Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trước kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh, cử tri kiến nghị một số vấn đề liên quan đến việc xây dựng, bảo vệ, khai thác di tích lịch sử, văn hoá để cải thiện chất lượng hoạt động, chất lượng phục vụ khách tham quan, đồng thời góp phần giáo dục lòng yêu nước.
Dấu tích công trình kiến trúc đền tháp có niên đại hơn 1.000 năm, thuộc giai đoạn hậu Óc-eo được khai quật tại Khu di tích lịch sử - văn hoá Bến Đình năm 2019. (Ảnh minh hoạ: Tâm Giang)
Cử tri xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên kiến nghị ngành chức năng xem xét có phương án xây dựng bia tưởng niệm các chiến sĩ Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 đã hy sinh tại địa bàn huyện này.
UBND tỉnh thông tin, ngày 7.6.2023, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc họp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND huyện Tân Biên, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 và Ban Liên lạc truyền thống cựu chiến binh Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 để thống nhất về nội dung đề nghị xây dựng đài tưởng niệm ghi danh 84 liệt sĩ tại trận đánh cầu Cần Đăng làm cơ sở báo cáo UBND tỉnh. Tại cuộc họp, Ban Liên lạc xin bổ sung thêm 9 liệt sĩ, nâng tổng số liệt sĩ hy sinh tại trận đánh cầu Cần Đăng lên 93 người.
Ngày 22.9.2023, Sở VH,TT&DL tiếp tục tổ chức cuộc họp về việc xây dựng đài tưởng niệm ghi danh các liệt sĩ tại trận đánh cầu Cần Đăng và đề nghị UBND huyện Tân Biên liên hệ với Ban Liên lạc truyền thống cựu chiến binh Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 để thống nhất tên gọi, vị trí, thời gian xây dựng; đề xuất nguồn kinh phí hỗ trợ gửi về Sở VH,TT&DL để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất UBND tỉnh xem xét việc xây dựng đài tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong trận đánh cầu Cần Đăng theo đúng quy định.
Ngoài ra, cử tri cũng đề nghị ngành chức năng sớm cho ý kiến về việc khoanh vùng Khu di tích Bến Đình và xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số hộ dân đang sinh sống trong khu di tích này (7,8 ha). Vấn đề này, ngày 19.6.2015, Chủ tịch UBND huyện Bến Cầu đã có Tờ trình số 86/TTr-UBND về việc đề nghị điều chỉnh diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích thành bảo và di tích Bến Đình gửi Sở VH,TT&DL. Qua khảo sát, ngày 12.8.2015, Sở đã cho ý kiến về việc điều chỉnh diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích thành bảo, còn Khu di tích Bến Đình hiện nay vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi.
UBND tỉnh trả lời, di tích Bến Đình là loại hình di tích khảo cổ được Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng năm 1998. Trong đó, tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ là 78.000m2. Trên cơ sở đề nghị của UBND huyện Bến Cầu tại Báo cáo số 428/BC-UBND ngày 15.7.2022 về tổng kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng cho các hộ dân ở khu vực di tích Bến Đình, Sở VH,TT&DL đã tổng hợp, có Văn bản số 1008/SVHTTDL-QLVHGD ngày 20.4.2023 lấy ý kiến Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường về dự thảo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đền bù giải phóng mặt bằng, khai quật, tôn tạo di tích Bến Đình. Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị, Sở VH,TT&DL đang phối hợp với UBND huyện Bến Cầu và các đơn vị liên quan thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm đầu tư tập trung, có hiệu quả.
Cử tri xã Thanh Điền, huyện Châu Thành kiến nghị ngành chức năng mở cửa cho người dân tham quan các khu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, không nên để tình trạng các khu di tích đóng cửa như hiện nay gây lãng phí đầu tư, không phát huy được vai trò giáo dục lịch sử, truyền thống cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ngày 27.11.2019, UBND tỉnh có Quyết định số 50/2019/QĐ-UBND ban hành quy định về phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Quyết định này giao cho UBND cấp huyện, thị xã, thành phố và cấp xã, phường, thị trấn thực hiện công tác bảo tồn, phát huy di tích tại địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây (2019-2021), dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc mở cửa phục vụ khách tham quan tại các di tích phải phù hợp với tình hình chung của tỉnh. Để phát huy giá trị di tích, hằng năm, ngành VH,TT&DL đã thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các di tích trên địa bàn tỉnh, kịp thời chỉ đạo tốt công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích kết hợp với du lịch, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Việt Đông