Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương:
Tán thành đề xuất xây dựng một số trung tâm văn hoá Việt Nam ở nước ngoài
Thứ năm: 08:05 ngày 20/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội XV (đợt 2), ngày 19.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025 – 2035.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận sáng 19.6

Quan tâm góp ý về chủ trương đầu tư, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) thống nhất với kiến nghị của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục về nội dung nghiên cứu xây dựng một số trung tâm văn hoá Việt Nam ở nước ngoài tại một số quốc gia có mối quan hệ, tương tác văn hoá lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập.

Theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương, chủ trương này là một trong những việc làm thiết thực nhằm xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới một cách hiệu quả nhất. Từ hoạt động của các trung tâm, chúng ta sẽ tích cực giới thiệu những nét đẹp tiêu biểu của con người Việt Nam, giúp bạn bè quốc tế hiểu về lịch sử, văn hoá, truyền thống tốt đẹp, những tư tưởng tiến bộ, nhân văn của Việt Nam.

Song song đó, triển khai nhiều chương trình, hoạt động ngoại giao văn hoá đa dạng, phong phú hướng tới đông đảo công chúng và cộng đồng người Việt Nam ở các nước sở tại, như: triển lãm tranh ảnh, giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt, không gian Việt Nam, biểu diễn văn hoá nghệ thuật… góp phần giới thiệu về đất nước, con người và nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc; truyền tải các thông điệp về định hướng phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam; khơi dậy tình cảm gắn bó với quê hương, hướng về Tổ quốc của người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời, giới thiệu các tiềm năng và cơ hội hợp tác, kết nối doanh nghiệp, thu hút đầu tư, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại với các đối tác.

 Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Phương cũng đề cập, vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Phần đông bà con đã có địa vị pháp lý và cuộc sống ổn định, hội nhập tích cực vào xã hội trên nhiều lĩnh vực, được chính quyền và người dân sở tại đánh giá cao.

Trong nhiều năm qua, kiều bào tiếp tục có nhiều hoạt động hướng về quê hương, đóng góp quan trọng vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo và xây dựng đất nước. Vì vậy đại biểu đề nghị việc yêu cầu có nơi tụ họp, sinh hoạt góp phần giúp kiều bào hiểu hơn về đất nước, nét đặc trưng văn hoá, xây dựng mạng lưới gắn kết kiều bào, đặc biệt là kiều bào trẻ trở nên cấp thiết.

Tuy nhiên, đại biểu cũng phân tích, nêu một số hạn chế như: Tình trạng công dân Việt Nam vi phạm pháp luật nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức (nhập cảnh, cư trú, lao động trái phép, trộm cắp, đánh bạc, lừa đảo, buôn bán ma tuý…); công dân Việt Nam bỏ hợp đồng, bỏ học, cư trú, lao động bất hợp pháp tiếp tục gia tăng tại nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, một số nước Châu Âu… Theo báo cáo của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong năm 2023 có 17.851 công dân Việt Nam bị nước ngoài phát hiện, bắt giữ do vi phạm pháp luật, tăng hơn 33% so với năm 2022.

Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tham dự phiên họp sáng 19.6

Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng công dân Việt Nam vi phạm pháp luật của nước sở tại, song nguyên nhân trực tiếp và trước hết là do một bộ phận công dân có ý thức kỷ luật và chấp hành pháp luật kém, chấp nhận vi phạm pháp luật nước ngoài về xuất nhập cảnh, cư trú để bỏ trốn, ra ngoài làm việc “chui”, coi việc xuất cảnh là cơ hội để làm việc trái phép.

Mặt khác, pháp luật Việt Nam hiện hành chưa quy định đầy đủ về hậu quả pháp lý đối với công dân Việt Nam vi phạm pháp luật và phạm tội ở nước ngoài; chưa có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với doanh nghiệp để xảy ra tình trạng lao động đi làm việc theo hợp đồng vi phạm pháp luật nước ngoài; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nước sở tại chưa sâu, rộng.

Vì vậy, đại biểu đề nghị thời gian tới, các cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam cần phối hợp, có giải pháp kéo giảm tình trạng công dân Việt Nam vi phạm pháp luật và phạm tội ở nước ngoài một cách căn cơ, hiệu quả nhất; không để vấn đề này ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác với các nước, cũng như hình ảnh và uy tín của Việt Nam.

Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Đại biểu Phương tán thành với đề xuất xây dựng một số trung tâm văn hoá Việt Nam ở nước ngoài tại một số quốc gia. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, chủ trương này khác với quy định của Luật Đầu tư công về phạm vi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, vì vậy, đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung, làm rõ căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn và nguồn lực bảo đảm thực hiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Tố Tuấn - Thanh Trung (lược ghi)

Tin cùng chuyên mục