Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
TAND tỉnh: Nâng cao chất lượng, hiệu quả xét xử các vụ án
Thứ bảy: 08:03 ngày 16/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhiều vụ án nghiêm trọng có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng để đưa ra xét xử kịp thời, nhất là đối với các vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

TAND tỉnh tổ chức xét xử lưu động vụ án hình sự về ma tuý.

Thông qua phong trào thi đua, TAND tỉnh đã hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu công tác chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu Chỉ thị số 01/2024/CT-CA ngày 2.1.2024 của Chánh án TAND tối cao về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án năm 2024.

Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu công tác đề ra

Trong năm, TAND tỉnh đã giải quyết 1.462/1.562 vụ, việc thụ lý các loại (đạt tỷ lệ 93,60%), (so cùng kỳ năm 2023, thụ lý tăng 87 vụ, giải quyết tăng 161 vụ), án tạm đình chỉ 7 vụ; án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan 8 vụ (chiếm tỷ lệ 0,55%, thấp hơn mức quy định của TAND tối cao); bình quân mỗi thẩm phán giải quyết 5,08 vụ/tháng. Trong đó, về án hình sự, TAND tỉnh giải quyết 321 vụ - 769 bị cáo/325 vụ - 773 bị cáo, đạt tỷ lệ 99% (vượt 9% so chỉ tiêu TAND tối cao quy định).

TAND tỉnh đánh giá, việc giải quyết án hình sự đạt tỷ lệ cao và chất lượng giải quyết ngày càng tiến bộ. Nhiều vụ án nghiêm trọng có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng để đưa ra xét xử kịp thời, nhất là đối với các vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Các vụ án được xét xử bảo đảm đúng quy định pháp luật, không để xảy ra việc xét xử oan hoặc bỏ lọt tội phạm. Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo nghiêm minh, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi và nhân thân người phạm tội; khoan hồng đối với người phạm tội lần đầu, ít nghiêm trọng, ăn năn hối cải.

Năm 2024, số án dân sự sơ thẩm (gồm dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động) cấp tỉnh tiếp tục tăng, có tính chất ngày càng phức tạp hơn (TAND tỉnh giải quyết 1.083/1.179 vụ, việc thụ lý, đạt 92%, vượt 7% so chỉ tiêu TAND tối cao quy định). 

Hầu hết vụ tranh chấp quyền sử dụng đất, đương sự có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thậm chí tranh chấp chỉ một phần họ cũng yêu cầu hủy giấy. Có những trường hợp khi phát sinh tranh chấp, Tòa án xác định được giao dịch chuyển nhượng đầu tiên là giả tạo hoặc vi phạm điều cấm nhưng đất đã chuyển nhượng qua nhiều lần cho nhiều người hoặc thế chấp cho Ngân hàng vay với số tiền tương đương giá trị đất nên rất khó khăn cho Tòa án khi giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu. Ngoài ra, đa số vụ án phải ủy thác tư pháp ra nước ngoài đều nhận kết quả chậm. Nhiều trường hợp không nhận được kết quả, chủ yếu là án hôn nhân và gia đình.

Bên cạnh đó, TAND tỉnh tập trung tiếp nhận, xử lý các đơn khiếu kiện hành chính của công dân; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án hành chính. Trong năm, đơn vị đã giải quyết 54/54 vụ, đạt tỷ lệ 100% (vượt 35% so với chỉ tiêu TAND tối cao quy định). 

Ngoài ra, đơn vị chủ động bố trí phòng làm việc, trang thiết bị phục vụ công tác hoà giải, đối thoại; tăng cường phổ biến, tuyên truyền trực tiếp cho nhân dân, đương sự về Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án (năm 2024, Toà án tỉnh tiếp nhận, hoà giải thành, đối thoại thành 4/4 vụ việc, đạt tỷ lệ 100%).

Thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 19.11.2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, TAND tỉnh xét xử được 34 phiên tòa trực tuyến; trong đó, tổ chức 1 phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến đến Tòa án hai cấp các tỉnh cùng thuộc địa hạt thẩm quyền tư pháp của TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, TAND tỉnh đã tổ chức được 54 phiên tòa rút kinh nghiệm/24 thẩm phán/năm, bình quân mỗi thẩm phán tổ chức 2,25 phiên tòa (vượt hơn gấp đôi chỉ tiêu quy định của TAND tối cao).

Ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án Thường trực TAND tối cao tặng danh hiệu “Cờ thi đua TAND” năm 2023 cho TAND tỉnh.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua

Năm 2024, TAND tỉnh phát động phong trào thi đua theo chủ đề xuyên suốt của ngành Toà án là “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”; “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”, với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” và chủ đề hành động “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”.

Phong trào thi đua chia thành 2 đợt ngắn hạn. Đợt 1 từ ngày 1.10.2023 đến 31.3.2024; đợt 2 từ ngày 1.4.2024 đến ngày 30.9.2024. Nội dung thi đua mỗi đợt gắn với nhiệm vụ chính trị từng thời điểm phù hợp, nhất là thi đua kỷ niệm 79 năm ngày thành lập ngành TAND (13.9.1945 - 13.9.2024). Ngoài ra, TAND tỉnh còn phát động thi đua trong công tác giải quyết từ ngày 1.7.2024 đến 30.9.2024, kết quả có 4 thẩm phán và 10 thư ký được khen thưởng; tặng giấy khen cho 2 Thẩm phán và 4 Thư ký. 

Ngoài ra, TAND tỉnh yêu cầu thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước như “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”… Qua đó, đã đóng góp chi phí xây dựng nông thôn mới, các hoạt động an sinh xã hội với số tiền 20 triệu đồng; ủng hộ cán bộ công chức mắc bệnh hiểm nghèo 93 triệu đồng; đóng góp ủng hộ đồng bào Miền Bắc bị thiệt do bão lũ trên 20 triệu đồng…

Theo TAND tỉnh, để đạt được những thành tích trên, đơn vị đổi mới trong công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo. Đặc biệt, trong công tác chuyên môn, tất cả số liệu, thông tin về tiến độ, nội dung các vụ việc đang được thụ lý, giải quyết đều được cập nhật ngay vào hệ thống các bảng biểu được Tổ hành chính tư pháp lập theo dõi riêng, tiến độ của mỗi thẩm phán.

Do đó, lãnh đạo đơn vị nắm các thông tin kịp thời, đầy đủ để đưa ra các quyết định giải quyết sát sao; đôn đốc việc giải quyết, xét xử hằng ngày. Duy trì, tổ chức các cuộc giao ban hàng quý với các đơn vị trong TAND hai cấp; định kỳ hàng tháng, tổ chức giao ban với các lãnh đạo Tòa chuyên trách, các phòng chức năng.

Đối với việc giải quyết án dân sự và các loại án khác, TAND tỉnh ban hành nhiều văn bản đôn đốc, nhắc nhở TAND cấp huyện khắc phục thiếu sót trong việc giải quyết án; yêu cầu Chánh án TAND cấp huyện rà soát, tập trung xử lý dứt điểm các vụ án sắp quá hạn tại đơn vị và báo cáo kết quả giải quyết.

TAND tỉnh đổi mới các khâu của công tác tổ chức cán bộ từ công tác tuyển dụng, luân chuyển, điều động, đánh giá, phân loại công chức… bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện. Bên cạnh đó, TAND tỉnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính tư pháp; trong đó, tập trung đổi mới, cải tiến hoạt động của bộ phận Hành chính – Tư pháp theo cơ chế “Một cửa” - đầu mối tập trung hướng dẫn thủ tục hành chính tư pháp, tiếp nhận hồ sơ của công dân, cơ quan, tổ chức để chuyển đến các tòa, phòng có thẩm quyền giải quyết; cũng như nhận, trả kết quả cho cá nhân, tổ chức trên tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tỉnh, góp phần tăng cường tính minh bạch, công khai trong công tác giải quyết án. Ngoài ra, TAND tỉnh còn tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan.

Thiên Di

Tin cùng chuyên mục