Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ngày 7-2, Cục CSGT (Bộ Công an) đã thông báo về việc tạm thời không sử dụng phễu thổi để đo định tính nồng độ cồn. Cục CSGT cũng khẳng định, việc kiểm tra xử lý vi phạm về nồng độ cồn vẫn được thực hiện nghiêm bằng ống thổi một chiều và tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Theo đó, CSGT sẽ tạm thời không sử dụng phễu thổi để đo định tính khi kiểm tra nồng độ cồn. Các tổ CSGT làm nhiệm vụ sẽ sử dụng máy đo có ống thổi riêng cho từng trường hợp để đo định lượng, bảo đảm tiệt trùng cho thiết bị đo, ống thổi.
Cục CSGT cũng khẳng định việc kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn phải tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông và cán bộ thi hành nhiệm vụ. Mỗi ống thổi sau khi sử dụng xong phải bỏ vào túi nilon kín để xử lý theo quy định của Bộ Y tế.
Hiện tại các tổ tuần tra CSGT vẫn sử dụng 2 loại ống thổi để kiểm tra nồng độ cồn. Ống thổi dạng hình phễu dùng để kiểm tra nhanh lái xe có sử dụng bia rượu hay không. Khi phát hiện lái xe có dấu hiệu uống bia - rượu, CSGT sử dụng ống thổi để đo định lượng cụ thể, căn cứ vào đó ra quyết định xử phạt theo tinh thần Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Việc triển khai thực hiện phải tuân thủ nghiêm các quy định trên, cho đến khi có chỉ đạo mới.
CSGT sẽ chỉ sử dụng ống thổi trong quá trình kiểm tra nồng độ cồn
Bố trí đảm bảo thiết bị kiểm tra nồng độ cồn được cầm và sử dụng bởi riêng 1 CSGT trong mỗi ca làm việc (để tránh lây chéo). Tiến hành sát khuẩn thiết bị trước, trong và sau ca làm việc bằng dung dịch có cồn.
Trước đó, đại diện WHO tại Việt Nam cũng khẳng định CSGT cần tiếp tục kiểm tra nồng độ cồn. Quá trình thực hiện các biện pháp bảo hộ phù hợp như: CSGT nên đeo khẩu trang y tế, trang bị dung dịch rửa tay khô có cồn. Chỉ sử dụng riêng 1 ống thổi mới, chưa qua sử dụng cho mỗi người được kiểm tra.
Các ống thổi đã được sử dụng cần được thu gom và xử lý phù hợp. Tất cả các biện pháp trên sẽ góp phần bảo đảm an toàn, không để xảy ra nguy cơ lây truyền dịch bệnh cho người thực thi công vụ, người tham gia giao thông và cho cộng đồng.
Nguồn anninhthudo