Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tân Châu: Đa dạng hoá sinh kế để giảm nghèo bền vững
Thứ sáu: 08:23 ngày 06/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các mô hình sinh kế hỗ trợ từ dự án “Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” đã và đang giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tại huyện Tân Châu có thêm cơ hội phát triển sản xuất và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Trịnh Đình Hà- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Châu (bìa trái) trao phương tiện sinh kế cho đại diện hộ chị Trần Thị Huệ

Dự án “Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” (Dự án 2) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được triển khai nhằm hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định). Dự án không chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ mà còn khơi dậy tinh thần tự lực, tạo động lực để các đối tượng thụ hưởng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và hướng tới sự bền vững trong công tác giảm nghèo.

Tại huyện Tân Châu, việc thực hiện Dự án 2 đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Các mô hình sinh kế hiệu quả được triển khai đã tạo nên những chuyển biến rõ nét trong công tác giảm nghèo. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn huyện có 198 hộ nghèo và 463 hộ cận nghèo. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Với sự lãnh đạo toàn diện của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và chỉ đạo sát sao từ Ban Thường vụ Huyện uỷ, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân trong huyện đã cùng chung tay thực hiện Chương trình.

UBND huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Tân Châu giai đoạn 2021-2025; thành lập Tổ thẩm định các dự án Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025. UBND huyện ban hành kịp thời các kế hoạch và văn bản chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn, nhằm triển khai hiệu quả Chương trình.

Công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo được thực hiện đúng quy định, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo, các hộ nghèo được phân loại theo các tiêu chí như thu nhập, thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản hoặc điều kiện lao động để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Hằng tháng, quý, năm, huyện đều tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả thực hiện Chương trình. Cách làm này đã bảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, đồng thời nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình.

Giai đoạn 2023-2024, huyện Tân Châu được phân bổ hơn 4 tỷ 685 triệu đồng. Trong đó, năm 2023 là 3 tỷ 118,8 triệu đồng và năm 2024 hơn 1 tỷ 566 triệu đồng. Huyện thực hiện 17 mô hình giảm nghèo và dự án phát triển sản xuất, bao gồm 14 mô hình nông nghiệp và 3 mô hình phi nông nghiệp. Các mô hình này thu hút sự tham gia của 208 hộ, trong đó có 21 hộ nghèo, 80 hộ cận nghèo, 87 hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng, 20 người khuyết tật không có sinh kế ổn định, cùng 17 hộ làm kinh tế giỏi. Tính đến nay, giải ngân đạt 98,6% và dự kiến sẽ hoàn thành 100% vào cuối năm 2024.

Công tác giảm nghèo tại Tân Châu không chỉ dừng ở việc cung cấp, hỗ trợ vật chất mà còn chú trọng nâng cao năng lực cho người dân. Cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp được bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cần thiết. Chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, động viên người dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, từ đó gia tăng hiệu quả các dự án.

Tại thị trấn Tân Châu, những mô hình phi nông nghiệp phù hợp với đặc thù khu vực đã trở thành điểm sáng, mang lại cơ hội thoát nghèo, cải thiện thu nhập cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, điển hình là trường hợp của chị Trần Thị Huệ và gia đình anh Phạm Thanh Vũ, những người đã thay đổi cuộc sống nhờ sự hỗ trợ từ dự án.

Chị Trần Thị Huệ, 40 tuổi, ngụ khu phố 1, từng là một trong những hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Gia đình có 5 người phải chật vật mưu sinh, trong khi chị thường xuyên đau ốm, còn chồng chị chỉ đủ sức bán vé số để nuôi ba con nhỏ. Nhưng vào năm 2023, cuộc sống của gia đình chị có bước ngoặt khi được dự án hỗ trợ mua tủ kính, bếp nướng, bàn ghế và quầy bán hàng để mở một quán cháo chay nhỏ. “Quán giúp gia đình tôi có thêm thu nhập, cuộc sống bớt khó khăn hơn. Đó cũng là động lực để tôi cố gắng vươn lên, mong một ngày không còn phải mang danh hộ nghèo nữa”- chị Huệ chia sẻ.

Gia đình anh Phạm Thanh Vũ, ngụ khu phố 2, cũng có những thay đổi tích cực nhờ sự hỗ trợ của dự án. Là thợ hồ với thu nhập bấp bênh, anh Vũ từng loay hoay trong vòng xoáy thiếu thốn dù luôn nỗ lực làm việc. Năm 2023, gia đình anh được hỗ trợ 23 triệu đồng để mua máy trộn hồ, máy cắt gạch, khoan điện, xe rùa, giàn giáo...

Những công cụ này không chỉ giúp anh chủ động hơn trong công việc mà còn mở ra cơ hội mới, từ một người làm thuê, anh Vũ trở thành ông thầu nhỏ, nhận các công trình riêng. “Nhờ có thiết bị, tôi có thêm việc làm, thu nhập ổn định hơn. Gia đình cũng đỡ khó khăn hơn trước”- anh Vũ tâm sự. Với nỗ lực không ngừng, từ một hộ cận nghèo năm 2023, đến tháng 11.2024, gia đình anh đã chính thức thoát khỏi diện cận nghèo.

Ông Trịnh Đình Hà- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Châu cho biết: “Dự án giảm nghèo tại địa phương được triển khai với phương châm lấy nhu cầu của người dân làm trung tâm. Chúng tôi không áp đặt việc mua sắm dụng cụ hay vật tư, mà để người dân tự lựa chọn dựa trên nhu cầu và thế mạnh của mình. Giá cả được tính theo giá thị trường và có sự xác nhận của UBND thị trấn để bảo đảm minh bạch và hiệu quả”.

Ông Trịnh Đình Hà- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Châu (thứ 2 từ trái sang) trao phương tiện sinh kế cho hộ anh Phạm Thanh Vũ.

Chứng kiến những thay đổi tích cực trong cuộc sống của người dân, ông Hà bày tỏ niềm vui: “Hỗ trợ giảm nghèo không chỉ giúp bà con cải thiện thu nhập mà còn tạo động lực để họ tự tin vươn lên. Các trường hợp như chị Huệ và anh Vũ là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của dự án, cũng là mục tiêu mà chúng tôi luôn hướng tới”.

Tại xã Tân Thành, các mô hình chăn nuôi bò sinh sản đã phát huy hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế nông thôn. Nhờ có thể sử dụng nguồn lao động các độ tuổi, tận dụng thời gian nhàn rỗi, công việc chăm sóc đơn giản, các hộ gia đình có cơ hội cải thiện thu nhập mà không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp.

Bà Trần Thị Thảo, ngụ ấp Đồng Kèn 1, thuộc hộ nghèo, sức khoẻ kém và hoàn cảnh khó khăn. Nhờ được hỗ trợ một con bò sinh sản, gia đình bà đã có cơ hội phát triển kinh tế. Từ bê con đầu tiên, gia đình bà Thảo bán để mua thêm một con bò mẹ.

Hiện nay, cả hai con bò đều đang mang bầu, dự kiến sẽ có thêm bê con trong thời gian tới. Bà Thảo chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật từ cán bộ địa phương, gia đình chăm sóc bò phát triển rất tốt, là nguồn tài sản lớn đối với gia đình tôi. Ngoài ra, gia đình tôi còn nuôi thêm vịt, gà để tăng thu nhập. Nhờ vậy, cuộc sống đã bớt khó khăn hơn, tôi hy vọng sẽ sớm thoát nghèo”.

Ông Trần Văn Rạnh, ấp Đồng Kèn 2, thuộc diện hộ nghèo, hai vợ chồng mót mủ cao su để bán, nhưng thu nhập không ổn định. Vợ ông sức khoẻ yếu, không thể lao động nặng, hai vợ chồng trông chờ chủ yếu vào công việc lao động phổ thông này để trang trải cuộc sống.

Khi được hỗ trợ 1 con bò sinh sản từ dự án, ông Rạnh chia sẻ: “Tôi cố gắng chăm sóc bò thật tốt, tuân thủ đúng hướng dẫn của cán bộ thú y. Nhờ chăm sóc kỹ lưỡng và đúng kỹ thuật, bò phát triển nhanh. Với đà này, không lâu nữa bò sẽ sinh sản, mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn cho gia đình”.

Gia đình ông Huỳnh Cao Hải, ngụ tại ấp Tân Thuận thuộc diện hộ mới thoát nghèo, sống trong căn nhà tạm trên đất lâm nghiệp. Hộ có 5 người gồm hai vợ chồng và ba con nhỏ. Ông Hải làm phụ hồ, thu nhập bấp bênh, vợ ông ở nhà nội trợ và nhận thêm việc bóc hạt điều thuê.

Nhờ dự án hỗ trợ 1 con bò, gia đình ông đã tích cực chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Bò đẻ được một bê con, sau đó gia đình bán bê mua thêm một con bò mẹ. Hiện tại, gia đình đã có 2 con bò mẹ, cả hai đều đang mang bầu. Ông Hải chia sẻ: “Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, bò phát triển tốt. Thấy công việc này thuận lợi, vợ chồng tôi dự định vay thêm vốn để mua thêm bò, tận dụng nguồn cỏ sẵn có để mở rộng đàn, nâng cao thu nhập gia đình”.

Việc triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế không chỉ dựa trên nhu cầu thực tế của người dân mà còn được chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng. Hiệu quả từ các mô hình này đã thúc đẩy nhiều hộ dân mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Những kết quả đạt được không chỉ khẳng định hiệu quả của nguồn vốn hỗ trợ mà còn cho thấy sức mạnh từ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và người dân trong công tác giảm nghèo.

Ông Phạm Tấn Lợi- Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Châu chia sẻ: “Xuất phát từ việc lắng nghe và đánh giá nhu cầu của người dân, chúng tôi đã triển khai hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.

Đến nay, nhiều mô hình bước đầu mang lại hiệu quả, giúp các hộ có thêm điều kiện phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ tiếp cận nguồn vốn, con giống, kỹ thuật chăn nuôi từ các dự án, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, khơi dậy tinh thần tự lực của người dân, đồng thời đẩy mạnh triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Từ các chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, công tác giảm nghèo tại huyện được triển khai hiệu quả. Các chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, đến tận tay từng hộ gia đình, tạo cơ hội và động lực để hộ nghèo, cận nghèo có vốn sản xuất, việc làm ổn định, dần cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện”.

Trong 2 năm qua, huyện Tân Châu đạt và vượt kế hoạch giảm nghèo được giao. Kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo năm 2024 cho thấy tổng số hộ nghèo và cận nghèo của huyện giảm còn 260 hộ/716 người, chiếm 0,68%, giảm 60 hộ so với năm 2023. Cụ thể, số hộ nghèo giảm còn 42 hộ/98 người, chiếm 0,11%, giảm 18 hộ; số hộ cận nghèo còn 218 hộ/618 người, chiếm 0,57%, giảm 42 hộ. Đặc biệt, huyện Tân Châu đã vượt chỉ tiêu giảm nghèo được UBND tỉnh giao (giảm 12-17 hộ) và đạt mục tiêu Nghị quyết HĐND huyện đề ra (giảm 16-20 hộ nghèo).

Các mô hình sinh kế hỗ trợ từ dự án “Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” đã và đang giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tại huyện Tân Châu có thêm cơ hội phát triển sản xuất và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Sông Hương

Tin cùng chuyên mục