Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tám mươi năm đề cương Văn hoá Việt Nam
Chủ nhật: 23:59 ngày 05/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tám mươi năm sau, bản đề cương này chẳng những không hề lạc hậu mà ngược lại, còn chứng minh sức sống, giá trị vĩnh cửu của một tác phẩm.

Bản “Đề cương về văn hoá Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943, được đăng toàn văn trên Tạp chí Tiên Phong số 1.

Tám mươi năm trước, 1943, lúc đất nước còn chưa giành được độc lập, nhà cách mạng lỗi lạc, nhà lý luận hàng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo “Đề cương về văn hoá Việt Nam”- cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hoá. Tám mươi năm sau, bản đề cương này chẳng những không hề lạc hậu mà ngược lại, còn chứng minh sức sống, giá trị vĩnh cửu của một tác phẩm.

Cương lĩnh Văn hoá đầu tiên của Đảng

Đề cương văn hoá Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) tháng 2.1943. Đề cương văn hoá Việt Nam được trình bày theo cấu trúc 5 phần, gồm: “Cách đặt vấn đề” (phần thứ nhất); “Lịch sử và tính chất văn hoá Việt Nam” (phần thứ hai); “Nguy cơ của văn hoá Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp” (phần thứ ba); “Vấn đề cách mạng văn hoá Việt Nam” (phần thứ tư) và “Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hoá mác xít Đông Dương và nhất là những nhà văn hoá mác-xít Việt Nam” (phần thứ năm).

Bản đề cương viết ngắn gọn, súc tích nhưng thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hoá dân tộc cần hướng đến. Đề cương khẳng định: “Mặt trận văn hoá là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hoá) ở đó người cộng sản phải hoạt động. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hoá nữa”.

Dựa trên quan điểm mác-xít, Đề cương văn hoá Việt Nam nêu ba nguyên tắc lớn trong cuộc vận động xây dựng nền văn hoá Việt Nam: dân tộc hoá (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hoá Việt Nam phát triển độc lập), đại chúng hoá (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hoá phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng) và khoa học hoá (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hoá trái khoa học, phản tiến bộ). Ba nguyên tắc trên luôn thống nhất, không thể tách rời, phản ánh đúng thực trạng và nhu cầu bức thiết của cuộc vận động văn hoá Việt Nam tại thời điểm đó.

Đề cương văn hoá nhấn mạnh: “Muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng văn hoá bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm...v.v... Nhưng đồng thời cũng phải chống xu hướng văn hoá quá trớn của bọn tờrốtkít”. Như vậy, có thể thấy bản “Đề cương văn hoá Việt Nam” thể hiện rõ tính khoa học và tính cách mạng sâu sắc.

Bản Đề cương hoá Việt Nam vạch rõ tính chất phản động trong chính sách văn hoá ngu dân của thực dân Pháp, nêu lên nguyên tắc dân tộc hoá, đại chúng hoá và khoa học hoá trong xây dựng nền văn hoá mới.

Đề cương văn hoá đã vũ trang những lý luận căn bản cho cán bộ hoạt động văn hoá - tư tưởng. Đề cương xác định văn hoá là một trong ba mặt trận cách mạng (chính trị, kinh tế và văn hoá).

Đề cương nêu rõ nguy cơ của nền văn hoá Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hoá; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hoá.

Đề cương văn hoá vạch ra phương hướng đấu tranh đúng đắn chống thực dân, phát xít, xây dựng đường lối văn hoá mới của Đảng, tập hợp các nhà văn hoá, trí thức để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đề cương văn hoá Việt Nam là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hoá, văn nghệ, phân tích đúng đắn tình hình đời sống văn hoá dưới ách Pháp - Nhật, vạch ra đường lối văn hoá cách mạng và những nhiệm vụ trước mắt, tiến tới xây dựng nền văn hoá dân tộc, nhân dân.

Năm 1943, Hội Văn hoá cứu quốc ra đời, cơ quan ngôn luận của Hội là Tạp chí Tiên Phong số 1 ra tháng 7.1944. Thời gian này, Đảng đề ra nhiệm vụ vận động tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên vào hàng ngũ cách mạng, không phân biệt thành phần, nguồn gốc, miễn có lòng yêu nước, thương nòi. Cũng chính từ bản đề cương - cương lĩnh về văn hoá nổi tiếng này của Đảng, nhiều văn nghệ sĩ, trí thức đã đi theo, hoà mình vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.

Tên tuổi của họ vang vọng đến hôm nay. Nhiều tác phẩm văn học, văn hoá, hội hoạ có giá trị nghệ thuật cao ra đời trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, ngoài tài năng của văn nghệ sĩ còn có phần tác động, dẫn đường của bản Đề cương văn hoá Việt Nam. Hiện nay, nhiều tác phẩm có giá trị ra đời trong thời kỳ này vẫn đang có mặt trong chương trình giáo dục phổ thông, đại học.

“Lấy hạnh phúc của đồng bào làm cơ sở”

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên sáu nhiệm vụ cấp bách của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong đó có hai nhiệm vụ cấp bách thuộc về văn hoá. Một, cùng với diệt giặc đói phải diệt giặc dốt, và hai, phải giáo dục tinh thần cho nhân dân. Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.

Trong bộn bề công việc của Nhà nước chống lại giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất khai mạc ngày 24.11.1946 tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội.

Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nền văn hoá mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”; “văn hoá liên lạc mật thiết với chính trị”; “phải làm thế nào cho văn hoá vào sâu trong tâm lý của quốc dân”.

“Văn hoá phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do”; phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hạnh phúc của mình nên được hưởng.

“Số phận dân ta là ở trong tay dân ta”. Người nêu chân lý “văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”... “Phải đem văn hoá lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”. Người nhấn mạnh: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá”. Như vậy, ngay từ buổi đầu xây dựng chế độ mới, văn hoá đã được xếp song song, ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội.

Đường lối văn hoá kháng chiến, kiến quốc tiếp tục hình thành và phát triển. Tháng 3.1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tài liệu “Đời sống mới” giải thích những vấn đề thiết thực trong đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về văn hoá.

Tháng 7.1948, tại Việt Bắc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ hai. Trong thư gửi các đại biểu tham dự hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc vĩ đại của dân tộc ta, văn hoá gánh một phần rất quan trọng.

Từ ngày chính quyền dân chủ thành lập đến nay, các nhà văn hoá ta đã cố gắng và đã có thành tích. Song từ nay trở đi chúng ta cần phải xây dựng một nền văn hoá kháng chiến kiến quốc của toàn dân.

Muốn đi đến kết quả đó, các nhà văn hoá ta cần tổ chức chặt chẽ và đi sâu vào quần chúng”. Tại đây, thay mặt Trung ương, Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày báo cáo quan trọng tại hội nghị với tên gọi “Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam”.

Báo cáo hệ thống hoá, cụ thể hoá và phát triển các quan điểm, nguyên tắc, phương châm của Đề cương văn hoá 1943 của Đảng, có giá trị như là Cương lĩnh văn hoá của Đảng thời kỳ kháng chiến, kiến quốc.

Sau sự kiện này 3 ngày, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc được tổ chức, thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, tiếp nối vai trò của Hội Văn hoá cứu quốc (thành lập năm 1943). Sau hai hội nghị quan trọng này, các lực lượng văn hoá, văn nghệ cùng toàn dân toàn quân nô nức đi vào cuộc kháng chiến với khẩu hiệu “Cách mạng hoá tư tưởng, quần chúng hoá sinh hoạt”.

Nhân triển lãm hội hoạ (năm 1951), trong thư gửi các hoạ sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”.

Người đánh giá cao vai trò xung kích của văn hoá, văn nghệ trong sứ mệnh giải phóng dân tộc. “Văn hoá, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”, cần đoàn kết tập hợp đội ngũ trí thức, những nhà văn hoá và toàn quân, toàn dân phấn đấu cho sự nghiệp “phò chính, trừ tà”, góp phần quan trọng vào việc nhân đạo hoá con người, cổ vũ con người vươn tới chân, thiện, mỹ.

Văn hoá phải “gắn liền với lao động, sản xuất, văn hoá xa đời sống, xa lao động là văn hoá suông”. Văn hoá phải thấu hiểu và đi sâu vào đời sống, “bày tỏ được cái tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp phát triển và nâng cao tinh thần ấy”.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục