Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tân Biên- Bốn thập kỷ hồi sinh và phát triển
Thứ tư: 20:26 ngày 02/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - 40 năm kể từ sau chiến tranh biên giới Tây Nam 7.1 (1979-2019), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Tân Biên đã bắt tay vào công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ vững quốc phòng an ninh.

Ký ức về một huyện biên giới nghèo nàn, lạc hậu sau chiến tranh ngày càng lùi xa, thay vào đó là những gam màu sáng ngày một rõ nét hơn trong bức tranh kinh tế-xã hội của Tân Biên hôm nay…

Ký ức đau thương

Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cách mạng chuyển sang giai đoạn mới, tình hình trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia nảy sinh những diễn biến phức tạp. Từ tháng 5 đến tháng 12.1975, Pol Pot đã gây ra 17 cuộc xung đột vũ trang qua biên giới Tây Ninh ở các điểm Lò Gò, Tà Nông, Chàng Riệc.

Ông Nguyễn Văn Sáu, nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Biên giai đoạn 1983-1989 kể về quá trình khôi phục, phát triển huyện sau chiến tranh biên giới Tây Nam.

Đêm 24 rạng 25.9.1977, chúng dùng một lực lượng tương đối lớn gồm Sư đoàn 3, 4, Trung đoàn 306 đặc nhiệm và quân địa phương vùng 20, 21, 23 đồng loạt tấn công một số khu vực thuộc hai huyện Tân Biên, Bến Cầu. Chúng tàn sát, đốt phá, cướp bóc một cách dã man, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Riêng ở xã Tân Lập, huyện Tân Biên, quân Pol Pot- Ieng Sary đã sát hại 506 người, làm 135 người bị thương, trong đó có 20 gia đình bị giết hại hoàn toàn.

Cho đến tận bây giờ, ký ức về đêm 24 rạng sáng 25.9.1977 đối với người dân xã Tân Lập vẫn chưa hết ám ảnh. Kể từ đó đến nay, hằng năm, ngày này trở thành ngày giỗ chung của xã Tân Lập.

Ông Nguyễn Văn Mạnh (70 tuổi), nguyên cán bộ thống kê xã Tân Lập giai đoạn 1972-1990 nhớ lại: “Khắp nơi đều là người chết. Nhiều căn hầm trú ẩn 16, 17 người bị chúng ném lựu đạn giết sạch, hơn 200 căn nhà bị đốt phá. Như  ấp Bảy Bàu, cả ấp có khoảng hơn 100 người thì có tới 94 người bị giết hại; 11 giáo viên trường tiểu học Tân Thành bị chúng hãm hiếp, sát hại, vứt xác xuống giếng… Bầu không khí tang thương bao trùm cả xã sau đêm ấy”.

Cũng theo lời kể của ông Mạnh, ngay sau đó, lực lượng của ta đã kịp thời ngăn chặn các đợt tấn công của Pôn Pốt. Đa số người già, trẻ em, phụ nữ ở khu vực biên giới nhanh chóng được sơ tán về sâu trong nội địa. Nhiều người dân Tân Lập vẫn quyết tâm ở lại bám đất, giữ làng, phối hợp cùng các lực lượng quân đội, công an ngày đêm đào đắp công sự, cắm chông, xây dựng hàng chục km tuyến phòng thủ biên giới.

Từ cuối năm 1978 đầu 1979, Tân Lập là một trong những xã trọng điểm xây dựng làng xã vừa chiến đấu bảo vệ sản xuất, vừa ổn định việc ăn ở của nhân dân, góp phần chiến thắng quân Pol Pot- Ieng Sary, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.  

Hồi sinh

Năm 1979 chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, huyện Tân Biên bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển với nhiều hậu quả nặng nề. Để có thông tin cụ thể hơn bối cảnh lịch sử thời điểm này, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Sáu (tức Sáu Giò), nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Biên giai đoạn 1983-1989.

Ông Sáu nay đã hơn 80 tuổi, sức khỏe ngày một yếu song vẫn còn khá minh mẫn. Ông kể: “Sau chiến tranh, cả huyện chỗ nào cũng có hố bom, nhiều bãi mìn chưa được gỡ bỏ tiếp tục gây thương vong cho người, gia súc.

Từ phương tiện, công cụ sản xuất cho đến lương thực thực phẩm đều thiếu thốn nghiêm trọng. 90% nhân dân, cán bộ, đảng viên của huyện phải thường xuyên ăn độn củ mì, bo bo, bắp; hằng năm hơn 10.000 nhân khẩu thiếu ăn, Nhà nước phải cứu trợ; 30% trẻ em độ tuổi đi học không được đi học…

Khó khăn là vậy, nhưng khi hàng ngàn người dân Campuchia chạy về Việt Nam qua địa phận tỉnh Tây Ninh lánh nạn diệt chủng, chúng ta vẫn sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, bố trí chỗ ăn, ở, cứu giúp họ trong lúc hoạn nạn”.

Di tích lịch sử khu chứng tích tội ác quân Khmer đỏ Pol Pot-Ieng Sary tại địa bàn xã Tân Lập, huyện Tân Biên.

Nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Biên Nguyễn Văn Sáu cho biết thêm: Mất khoảng gần 10 năm khôi phục kinh tế trong vô vàn khó khăn, đến đầu những năm 1990, cuộc sống người dân Tân Biên mới tạm ổn định. Diện tích trồng cao su, mì, mía dần tăng lên, hộ trồng ít thì 3-5 ha, hộ trồng nhiều lên tới hàng trăm ha. Đường giao thông, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc của các cơ quan được xây dựng lại. Năm 1990, 50% hộ dân Tân Biên đã có nhà mái tôn, mái thiếc thay cho nhà tranh vách đất trước đây; số hộ phải cấp phát gạo cứu đói giảm dần, tiến tới không còn hộ nào phải cứu đói nữa.

Riêng xã Tân Lập, năm 1976 toàn xã có gần 1.800 hộ với trên 10.100 nhân khẩu nhưng do biến động chiến tranh, năm 1990 chỉ còn 759 hộ với gần 3.700 nhân khẩu. Nhiều hộ dân sơ tán trong chiến tranh được vận động quay về xây dựng lại nhà cửa, khôi phục sản xuất. Năm 2012, thực hiện chương trình di dân, lập ấp, 300 hộ dân đến từ 6 huyện trong tỉnh Tây Ninh đã được vận động về xây dựng khu dân cư biên giới Chàng Riệc ở ấp Tân Khai, xã Tân Lập.

Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát (huyện Tân Biên).

Ông Trần Đình Bộ- Phó chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: “Năm 2018, Tân Lập có 2.600 hộ dân với trên 9.100 nhân khẩu sinh sống tại 5 ấp. Ngoài trồng cao su, mì, mía, nhiều hộ dân Tân Lập phát triển dịch vụ - thương mại, đời sống ngày một nâng lên. Xã Tân Lập được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) từ năm 2015. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, trụ sở làm việc, trung tâm văn hóa thể thao và học tập cộng đồng của xã được đầu tư khang trang. Toàn xã hiện chỉ còn 5 hộ nghèo, chiếm 0,19% tổng số hộ; 100% trẻ em trong độ tuổi mầm non, tiểu học, THCS đều được đến trường”.

Chuyển mình cùng đất nước

Từ một huyện biên giới nghèo nàn, lạc hậu, đến nay Tân Biên đã có những thành tựu đáng kể về kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh được giữ vững. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn một số ngành chủ yếu (giá so sánh 2010) năm 2018 đạt 9.536 tỷ đồng, đạt 100,97% kế hoạch, tăng 9,8% so cùng kỳ. Với lợi thế có nhiều cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế (Xa Mát, Tân Nam), Tân Biên là một trong những cửa ngõ giao thương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Việt Nam với Campuchia.

Cùng với kinh tế, các chương trình hợp tác giữa huyện Tân Biên với các huyện giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia được duy trì, hai bên phối hợp thực hiện tốt việc phân giới, cắm mốc. Đến nay, đã tiến hành cắm xong 30 cột mốc/30 vị trí, cắm xong 108/108 cột mốc phụ, phân giới được 92,5km/92,5km đường biên giới Việt Nam- Campuchia trên toàn tuyến biên giới huyện Tân Biên và 4 huyện Campuchia giáp biên.

Niềm vui đến trường của trẻ em xã Tân Lập, huyện Tân Biên.

Ông Trịnh Ngọc Phương- ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh, Bí thư Huyện ủy Tân Biên cho biết: Đại hội Đảng bộ huyện Tân Biên nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra 19 chỉ tiêu chủ yếu để thực hiện. Qua gần 3 năm triển khai, đến nay đã có 8/19 chỉ tiêu đạt, 5/19 chỉ tiêu đạt tiến độ, 6/19 chỉ tiêu chưa đạt. Đặc biệt, 3 khâu đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, phát triển nguồn nhân lực và cải cách hành chính được huyện chỉ đạo quyết liệt. Riêng về hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2020, toàn huyện đã đầu tư xây dựng 152/221 công trình, đạt 68,78% kế hoạch với tổng mức đầu tư 597 tỉ đồng; xã hội hóa xây dựng được 3 công trình với tổng mức đầu tư 15 tỉ đồng.

Tân Biên đã có 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, năm 2018, huyện tập trung đầu tư để xã Hòa Hiệp đạt chuẩn và phấn đấu đến năm 2021 trở thành huyện NTM. Theo Bí thư huyện ủy Trịnh Ngọc Phương, đây là nhiệm vụ khó khăn, cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Huyện sẽ củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo xây dựng NTM cấp huyện, xã; đổi mới công tác tuyên truyền, vận động người dân triển khai thực hiện hoàn thiện trước các tiêu chí, chỉ tiêu cần ít vốn.

Giai đoạn 2019-2021, huyện sẽ huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng thiết yếu, trọng điểm: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, Trung tâm Văn hóa và thể thao huyện. Bên cạnh đó, cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp, khuyến khích người dân phát triển các vùng cây ăn quả áp dụng công nghệ cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ở xã Thạnh Bắc, Thạnh Bình, Trà Vong, Mỏ Công, Tân Bình khoảng 300 ha; kêu gọi doanh nghiệp gắn kết với nông dân trong đầu tư sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Song song xây dựng NTM, thị trấn Tân Biên cũng được quy hoạch, xây dựng đồng bộ với các phân khu chức năng, các con phố rộng rãi, thông thoáng, hướng đến đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.

40 năm sau chiến tranh biên giới Tây Nam, diện mạo đô thị và NTM của Tân Biên ngày một khởi sắc. Đó là trang mới trong hành trình đi lên từ khó khăn, phát huy tiềm năng để phát triển của huyện biên giới này.  

Phương Thúy

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh