Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bố trí bí thư cấp uỷ không là người địa phương là chủ trương lớn đã được Ðảng đề ra lần đầu tiên trong Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25.1.2002 của Bộ Chính trị (khoá IX). Trên cơ sở các văn bản lãnh đạo, hướng dẫn của Trung ương, Kế hoạch 154-KH/TU ngày 7.10.2019 của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ Tân Biên đã thực hiện nghiêm túc và hiệu quả chủ trương này.
Bí thư Huyện uỷ Tân Biên Thành Từ Dũ (ở giữa) trò chuyện cùng các đại biểu lãnh đạo tỉnh dự Ðại hội đại biểu Ðảng bộ huyện Tân Biên lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Luân chuyển cán bộ, trong đó có việc bố trí bí thư cấp uỷ cấp huyện, cấp xã không là người địa phương được xem là giải pháp quan trọng nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ trong quy hoạch, có năng lực và triển vọng.
Chủ trương này được huyện Tân Biên thực hiện nghiêm túc, góp phần trao cơ hội để cán bộ rèn luyện, thử thách trong thực tiễn công tác tại cơ sở để phấn đấu, trưởng thành hơn. Ðồng thời tiếp tục khẳng định quyết tâm đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng Ðảng.
Cơ hội ðể cán bộ rèn luyện, trưởng thành
Ông Thành Từ Dũ- Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch HÐND thành phố Tây Ninh được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ trao quyết định luân chuyển, chỉ định bổ sung vào Ban Chấp hành, tham gia Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Huyện uỷ Tân Biên nhiệm kỳ 2015-2020 kể từ ngày 1.11.2019.
“Ðây là sự tin tưởng của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh và là trọng trách rất lớn đối với tôi. Khi về Tân Biên công tác, tôi nhận thấy môi trường mới có nhiều thuận lợi, quan trọng là bản thân phải có khả năng thích ứng tốt để phát huy được năng lực, sở trường, tiếp thu thêm những kiến thức, kinh nghiệm mới từ thực tiễn công tác mới.
Ðó là giúp tôi hiểu sâu hơn về vấn đề biên giới, biên cương, biên phòng và biên mậu, đặc biệt là công tác đối ngoại với nước bạn Campuchia, thôi thúc tôi tự học để có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Campuchia; tích cực đi cơ sở, gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm từ các thế hệ lãnh đạo đi trước để nâng cao khả năng lãnh đạo, điều hành của mình”- ông Thành Từ Dũ chia sẻ.
Không thể phủ nhận những thành tựu của huyện trong nhiệm kỳ 2015-2020 có dấu ấn của Bí thư Huyện uỷ mới. Rõ nét nhất là giữ vững bình yên vùng biên giới, đã và đang làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, duy trì sự đoàn kết, thống nhất cao trong tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện uỷ. Ðại hội Ðảng bộ huyện Tân Biên nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua, kết quả bầu cử chức vụ Bí thư Huyện uỷ, ông Thành Từ Dũ đạt tỷ lệ phiếu tín nhiệm tuyệt đối, 100%.
Không chỉ thực hiện ở cấp uỷ huyện, chủ trương bí thư cấp uỷ không là người địa phương đã được Tân Biên thực hiện nhiều năm nay ở các xã, thị trấn. Mỗi cán bộ được luân chuyển về cơ sở có thể coi như một “luồng gió mới” thay đổi phương pháp, phong cách làm việc, để cấp uỷ, chính quyền địa phương đó hoàn thành tốt hơn những nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó, tăng cường sự đoàn kết, dân chủ, tránh tình trạng nể nang, trì trệ, cục bộ địa phương.
Tại xã Tân Phong- địa bàn “nóng” về vấn nạn cờ bạc, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các mặt công tác Ðảng những năm trước chỉ đạt ở mức trung bình thì nay có nhiều chuyển biến tích cực, kể từ khi xã này có Bí thư Ðảng uỷ, Chủ tịch UBND xã được luân chuyển từ huyện về.
Bí thư Ðảng uỷ xã Tân Phong Nguyễn Hải Ninh (nguyên Bí thư Huyện đoàn Tân Biên) cho biết: “Tháng 7.2018, tôi được luân chuyển về xã, được chỉ định giữ chức Bí thư Ðảng uỷ xã nhiệm kỳ 2015-2020. Lúc mới nhận nhiệm vụ, tôi cũng rất lo lắng vì trước giờ công tác chuyên trách ở lĩnh vực Ðoàn Thanh niên.
Thời gian đầu, tôi xác định đây là thời gian mình tìm hiểu, học việc, thường xuyên đi cơ sở để nắm địa bàn, nhất là gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, xây dựng mối quan hệ gần gũi với đội ngũ bí thư chi bộ ấp và nghiên cứu thêm nhiều loại văn bản, quy định của Ðảng, Nhà nước.
Tôi vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm trong công tác tập hợp, vận động từ khi còn làm công tác Ðoàn để áp dụng cho một số nhiệm vụ dân vận ở địa phương. Rất may mắn là những người đi trước, các cô chú ở xã, ở ấp luôn giúp đỡ tận tình”.
Bí thư Ðảng uỷ xã Tân Phong Nguyễn Hải Ninh cho biết thêm: “Nhiệm vụ trọng tâm mà tôi nhận thấy phải làm ngay là củng cố lại Ban Chấp hành Ðảng bộ xã, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất giữa các thành viên trong cấp uỷ. Song song đó là lãnh đạo xã duy trì tốt các tiêu chí nông thôn mới (NTM) và NTM nâng cao.
Ðối với vấn đề nổi cộm về tình trạng đánh bạc, tôi đã có nhiều cuộc làm việc với lãnh đạo Công an xã, đưa ra các giải pháp để thực hiện. Tuy nhiên qua gần một năm theo dõi, nhận thấy không hiệu quả, một phần là do năng lực, trách nhiệm của trưởng Công an xã không đạt yêu cầu, xã đã có hướng đề xuất thay người khác.
Rất trùng hợp thời gian này Công an tỉnh thực hiện đề án đưa Công an chính quy về xã, Tân Phong có 5 Công an chính quy về phụ trách địa bàn. Bằng các biện pháp nghiệp vụ và sự phối hợp chặt chẽ với Công an huyện, trong năm 2020, Tân Phong đã triệt phá được 17 vụ đánh bạc lớn, nhỏ trên địa bàn xã, giữ vững an ninh trật tự. Các chỉ tiêu Nghị quyết về nhiệm vụ năm 2020 về kinh tế - xã hội và xây dựng Ðảng đều đạt và vượt; xã đạt 13/16 tiêu chí NTM nâng cao”.
Bí thư Ðảng uỷ xã Hoà Hiệp (Tân Biên) Nguyễn Văn Dương tặng quà chúc mừng Tết Sen Dolta đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn xã.
Hiệu quả công việc là thước đo đánh giá cán bộ
Bố trí bí thư cấp uỷ không là người địa phương là chủ trương lớn đã được Ðảng đề ra lần đầu tiên trong Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25.1.2002 của Bộ Chính trị (khoá IX). Trên cơ sở các văn bản lãnh đạo, hướng dẫn của Trung ương, Kế hoạch 154-KH/TU ngày 7.10.2019 của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ Tân Biên đã thực hiện nghiêm túc và hiệu quả chủ trương này.
Ông Võ Hồng Sang- Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ Tân Biên cho biết, Tân Biên đã thực hiện chủ trương bố trí cấp uỷ không là người địa phương ở 9/10 xã, thị trấn, còn duy nhất xã Trà Vong chưa thực hiện.
Trong công tác cán bộ, cùng với công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, Huyện uỷ đã xây dựng kế hoạch luân chuyển, cân nhắc bố trí phù hợp để cán bộ trẻ phát huy tốt năng lực, sở trường ở từng địa phương nơi họ về công tác.
Việc luân chuyển giúp cho cán bộ có trải nghiệm công tác thực tế ở cơ sở để bao quát được các địa bàn dân cư cụ thể, các vấn đề phát sinh ở cơ sở, giúp cho quá trình phát triển, trưởng thành sau này.
Khi không là người địa phương, cán bộ có khả năng khái quát một cách khách quan hơn các vấn đề nổi cộm và định hướng phát triển của địa phương đó. Ðặc biệt, người cán bộ ít bị áp lực bởi vấn đề người thân quen, họ hàng, từ đó đưa ra định hướng cho địa bàn đó phát triển về kinh tế - xã hội, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ cơ quan.
Ở chiều ngược lại, cán bộ luân chuyển phải luôn ý thức được việc đi cơ sở là để bám, nắm địa bàn, phát huy năng lực, sở trường để hoàn thành nhiệm vụ được giao- nhất là phải có nhiều sáng kiến, những đột phá trong cách làm, cách tư duy.
“Mỗi xã, thị trấn sẽ có một nhiệm vụ trọng tâm- nhất là việc xây dựng nghị quyết cũng như trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo bí thư cấp uỷ phải căn cứ vào tình hình thực tế và có sản phẩm, kết quả cụ thể.
Hiệu quả công việc là thước đo đánh giá cán bộ. Qua theo dõi những cán bộ luân chuyển về địa phương làm bí thư cấp uỷ, Ban Tổ chức Huyện uỷ thấy hầu hết đều phát huy tốt năng lực, sở trường công tác, góp phần vào sự phát triển của địa phương.
Kết quả bầu cử tại Ðại hội Ðảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua, 100% bí thư cấp xã đều đạt số phiếu rất cao, thể hiện sự tín nhiệm của các đảng viên đối với bí thư Ðảng uỷ không phải là người địa phương”, Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ Tân Biên Võ Hồng Sang đánh giá.
Kế hoạch số 154-KH/TU của Tỉnh uỷ nêu mục tiêu cụ thể: “Thực hiện nhất quán việc bố trí bí thư cấp uỷ cấp huyện, cấp xã không là người địa phương để đến năm 2025, cơ bản hoàn thành ở cấp huyện, cấp xã; khuyến khích bố trí các chức danh chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã và trưởng Công an, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, chánh án Toà án nhân dân cấp huyện không là người địa phương”.
Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh và những hiệu quả tích cực từ mô hình này, Huyện uỷ Tân Biên đang xây dựng kế hoạch thực hiện bố trí đảm bảo 100% bí thư cấp uỷ cấp xã không là người địa phương trong nhiệm kỳ 2020-2025, và từng bước bố trí các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các địa phương, ở một số ngành không phải là người địa phương như chỉ đạo của Tỉnh uỷ.
Phương Thuý