Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tấm lòng người cựu chiến binh
Thứ tư: 09:39 ngày 31/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ở cái tuổi xưa nay hiếm, người thương binh với những bước đi khập khiễng ấy vẫn còn rất nặng lòng với đồng chí, đồng đội.

Tuổi trẻ sống nhiệt huyết, về già đầy tinh thần trách nhiệm. Đó là cách cựu chiến binh Phạm Đức Cảnh (ấp Hội An, xã Tân Hội, huyện Tân Châu) chọn lựa và làm theo. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, người thương binh với những bước đi khập khiễng ấy vẫn còn rất nặng lòng với đồng chí, đồng đội.

Nặng lòng với đồng chí, đồng đội

Năm 1974, chàng thanh niên 18 tuổi Phạm Đức Cảnh đã xung phong nhập ngũ, bảo vệ miền Bắc. Đến tháng 4.1977, ông được điều động vào miền Nam, sang Campuchia tham gia bảo vệ biên giới Tây Ninh trong cuộc chiến chống Pol Pot. Từ đó cho đến khi rời khỏi chiến trường do bị thương vào năm 1979, ông Cảnh đã trải qua 30 trận đánh. Đến giờ, sau hơn 40 năm, ông vẫn nhớ như in những ngày tháng ấy để mỗi khi có dịp lại cùng đồng chí, đồng đội kể lại cho thế hệ trẻ.

Năm 1981, người thương binh với tỷ lệ thương tật 31% ấy về làm tại Nông trường quốc doanh Nước Trong (xã Tân Hội, huyện Tân Châu); trại mía giống Công ty mía đường Tây Ninh.

Năm 2004, sau khi nghỉ công tác, ông được địa phương vận động làm Bí thư Chi bộ ấp Hội Thành. Từ năm 2007, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho đến nay. Trong khoảng thời gian làm công tác Hội Cựu chiến binh, ông Cảnh luôn quan tâm các hoạt động chăm lo đời sống cho hội viên. Ông bày tỏ: “Hiện tại, trong hội viên, số lượng người nghèo, khó khăn đã giảm đi rất nhiều so với trước đây”.

Xã Tân Hội hiện có 190 hội viên cựu chiến binh (có 30 hội viên nữ), trong đó còn 1 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo và 5 hộ có hoàn cảnh khó khăn. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 4 hội viên được xây tặng nhà tình nghĩa- trị giá gần 600 triệu đồng.

Ông Cảnh (thứ 2 từ trái sang) trò chuyện với các cựu chiến binh.

Theo ông Cảnh, xã có nhiều những cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Làm công tác Hội, ông được gặp và cùng ôn lại những câu chuyện của các đồng đội để hiểu và giúp nhau vươn lên.

Hằng năm vào các dịp lễ, tết, sự kiện trọng đại, Hội đều phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tổ chức cho hội viên họp mặt. Trong dịp 27.7, Hội thăm hỏi, tặng quà các thương binh, lão thành cách mạng, nạn nhân chất độc da cam, hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

“Bản thân là thương binh nên tôi hiểu những cơn đau từ di chứng chiến tranh mà những cựu chiến binh đang mang. Từ đó, tôi thường xuyên thăm hỏi, động viên, chia sẻ với đồng chí, đồng đội. Tôi cảm thấy vui khi vào những dịp quan trọng, những ngày đặc biệt còn được gặp nhau để động viên, ôn lại lịch sử chiến đấu của từng đơn vị, từng cá nhân một thời hào hùng khó thể nào quên”- ông Cảnh nói.

Nhiều năm trôi qua, nhìn những đổi thay trong cuộc sống của đồng chí, đồng đội theo hướng tích cực, ông rất lấy làm vui mừng. Và ông càng vui hơn vì những người đồng chí, đồng đội ấy luôn có tinh thần chung tay, giúp đỡ nhau khi khó khăn, thiếu thốn. Những phẩm chất tốt đẹp của người lính luôn được những cựu chiến binh địa phương phát huy tốt. Đó là điều ông Cảnh thấy tự hào.

Với sự lãnh đạo của ông Cảnh, những cựu chiến binh trên địa bàn xã Tân Hội còn tích cực tham gia đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Điển hình trong năm 2023, nhiều cựu chiến binh trên địa bàn xã được UBND tỉnh khen thưởng vì đã hiến đất làm đường giao thông nông thôn với tổng trị giá hàng tỷ đồng.

Ông Lê Xuân Cúc- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tân Châu nhận xét: “Ông Cảnh là người lớn tuổi nhất trong các Chủ tịch Hội Cựu chiến binh trên địa bàn huyện. Nhưng với tinh thần trách nhiệm của một cựu chiến binh, ông Cảnh luôn làm việc nhiệt tình và tâm huyết. Hội Cựu chiến binh xã Tân Hội cũng như cá nhân ông Cảnh những năm gần đây luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Hội Cựu chiến binh tỉnh tặng bằng khen”.

Người kể chuyện lịch sử

Đi qua những năm tháng chiến tranh, những ký ức về cuộc chiến khiến ông Cảnh thấy xúc động lẫn tự hào vì đã được đóng góp sức mình cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Để giờ đây, giữa thời bình, ông Cảnh trở thành “người kể chuyện lịch sử” trong các dịp kỷ niệm, để lan toả những giá trị đẹp về một thời đầy gian khó nhưng rất đỗi hào hùng.

Vào dịp 22.12 hằng năm, ông Cảnh đều có một buổi để ôn lại những chiến tích anh hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến cho các em học sinh. Và những câu chuyện hào hùng ấy đã theo nhiều thế hệ học sinh tại địa phương lớn lên.

Hội Cựu chiến binh còn phối hợp Đoàn Thanh niên xã tổ chức các hoạt động kết nối, giao lưu với thế hệ trẻ để giáo dục về lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Đây là hoạt động được tổ chức hằng năm thông qua các buổi văn nghệ truyền thống, các chuyến về nguồn giúp nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước cho các bạn trẻ.

Ông Cảnh cho biết, những địa điểm như Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc (Đồng Tháp), đền thờ chị Võ Thị Sáu (Bà Rịa - Vũng Tàu) hay các địa điểm trong tỉnh như Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 là những nơi được chọn lựa tổ chức các chuyến về nguồn. Trong những chuyến đi này, ông Cảnh thường là người sẽ thuyết trình, giải thích để các bạn trẻ hiểu, nuôi dưỡng thêm niềm tự hào với quê hương, dân tộc. 

“Đó có thể là một câu chuyện thời chiến hay đơn giản là lý giải về công năng của một loại vũ khí mà quân đội ta sáng tạo ra. Khi thấy vẻ hào hứng, lắng nghe của các cháu, tôi vui lắm và thấy tự hào về điều đó”- ông Cảnh chia sẻ một cách đầy hứng khởi.

Là một nhân chứng sống của chiến tranh, ông Cảnh không ít lần được mời kể lại những câu chuyện ở sân khấu trang trọng. Đó là những câu chuyện ông từng trải qua với các cung bậc cảm xúc- từ vui vẻ đến xúc động nghẹn ngào. Những câu chuyện đã ghi sâu vào tâm trí một người lính như ông. Đó- có thể là câu chuyện về niềm vui chiến thắng trong một trận đánh chớp nhoáng mà ta không chịu một tổn thất nhân lực nào.

Đó- cũng có thể là những nghẹn ngào xúc động khi kể về sự hy sinh lúc còn rất trẻ của người bạn cùng quê và hành trình trao trả kỷ vật là cuốn sổ tay của anh về cho gia đình. Tất cả được ông kể lại một cách chân thực nhất, bởi ông muốn truyền tải đến các bạn trẻ những tình cảm chân thành, sự nhiệt huyết của một thế hệ thanh niên thời chiến.

 Cựu chiến binh Phạm Đức Cảnh chia sẻ: “Hiện tại, tôi luôn muốn làm tốt công tác Hội để được góp sức phục vụ đồng chí, đồng đội mình. Dù tuổi cao nhưng tôi vẫn muốn làm việc. Để còn được gặp những đồng đội, đồng chí, cùng sẻ chia niềm vui, ký ức. Để được cùng động viên nhau đóng góp xây dựng quê hương, giáo dục con cháu noi gương thế hệ trước trở thành người có ích cho xã hội”.

Vi Xuân

Tin cùng chuyên mục