Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Người anh cho mượn đất rầu lo, còn người em gái đang tuyệt vọng vì phải bán nhà để thi hành án. Ðó là trường hợp của hai anh em cùng ngụ tại ấp Lộc Phước, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng.
Ông Mong lo lắng cho “số phận” của căn nhà có nguy cơ mất đi một nửa.
Vợ chồng ông Võ Văn Mong, bà Nguyễn Thị Nhe và người em gái ruột của ông Mong là bà Võ Thị Thi trình bày: vừa qua, chấp hành viên Chi cục THADS huyện Trảng Bàng kê biên, bán đấu giá phần đất và tài sản khác gắn liền với đất của bà Thi để thi hành án. Trong quá trình đo đạc, chấp hành viên đo luôn qua phần đất đang có căn nhà của vợ chồng ông Mong.
Cơ quan Thi hành án đo đạc lấn sang phần đất có chiều ngang khoảng 3m, dài hơn 80m. Trong khi đó, hiện trạng căn nhà trên đất có chiều ngang 5m, dài 25m. Việc kê biên, đo đạc như vậy làm căn nhà của ông Mong mất đi khoảng một nửa. Mặc dù gia đình ông Mong đã giải thích về nguồn gốc, quyền sử dụng đất không phải của người em ông, nhưng chấp hành viên vẫn tiến hành kê biên, bán đấu giá tài sản.
Ông Mong kể, cách nay gần 30 năm, ông được cha, mẹ ruột cho một phần đất ngang khoảng 10m, dài hơn 80m. Không lâu sau đó, vợ chồng ông xây căn nhà tường một mái để ở như hiện nay. Ðất và nhà của vợ chồng ông giáp ranh liền kề với đất và nhà của em ông là bà Thi. Khi thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDÐ, bà Thi có xin vợ chồng ông Mong cho bà “tạm đứng tên” đối với phần đất của anh chị để thuận tiện vay vốn làm ăn.
Sau này, khi có điều kiện, bà Thi sẽ tách thửa trả lại. Rủi thay, bà Thi bị phá sản, nợ nần chồng chất. Chi cục THADS huyện Trảng Bàng kê biên, bán đấu giá phần đất ruộng có diện tích 4.971,7m2 của bà Thi để thi hành án nhưng chưa đủ, nên Chi cục tiếp tục xử lý phần đất 1.997,7m2 cùng tài sản gắn liền với đất là căn nhà và chuồng trại nuôi heo, trong đó có 400m2 đất thổ cư.
Ðối với thửa đất 1.997,7m2 do bà Thi đứng tên mà cơ quan Thi hành án kê biên, vợ chồng ông Mong cho rằng, thửa đất này “có một phần” là của vợ chồng ông, do mẹ ông là bà Trần Thị Hớn cho. “Tôi cam đoan chỉ tạm đứng tên trong giấy chứng nhận QSDÐ để tiện việc vay vốn làm ăn chứ không có ý chiếm đoạt luôn tài sản của anh, chị. Lý ra, khi chấp hành viên kê biên tài sản, cần làm rõ căn nhà của anh Mong và chị Nhe, vì căn nhà là tài sản của người không liên quan đến việc thi hành án. Thực tế, chỉ riêng tài sản của tôi thôi cũng dư để thi hành án”- bà Thi giải thích.
Ðược biết, tổng số tiền mà bà Thi phải thi hành án- cả gốc lẫn lãi vào thời điểm hiện nay khoảng 523 triệu đồng. Bà Thi không đồng ý việc kê biên căn nhà và đất của anh bà. Ðối với mức giá 902 triệu đồng đã bán đấu giá thành cho người mua, bà Thi cho rằng quá rẻ, vì giá trị thực tế phải hơn 2 tỷ đồng (ngang khoảng 25m, dài hơn 80m), bao gồm đất và căn nhà mặt tiền giáp con đường nhựa lớn nối liền liên ấp, liên xã.
Bà Thi mong muốn chuộc lại tài sản, mọi chi phí trong quá trình tổ chức bán đấu giá bà chấp nhận. “Tôi đã đồng ý cho bán đấu giá đất ruộng để thi hành án, tức là tôi hoàn toàn có thiện ý trả nợ chứ không trốn tránh. Hoặc cơ quan Thi hành án và chủ nợ cho tôi cơ hội làm ăn để trả nợ dần, hoặc tôi sẽ vay nóng tiền mặt để thi hành án, bà Thi trần tình.
Trong một văn bản gửi bà Thi, Chi cục THADS huyện Trảng Bàng cho biết, sau khi kê biên, Chi cục tổ chức cho các bên thoả thuận giá tài sản kê biên, tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá, kết quả thoả thuận không thành. Chấp hành viên ký hợp đồng thẩm định giá và hợp đồng uỷ quyền đưa tài sản kê biên ra bán đấu giá theo quy định của pháp luật.
Ngày13.6.2018, Chi cục nhận đơn của bà Thi đề nghị được thương lượng với người mua trúng đấu giá để chuộc lại tài sản bán đấu giá thành. Ngày 27.6, chấp hành viên đã mời bà Thi và người mua trúng đấu giá đến Chi cục để hai bên cùng thoả thuận nhưng thương lượng không thành.
Trong số tiền khoảng 523 triệu đồng bà Thi phải thi hành án, tiền gốc chỉ khoảng 379 triệu đồng, còn lại là tiền lãi. Lo sợ không còn nhà để ở, bà Thi xin thương lượng với những người được thi hành án, giảm bớt số tiền lãi suất chậm thi hành án. Tuy nhiên, các chủ nợ không đồng ý giảm lãi suất.
Ðược biết, Ðiều 75 Luật THADS quy định, đối với trường hợp kê biên tài sản phát sinh tranh chấp, cơ quan Thi hành án hướng dẫn các bên gửi đơn đến Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết, sau đó sẽ tiếp tục có hướng xử lý tài sản.
QUỐC SƠN