Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tái hoà nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù: Cần sự quan tâm
Thứ sáu: 05:16 ngày 17/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bên cạnh địa phương thực hiện tốt công tác tái hoà nhập cộng đồng như huyện Tân Châu vẫn còn nhiều địa phương của tỉnh chưa thực sự quan tâm đến công tác này.

Lãnh đạo Công an tỉnh trao căn cước công dân gắn chip và động viên các phạm nhân được đặc xá năm 2022

Nghị định 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự (THAHS) về tái hoà nhập cộng đồng nêu rõ: tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong hình phạt tù tái hoà nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành xong hình phạt tù.

Những quy định của pháp luật nếu được quan tâm thực hiện tốt sẽ giúp cảm hoá, giáo dục người từng phạm tội tích cực lao động, hoà nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, chuyển hoá địa bàn. Tuy nhiên, kết quả giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho thấy vẫn còn nhiều địa phương chưa quan tâm thực hiện tốt công tác này.

Mở lối về cho người lầm lỡ

Cuối năm 2021, chấp hành xong án phạt tù, anh Trần Văn Chiến (ấp 3, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu) trở về địa phương. Chiến được Công an xã Suối Ngô hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ quản lý tại cộng đồng, tư vấn hướng nghiệp và hỗ trợ tìm việc làm. Trần Văn Chiến cho biết: “Tôi phạm tội (tiêu thụ tài sản trộm cắp - PV) vì tin tưởng bạn bè, thiếu hiểu biết pháp luật nên vướng vào lao lý.

Tôi ra tù, về lại nhà, người dân xung quanh tỏ vẻ kỳ thị. Thêm nữa, kinh tế gia đình lúc này rất khó khăn, hai đứa con nhỏ, công việc của vợ không ổn định. Đó là điều tôi lo lắng hơn cả. Tôi biết mình phải cố gắng tu chí làm ăn để lo cho vợ con, và khi mình sống tốt thì mọi người xung quanh sẽ không kỳ thị nữa”.

 Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền, Công an địa phương, đặc biệt là cán bộ Công an xã Suối Ngô trực tiếp quản lý, theo dõi, giúp đỡ Chiến vào làm công nhân Nông trường cao su Suối Ngô và được tạo điều kiện làm thêm tại một khu vui chơi trẻ em trên địa bàn xã vào buổi chiều tối hằng ngày. Sau hơn một năm trở về với cuộc sống bình thường, Chiến đã dần ổn định về tinh thần, kinh tế gia đình. Hiện Chiến đã được xoá án tích.

Trần Văn Chiến là một trong những người chấp hành xong án phạt tù trở về được chính quyền, lực lượng Công an địa phương hỗ trợ, định hướng, giúp làm lại cuộc đời sau những lầm lỡ của tuổi trẻ. Hiện trên địa bàn xã Suối Ngô có 14 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương và trên 50 đối tượng còn án tích. Công an xã với vai trò nòng cốt phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể địa phương quản lý, giúp đỡ các đối tượng này. Nhiều người được vay vốn từ quỹ tái hoà nhập cộng đồng của huyện để phát triển sản xuất, kinh doanh và được giới thiệu việc làm, dần ổn định cuộc sống.

Thiếu tá Vũ Đình Hiệu- Trưởng Công an xã Suối Ngô cho biết, các đối tượng sau khi thi hành án phạt tù về địa phương đều lên cơ quan Công an xã trình báo chấp hành án xong; và được hướng dẫn làm các thủ tục hồ sơ liên quan để Công an xã quản lý.

Công an xã thường xuyên cảm hoá, giáo dục pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ tái hoà nhập cộng đồng. Công an cùng các ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ để dìu dắt, hỗ trợ hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, dần xoá đi ánh mắt kỳ thị của những người xung quanh.

Thuận lợi là trên địa bàn xã có nhiều công ty, nông trường, Công an xã có quy chế phối hợp với các nông trường về việc tạo điều kiện tiếp nhận những người thuộc diện tái hoà nhập cộng đồng vào làm công việc bảo vệ, công nhân cạo mủ, chăm sóc cao su...

“Trước hết họ được làm việc, tạo ra thu nhập để thấy mình là người có ích. Họ được tham gia vào mô hình “tự phòng, tự quản” trong các nông trường, hiểu biết hơn về pháp luật. Đáng ghi nhận là nhiều người trong số đó đã tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ trong đơn vị làm việc và nơi cư trú, không có biểu hiện tái phạm, vi phạm pháp luật, tu chí làm ăn, sống gắn kết hơn với mọi người xung quanh”- Thiếu tá Vũ Đình Hiệu cho biết.

Nhiều địa phương chưa quan tâm

Quỹ tái hoà nhập cộng đồng được duy trì triển khai rất hiệu quả trên địa bàn huyện Tân Châu những năm qua cho thấy sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của hệ thống chính trị cùng với lực lượng Công an trong thực hiện các mô hình, phong trào bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh địa phương thực hiện tốt công tác tái hoà nhập cộng đồng như Tân Châu vẫn còn nhiều địa phương của tỉnh chưa thực sự quan tâm đến công tác này.

Vừa qua, Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát chuyên đề về tình hình triển khai và thực hiện các quy định pháp luật về thi hành án hình sự (THAHS) trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung tái hoà nhập cộng đồng.

Theo báo cáo giám sát, từ 1.1.2020 đến 30.6.2022, toàn tỉnh tiếp nhận, quản lý gần 2.000 người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương. Lực lượng Công an đã tham mưu cho chính quyền địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã hội tổ chức tiếp nhận, quản lý, tạo điều kiện thuận lợi để người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương sớm ổn định cuộc sống như: hướng dẫn làm thủ tục đăng ký cư trú, cấp căn cước công dân, hỗ trợ giúp đỡ thủ tục vay vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm…

Có địa phương đã xây dựng được mô hình quỹ tái hoà nhập cộng đồng, huy động nguồn vốn đóng góp từ các cơ quan tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để hỗ trợ, giúp người chấp hành xong án phạt tù vay vốn, tạo việc làm, ổn định cuộc sống.

Công an xã Suối Ngô và đại diện chính quyền địa phương thăm hỏi tình hình cuộc sống của công dân Trần Văn Chiến.

Tuy nhiên, một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác THAHS và tái hoà nhập cộng đồng; thiếu chỉ đạo, kiểm tra các tổ chức, đoàn thể, cá nhân được phân công thực hiện công tác tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù và người chấp hành án hình sự tại cộng đồng nên còn xảy ra tình trạng tái phạm, vi phạm pháp luật.

Công tác đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù về địa phương tái hoà nhập cộng đồng tuy có thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao. Công tác vận động tổ chức, cá nhân có điều kiện, khả năng tiếp nhận những người tái hoà nhập cộng đồng vào làm việc ở một số nơi vẫn chưa được quan tâm; các ngành, các cấp chưa có chính sách ưu đãi hỗ trợ cho những tổ chức, cá nhân tiếp nhận người tái hoà nhập cộng đồng vào làm việc.

Từ kết quả giám sát, HĐND tỉnh kiến nghị Bộ Công an sớm hoàn chỉnh dữ liệu quốc gia về dân cư, theo đó, tích hợp thông tin người chấp hành án tại cộng đồng, người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng để công tác phối hợp quản lý được chặt chẽ, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Đối với UBND tỉnh, tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành có liên quan xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tích cực tham gia hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người tái hoà nhập cộng đồng; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương có điều kiện vay vốn sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã quan tâm và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể ở địa phương trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục người đã chấp hành xong án phạt tù và người đang chấp hành án tại cộng đồng.

Phương Thuý

Tin cùng chuyên mục