăn dần sút kém nhưng ngon hẳn mọi hôm.

Khi tặng cây bút lông chồn ấy, người bạn dặn rằng: Những ý tưởng mang tính đột phá của một tuyệt tác bao giờ cũng bắt nguồn từ những điều đơn giản trong cuộc sống. Ông hiểu. Nhưng suy cho cùng, cảnh bĩ cực hôm nay là do tham vọng của mụ mà ra. Bởi vì mụ đã thành công trong việc làm ông rối ren hơn là tạo hứng cảm để ông sáng tác.

3. Khi mụ lia cặp mắt ráo hoảnh đến, ông đã dự cảm về một trận giao chiến bằng thị giác xảy ra. Mặt ông biến sắc và trở buồn khi biết chỉ còn ba ngày nữa là đến hạn giao bức tranh cho khách. Mụ không quan tâm tới mái tóc ông dính đầy màu vẽ mà chỉ lớn tiếng khinh thường. Cái giọng nhiễu nhại đầy láu cá quen thuộc lại vang lên:

- Ông thật vô dụng. Tôi đã nhận tiền cọc của người ta xài hết rồi mà bây giờ ông vẫn chưa vẽ được khỉ gì. Bộ ông muốn người ta đến xiết nợ mình hay sao?

Mụ làm vẩn đục tâm trí ông khi vừa nói vừa đệm thêm vài giọt nước mắt như có điều oan ức. Chẳng vò mà rối, mặt ông bừng lên vẻ cam chịu rồi lại vò đầu, bứt tóc. Ông bẻ cây cọ vứt ra ngoài cửa sổ rồi ngã ngồi trên mặt đất. Ðược thể làm tới, mụ lao đến giá vẽ như viên đạn xé gió, chụp lấy tờ giấy trắng với những nét thảo ban đầu, xé tan nát:

- Ông không vẽ được thì tôi vẽ! - Mụ tru tréo.

Cơn bực tức như cái ghẻ bám víu trên người mụ, nó xúi mụ phải làm gì đó. Mụ dành cả đêm để vẽ, người hoạ sĩ ngồi ké né trên ghế sô-pha dành cả đêm để quan sát. Lũ trẻ cuộn mình trong chăn như cái kén nín thở theo dõi “kiệt tác” sắp chào đời. Ông cảm nhận được sự dồn nén của mụ. Mỗi khi ông buồn, nhóc nhỏ cặp kè ông như hình với bóng, như thể ngôi nhà này chỉ có hai cha con vậy. Ông hy vọng cô gái bé bỏng này tương lai sẽ là một doanh nhân và làm một thiếu nữ có trách nhiệm hơn một hoạ sĩ quèn sợ vợ như ông.

Cử chỉ dằn hắt của mụ cắt đứt mạch suy nghĩ của ông về đứa con gái. Khi nhìn thấy “tuyệt tác” vừa hoàn thành, mụ lại giở giọng con buôn:

- Khốn nạn thật! Ngay cả hội hoạ cũng từ chối tôi. Xem này, một con cóc khi tôi định vẽ một con thiên nga. Thật quá quắt, thật đáng khinh miệt.

“Ôi trời!”. Người hoạ sĩ muốn đánh thức mụ khỏi giấc mơ ngay bây giờ!

Ai dám khẳng định các thiên thần chỉ biết cười thôi, đó là một quan niệm sai trái vì họ có thể khóc đấy chứ! Họ sẽ khóc ngất đi vì không lý do gì buộc họ phải cười khi nhìn thấy bức tranh này. Bọn trẻ muốn cười nhưng không dám đành kéo chăn trùm kín đầu. Ngay cả những điều căn bản cô giáo dạy ở lớp khi phân biệt một con cóc ghẻ và một con thiên nga, nó thật đơn giản nhưng mụ không thể phân biệt được. Bức tranh không theo ý muốn bởi vì mụ chưa được trang bị những kiến thức cơ bản về hội hoạ. Còn bây giờ thì bọn trẻ được nghỉ phép dài hạn vì không có tiền đóng học phí. Bất đắc dĩ chúng trở thành khán giả cho những bức tranh không đâu.

Người hoạ sĩ chìm lỉm trong tác phẩm của mụ cho đến khi ngoi lên được, ông mới giở giọng khinh miệt cao quý:

- Bà đang làm vấy bẩn nghệ thuật khi liên tục sản sinh ra những tác phẩm “lỗi” như thế. Dừng lại đi, chúng ta không có đủ giấy và màu vẽ để cho bà thử nghiệm một cách điên rồ như vậy. Tôi sẽ vẽ tiếp - nét mặt của ông chìm ngập trong suy tư buồn thảm.

- …

Lần đầu tiên trong cuộc đời mụ buộc phải để sự im lặng gặm nhấm nỗi xấu hổ của mình. Mụ ngúng nguẩy gấp gửi cọ vẽ trở lại trên giá và thôi dành những lời chế giễu ông khi nhận ra việc sáng tạo nghệ thuật khó khăn đến vậy. Bởi khi mụ muốn vẽ một chiếc thuyền nan lênh đênh trên biển lại vẽ thành một vườn hoa chỉ toàn lá. Ông vui vì sự thất bại của mụ, còn mụ thì ngáp dài như gió thổi rồi trèo lên giường đánh một giấc đến sáng.

4. Ðêm.

Gió mưa ào ào như tạt trực tiếp vào mặt những sinh linh nhỏ bé đang co ro trong căn nhà này. Mái nhà dột nát như con thuyền lênh đênh giữa biển chẳng làm mụ sợ. Mụ chỉ sợ ngày mai đây người khách sang trọng kia đến nhận bức tranh và giao nốt phần tiền còn lại. Hôm qua mụ mơ thấy ông chồng vô dụng của mụ không có tranh giao cho khách nên bị cảnh sát tóm cổ. Mụ sợ mất mật. Nó ám ảnh đến nỗi mụ không chợp mắt được sáng hôm nay hai mắt trắng dã.

Mụ lo lắm, mụ phải tìm ông để trút hết nỗi chua xót mà mình vừa nghĩ tới. Như một con gấu trúc nhìn thấy cánh rừng của nó bị lửa thiêu rụi mà không làm gì được. Ðiều tồi tệ nhất trong những điều tồi tệ. Nhưng mụ chẳng thấy ông chồng yêu quý của mình ngồi ở góc nhà như mọi hôm nữa. Vì ông và giá vẽ, đến chiếc cọ bằng lông chồn yêu quý của ông đã biến mất từ lúc nào. Mưa như trút nước. Ðám trẻ không thể đi tìm được. Mụ nói với sang nhà hàng xóm xem ông chồng của mụ có sang đó không.

Nhưng, đáp lời mụ là những lời đay đả của tay hoạ sĩ chập mạch.

Ngôi nhà không có đàn ông và sấm chớp như chiếc trống Thổ Nhĩ Kỳ đánh lạc nhịp làm những đứa trẻ sợ đến phát khóc. Chúng tót lên giường nằm như ngả rạ. Mụ sực nhớ nhóc út là gần gũi ông nhất nên chạy đến hỏi:

- Có thấy cha mày đâu không?

Nhóc út xổm dậy, ngô nghê đáp:

- Cha đi rồi!

Cảm giác trống trải như vừa mất thứ gì quý báu lan tràn trong tim mụ. Mụ hỏi tiếp:

- Mưa gió thế này ổng đi đâu mày biết không?

- Cha nói ông phải đi xa rồi, cha chúc mẹ được như ước nguyện.

- Ôi trời! Ông chồng khốn nạn của tôi ơi… ông đành trốn tránh trách nhiệm khi ngày mai đến hạn giao bức tranh sao? Ông ác với mẹ con tôi lắm. Thôi thì ngày mai mẹ con tôi ra xó chợ ăn xin vậy - Mụ hước một cái rồi tiếp - Ông chỉ quý cái giá và cây cọ vẽ, còn tôi chỉ là con mụ rác rưởi bị bỏ rơi thôi mà… - Mụ tru tréo.

Mụ rúc vào một xó xỉnh hét toáng lên, át cả tiếng mưa như để người ta biết mụ đau khổ vì mất chồng. Người hàng xóm thân thiện của mụ đã quá sành những trận khóc như thế nên ông cũng chẳng buồn sang. Lúc mụ kết thúc trận khóc của mình là khi nhìn thấy viên cảnh sát trong bộ quần áo xanh lá mạ hẳn hoi ngay trước cửa nhà.

Mụ lo quắn đít! Giấc mơ đêm qua đã thành hiện thực hay sao? Mụ làu bàu. Có lý nào khách biết mình bị lừa nên đã báo cảnh sát? “Người nghệ sĩ tôn kính của tôi ơi, ông ở đâu lúc này…”. Mụ nói bụng như thế rồi lấy tay này đấm tay kia thùm thụp. Mụ không dám nhìn viên cảnh sát bệ vệ trong bộ quân phục chỉn chu đương đứng ở đằng kia, dù chỉ một lần.

Viên cảnh sát trẻ bày ra vẻ âu sầu như muốn thổ lộ điều gì nhưng không sao mở lời được thành ra cứ ấp úng như lần đầu hẹn hò người yêu. Lúc đó, mụ có thể nhìn thấy một viên trung uý khác mang vật gì đó trên tay đứng đợi bên ngoài. Viên cảnh sát chào điều lệnh rồi đỡ mụ ngồi hẳn hoi trên ghế sô-pha, trịnh trọng nói:

- Có phải bà là vợ của hoạ sĩ Gàn?

Câu hỏi làm mụ sửng sốt. Mụ muốn khóc rống lên vì chẳng hiểu cớ làm sao cảnh sát tìm đến nhà mình đành nhỏ nhẻ:

- Phải rồi! Có việc gì sao cậu?

Viên cảnh sát thận trọng nói:

- Bà phải cam đoan rằng bà sẽ kiên nhẫn nghe hết câu chuyện mà tôi kể ngay sau đây - viên trung uý tằng hắng một cái rồi nói tiếp - Hoạ sĩ Gàn không còn nữa, ông để lại cho bà tờ chúc thư và một bức tranh. Chúng tôi tìm thấy thi thể của ông khi tuần tra ngang một căn nhà hoang ở ngoại ô. Bây giờ bà có thể đọc bức chúc thư này và nhận lấy tuyệt tác cuối cùng của người hoạ sĩ đáng kính.

- Sao, sao chứ? - mụ hỏi dồn dập trong khi bàn tay quờ quạng chộp lấy tờ chúc thư.

“Không thể nào”. Nếu không phải viên cảnh sát nói thì mụ không tin điều đó là sự thật. Trong thư ông biên rõ “đã hoàn thành nghĩa vụ với vợ và các con”. Rằng một nửa số tiền bán bức tranh dành cho người vợ yêu quý, nửa còn lại cho những đứa trẻ ông mang từ cô nhi viện về. Mụ nhìn bức thư thật kỹ để khẳng định chính xác đây là nét chữ của ông. Mụ vừa vui vừa buồn còn lũ trẻ thì khóc toáng lên khi hay tin cha không còn nữa. Chúng linh cảm rằng chúng sẽ được quay trở lại cô nhi viện trong một ngày không xa. 

Mụ nạt ngang ra hiệu cho bọn trẻ thôi khóc rồi nhận lấy bức tranh từ tay viên trung uý. Mụ lật đật giở ra xem. Một bức tranh sinh động như thực. Từ cung màu, đường nét đến màu sắc, kỹ thuật phối cảnh đều hài hoà đến hay. Ðiểm nhấn của bức tranh là ánh mặt trời toả ra những tia sáng rực rỡ trên một cánh đồng bất tận. 

Vừa nãy mụ còn kêu khóc tưng bừng nhưng khi nhìn thấy bức tranh thì mắt mụ ráo hoảnh. Mụ kiềm chế xúc cảm rồi quan sát bức tranh một lượt từ trên xuống dưới, từ trái qua phải rồi phán:

- Cậu cũng cho rằng đây là kiệt tác à? Chỉ là một bức tranh vẽ hoàng hôn thôi mà. Có gì đặc biệt?

Viên cảnh sát ngạc nhiên tới mức ngẩn người ra, trong anh như có điều gì dồn nén chưa giải toả. Và bằng mọi giá anh phải nói ra nỗi lòng mình:

- Bà cho rằng đây là hoàng hôn sao? Với tôi đó chính là bình minh… khởi đầu một ngày mới, một tương lai rạng rỡ như ánh mặt trời. Dù cảm quan nghệ thuật của người lính hơi khô khan nhưng tôi nghĩ để thấu cảm một tuyệt tác, bà phải cảm nhận từ trái tim chứ không phải bằng mắt. Ðó chính là thông điệp mà người hoạ sĩ đã gửi gắm trong bức tranh này.

Không còn lời gì để nói, mụ khóc. Ðó là lần đầu tiên đám trẻ trông thấy mụ khóc vì cha của chúng.

Tiếng khóc vì sự đánh đổi của hoạ sĩ Gàn. Và khi mụ biết nghĩ cho ông cũng là lúc ông đã chu du đến nơi mà một người nghệ sĩ chân chính phải đến. Nghệ thuật chính là những nấc thang đưa người nghệ sĩ đến những miền cao quý mà mụ vợ không thể đi cùng.

V.C.N

Tin cùng chuyên mục