Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tân Châu: “Lỗi hẹn” 2 dự án kênh tiêu
Chủ nhật: 23:00 ngày 07/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hướng tới việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng nông nghiệp cao, tỉnh đã đầu tư 3 dự án kênh tiêu là Hội Thành, Hội Thạnh và Tân Phú - Tân Hưng, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trước mùa mưa năm 2020. Tuy nhiên đến nay, chỉ có dự án Hội Thành là có thể hoàn thành, còn hai dự án Hội Thạnh và Tân Phú - Tân Hưng gặp nhiều khó khăn, đành “lỗi hẹn”.

Một đoạn dự án kênh tiêu Hội Thạnh.

Thời gian qua, nhằm giải quyết tình trạng ngập úng tại một số địa điểm ở huyện Tân Châu vào mùa mưa; hướng tới việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng nông nghiệp cao, tỉnh đã đầu tư 3 dự án kênh tiêu là Hội Thành, Hội Thạnh và Tân Phú - Tân Hưng, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trước mùa mưa năm 2020. Tuy nhiên đến nay, chỉ có dự án Hội Thành là có thể hoàn thành, còn hai dự án Hội Thạnh và Tân Phú - Tân Hưng gặp nhiều khó khăn, đành “lỗi hẹn”.

Niềm mong mỏi của người dân

Tại xã Tân Hội, cứ mùa mưa đến, hơn 1.000 ha đất bị ngập, ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất, chất lượng cây trồng. Trước đây, người dân trồng lúa nước nhưng chủ yếu dựa vào thời tiết. Mưa lớn vài cây coi như mất trắng.

Khoảng sau thập niên 1990, trên địa bàn bắt đầu xây dựng một số nhà máy chế biến cao su, mía, khoai mì, vùng đất này có những bước chuyển mình đáng kể, người dân chuyển đổi từ trồng lúa nước sang trồng các loại cây có thế mạnh, đặc biệt là mía.

Tuy nhiên, cũng vì đất thấp lại bị ngập nên năng suất mía ở đây không cao bằng những nơi khác, chỉ đạt trung bình khoảng 40 tấn/ha. Đến khi giá trị cây mía xuống thấp, tuỳ theo địa thế từng thửa đất, người dân tự cải tạo móc mương thoát nước, lên liếp chuyển sang trồng cao su hoặc mì.

Do đất bị ngập nên người dân trồng mì chỉ được trong khoảng thời gian khoảng 4-7 tháng, vừa đổ mưa là phải thu hoạch sớm nếu không muốn mất trắng. Vì vậy, mì chưa đủ chữ, giá bán không cao.

Để khắc phục những yếu tố bất lợi của vùng đất trũng thấp, người dân áp dụng nhiều giải pháp như cải tạo đất, chuyển đổi cây trồng. Tuy đời sống khá hơn một chút, nhưng vẫn có trường hợp phải bán đất. Chính vì thế, chính quyền xã kiến nghị xây dựng tuyến kênh chống ngập úng trên địa bàn.

Trước đây, huyện, tỉnh quan tâm ghi vốn nhưng nguồn vốn có hạn, không đủ để thực hiện dự án. Do đó khi hai dự án kênh tiêu Hội Thành, Hội Thạnh được tỉnh triển khai vào năm 2018, dự kiến đưa vào hoạt động trước mùa mưa năm 2020, người dân nơi đây vui mừng khôn xiết.

Ông Lê Văn Tố, lên lập nghiệp tại ấp Hội Thạnh từ năm 2000 cho biết, khu vực này trước đây ngập rất nặng, đặc biệt là khu vực dân cư gần đường 793. Sau này, tình hình có cải thiện, nhưng vẫn ảnh hưởng khá nhiều đến sản xuất nông nghiệp, người dân chỉ trồng cao su, mì, chưa mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như bưởi, cam…

Khi dự án được khởi công, người dân địa phương rất phấn khởi, đồng tình ủng hộ, bởi họ nhận thức được hai tuyến kênh này sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống cho nhân dân, đồng thời từng bước hoàn thiện chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Theo một người dân địa phương, đến thời điểm hiện tại, chỉ có dự án kênh tiêu Hội Thành được hoàn thành đưa vào sử dụng kịp vào mùa mưa năm nay. Còn kênh tiêu Hội Thạnh, do chưa có mặt bằng thi công, đành phải “lỗi hẹn”, người dân khu vực này vẫn phải chịu cảnh ngập thêm một mùa mưa nữa.

Tương tự, hai xã Tân Phú và Tân Hưng có địa hình tương đối bằng phẳng và hơi dốc về phía Nam. Tại hai địa phương có kênh tưới tiêu Tân Hưng, kênh tiêu Thạnh Đông và bàu Châu É. Riêng tại khu vực bàu Tà Mun và trảng Đồng Bò, giữa xã Tân Hưng và Tân Phú, cặp theo đường tỉnh 785 có địa hình trũng thấp, thường xuyên bị ngập úng vào mùa mưa do chưa có hệ thống tiêu thoát nước.

Khu vực này chỉ có mương đào từ bàu Tà Mun đến liên xã TP10 thuộc xã Tân Phú và từ UBND xã Tân Hưng đến đường liên xã THU02. Hai tuyến kênh này do nhà máy đường Bourbon đầu tư, chỉ giải quyết tiêu úng cục bộ trong khu vực bàu Tà Mun và trảng Đồng Bò, không có trục kênh chính thoát ra sông, suối tự nhiên nên không tiêu thoát triệt để, gây ngập úng thường xuyên, ảnh hưởng đến sản xuất, giao thông đi lại và ô nhiễm môi trường cho khu dân cư cặp hai bên tỉnh lộ 785.

Do thiếu hệ thống kênh tiêu nên vào mùa mưa, nước ngập hai bên cánh đồng, có những năm tràn ra đường 785, gây ảnh hưởng sản xuất, đi lại của người dân. Năm 2018, tỉnh đã đầu tư xây dựng dự án kênh tiêu Tân Phú - Tân Hưng, nhằm giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả cao, phát triển kinh tế, xã hội.

Bên cạnh đó, dự án hoàn thành sẽ giải quyết ô nhiễm môi trường khu dân cư hai bên đường ĐT.785 thuộc xã Tân Phú và Tân Hưng; tạo công ăn việc làm, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân địa phương. Dự kiến, dự án cũng sẽ được đưa vào sử dụng trước mùa mưa năm nay. Thế nhưng, theo phản ánh của người dân, đến nay, nhiều hạng mục của dự án chưa được thi công.

Chậm hoàn thành do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng

Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp, dự án kênh tiêu Hội Thạnh không thể hoàn thành như dự kiến do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, công tác đền bù (GPMB) được thực hiện kể từ tháng 1.2018.

Tháng 2.2019, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tân Châu (TTPTQĐ) ký với Ban Quản lý dự án kế hoạch thực hiện công tác đền bù GPMB đến 20.8.2019 chi trả xong và bàn giao mặt bằng. Theo kế hoạch này, đến ngày 5.5.2019, Ban Quản lý sẽ bàn giao hồ sơ đo đạc đã được nghiệm thu của Sở TN&MT cho TTPTQĐ huyện Tân Châu.

Tuy nhiên đến ngày 31.7.2019, Ban Quản lý mới bàn giao đầy đủ hồ sơ, với lý do ngày 24.5.2019 Sở TN&MT mới ký biên bản nghiệm thu TH2 và TH2-1; ngày 20.6.2019 Sở TN&MT mới ký biên bản nghiệm thu TH2-2.

Giai đoạn này chậm do Công ty đo đạc phải phối hợp với UBND xã rà soát chỉnh sửa hoàn thiện hồ sơ chủ thửa đất thực tế và trong sổ mục kê của UBND xã quản lý sai, khác nhau vì xã chưa cập nhật kịp vào sổ mục kê, sau khi rà soát thống nhất UBND xã mới ký lại phụ lục. Một lý do nữa là, TTPTQĐ huyện thuê đơn vị tư vấn giá điều tra giá nhưng đơn vị này làm quá chậm, đến hết ngày 31.12.2019 vẫn chưa trình phê duyệt giá đất.

Từ ngày 1.1.2020, UBND tỉnh ban hành giá đất mới nên TTPTQĐ thuê đơn vị tư vấn điều tra lại giá đất. Đơn vị này làm quá chậm, nhiều lần hứa giao hồ sơ nhưng không nộp đúng hạn và không nộp hồ sơ chứng thư thẩm định giá đúng hạn. Theo báo cáo của TTPTQĐ huyện, đến ngày 3.6.2020, đơn vị tư vấn giá mới nộp đầy đủ hồ sơ. Hội đồng đền bù huyện Tân Châu đã trình UBND tỉnh phê duyệt giá.

Thi công dự án kênh tiêu Hội Thạnh.

Theo kế hoạch GPMB lập lần 3, đến khoảng 20.7.2020 mới có thể chi trả xong tiền đền bù và bàn giao mặt bằng triển khai thi công đào kênh. Đây là thời điểm mùa mưa, không thể thi công và vận chuyển đất ra ngoài vì tuyến kênh tiêu bị ngập nước, dự án khó có thể hoàn thành như đã hẹn. Mặt khác, đến nay vẫn còn 6 hộ dân khiếu nại chưa đồng ý nhận tiền đền bù để bàn giao mặt bằng thi công.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng nông nghiệp tỉnh, việc chậm công tác GPMB so với kế hoạch tiến độ chủ yếu chậm do nhiều khâu điều tra hiện trạng, lập phương án, lập chứng thư giá, thẩm định giá gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do “cơn sốt” về đất đai trên phạm vi cả nước nói chung và địa bàn tỉnh nói riêng, hiện tại giá đất giao dịch trung bình là rất cao. Vì vậy, chi phí bồi thường tăng, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, tức điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng phải trình phê duyệt theo trình tự.

Đối với dự án kênh tiêu Tân Phú - Tân Hưng, việc giải quyết số hộ còn lại và phê duyệt phương án di dời điện chậm trễ có thể đến hết tháng 6.2020 mới có thể bàn giao mặt bằng, ngay vào mùa mưa nên không thể thi công, không thể hoàn thành như dự kiến.

Từ khi bắt đầu triển khai dự án cho đến nay, UBND huyện Tân Châu thường xuyên chỉ đạo các Phòng của huyện, TTPTQĐ và UBND xã phối hợp với Ban Quản lý dự án và nhà thầu thi công tổ chức vận động một số hộ dân và tổ chức đồng ý cho thi công trước các công trình trên kênh và một số đoạn kênh, nên đã thi công các công trình trên kênh và một số đoạn kênh.

Do đó, sau khi kết thúc công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, vừa hết mùa mưa, các đơn vị thi công sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công để các dự án còn lại hoàn thành vào cuối năm 2020.

Thế Nhân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh