Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thời gian qua, nhiều hầm đất ở Tân Biên sau khi khai thác xong không đóng cửa mỏ, rào chắn, cảnh báo... dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn, UBND huyện Tân Biên đã và đang tăng cường công tác quản lý các hầm mỏ, hố sâu sau khai thác, khu vực có hầm hố sâu dạng “da beo” do khai thác từ rất lâu trên địa bàn huyện.
Theo UBND huyện Tân Biên, các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất khai thác vào mục đích khác hoặc chuyển nhượng nhưng chưa thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ trên địa bàn huyện phải lập thủ tục đóng cửa mỏ theo Điều 73 và Điều 74 Luật Khoáng sản năm 2010. Nội dung Đề án đóng cửa mỏ phải đảm bảo đúng Thông tư số 45/2016/TT-BTNMT ngày 26/12/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
UBND huyện Tân Biên yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện, tập trung vào công tác bảo vệ môi trường trong khai thác; kiên quyết dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, xử lý nghiêm hoạt động khai thác, buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép; rà soát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực theo quy định.
Còn nhiều hầm khai thác đất chưa thực hiện đúng các quy định trên địa bàn.
Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản và người dân địa phương đang quản lý khu vực có hầm, hố sâu dạng “da beo” do khai thác từ rất lâu. Triến khai thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông và bao vệ lòng, bờ, bãi sông.
Công an huyện Tân Biên ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, đặc biệt là khoáng sản cát, sỏi lấy từ lòng sông trên địa bàn. Nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, khai thác khoáng sản trái phép.
UBND các xã, thị trấn trực tiếp giám sát tất cả các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn quản lý. Kiểm tra lập biên bản, yêu cầu chủ mỏ sau khai thác, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản và người dân địa phương dang quản lý khu vực có hầm, hố sâu chưa thực hiện biện pháp bảo đám an toàn xung quanh phải thực hiện các biện pháp đảm bảo và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm. Trường hợp không có tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng, địa phương lập danh sách, dự toán chi phí cải tạo phục hồi môi trường, hướng xử lý trình UBND huyện xem xét để đưa các mỏ về trạng thái an toàn.
Hiện trên địa bàn huyện Tân Biên có 82 vị trí mỏ cũ đã ngừng khai thác, tổng diện tích 87,8 ha. Trong đó, có 10 vị trí do địa phương quản lý, 72 vị trí thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, vẫn còn một số vị trí chưa thực hiện đúng quy định theo phương án cải tạo phục hồi môi trường, lập hàng rào bảo vệ để đảm bảo an toàn.
Tâm Giang