Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tăng cường các biện pháp kiểm soát bệnh dại
Thứ hai: 00:03 ngày 19/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Do mầm bệnh đã lưu hành rộng rãi trên địa bàn tỉnh nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch. Vì vậy, trong thời điểm nắng nóng như hiện nay, cần tăng cường các biện pháp kiểm soát bệnh dại, bảo đảm an toàn sức khoẻ cho người dân.

Bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người thông qua các chất bài tiết có chứa virus dại, từ vết cắn, cào, liếm... của động vật mắc bệnh. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100% (kể cả người và động vật).

Vẫn còn người tử vong vì bệnh dại

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh, từ năm 2017 đến 2020, toàn tỉnh có 9 ca tử vong vì bệnh dại do động vật cắn, xảy ra tại 7/9 huyện, thị xã, thành phố, trong đó năm 2018 có đến 4 ca tử vong. Ðáng chú ý, hầu hết bệnh nhân tử vong đều không tiêm vaccine phòng bệnh.

Ông Nguyễn Thành Thúc- Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú ý Tây Ninh cho biết, những năm gần đây, việc phòng bệnh cho chó nuôi được người dân quan tâm, nhất là đối với bệnh dại.

Tuy nhiên, ở các xã vùng sâu, vùng xa và biên giới, phần lớn người dân nuôi chó không nhốt chuồng, không xích, không rọ mõm, không khai báo với chính quyền địa phương, ít quan tâm đến việc tiêm phòng, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý và phòng, chống bệnh dại.

Theo ông Thúc, những năm qua, bệnh dại đã xảy ra trên người và trên đàn chó nuôi gây chết người, ảnh hưởng sức khoẻ cộng đồng, tác động tiêu cực đến xã hội. Do mầm bệnh đã lưu hành rộng rãi trên địa bàn tỉnh nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch. Vì vậy, trong thời điểm nắng nóng như hiện nay, cần tăng cường các biện pháp kiểm soát bệnh dại, bảo đảm an toàn sức khoẻ cho người dân.

Nhiều biện pháp phòng, chống được triển khai

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ năm 2017-202, toàn tỉnh có hơn 23.800 trường hợp bị chó, mèo cắn. Số trường hợp bị cắn giảm dần, so với năm 2017, số trường hợp bị chó, mèo cắn năm 2020 giảm hơn 9.800 ca. Qua đó cho thấy, người dân đã có ý thức về việc phòng, chống bệnh dại.

Ðể kiểm soát bệnh dại trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp các cơ quan, ban, ngành và chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống bệnh dại, tập trung vào các công tác: quản lý, tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó nuôi, bắt chó chạy rông, xử lý ổ dịch...

Về công tác quản lý, hằng năm, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp chính quyền địa phương rà soát số lượng chó trên địa bàn để phục vụ quản lý và tiêm phòng bệnh dại.

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai tiêm phòng vaccine bệnh dại định kỳ cho vật nuôi. Kết quả, trong 4 năm thực hiện (từ 2017-2020), Chi cục tiêm được 134.200 liều, trong đó có 6.390 liều vaccine được hỗ trợ từ Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại của Bộ NN&PTNT cho các tỉnh có người chết vì bệnh dại.

Trong năm 2021, Chi cục Chăn nuôi và Thú y dự kiến tiêm hơn 40.000 liều, trong đó 4.000 liều thuộc ngân sách tỉnh hỗ trợ tiêm phòng miễn phí vaccine cho các xã có người chết vì bệnh dại.

Năm 2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh ban hành kế hoạch thành lập đội bắt chó thả rông. Sau 4 năm triển khai, đội bắt được 1.080 con chó thả rông. Theo đó, Chi cục đã xử phạt vi phạm hành chính 837 trường hợp không tiêm phòng vaccine dại; thanh lý 204 con. Riêng năm 2021, dự kiến triển khai 20 đợt bắt chó chạy rông.

Tăng cường các biện pháp kiểm soát

Ông Nguyễn Thành Thúc cho biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều ổ dịch bệnh dại nhỏ, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, phù hợp với điều kiện của địa phương, dịch bệnh được dập tắt kịp thời và không lây lan.

Ðể kiểm soát bệnh dại, khi có ổ dịch xảy ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với CDC và chính quyền địa phương khẩn trương xử lý. Hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp CDC và các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng, chống bệnh dại cho người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh thông qua tờ rơi và các phương tiện thông tin đại chúng.

UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thực tế, chó thả rông vẫn còn ở nhiều nơi trong tỉnh, nhất là khu vực nông thôn gây khó khăn cho công tác quản lý, tiêm phòng và kiểm soát bệnh dại.

Việc thống kê đàn chó tại địa phương còn nhiều khó khăn do người nuôi không đăng ký. Lực lượng thú y cơ sở mỏng, trong khi địa bàn quản lý rộng và không có kinh phí hỗ trợ thực hiện. Việc sử dụng thuốc Ðông y để điều trị bệnh dại vẫn còn, dẫn đến các trường hợp tử vong do bệnh dại ở người.

Ðể đẩy lùi bệnh dại trong cộng đồng, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục triển khai các nội dung của Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021 theo Quyết định số 193/QÐ-TTg ngày 13.2.2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đề ra các mục tiêu và giải pháp phòng chống bệnh dại như: khống chế được bệnh dại trên đàn chó nuôi và tiến tới loại trừ bệnh dại; tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó nuôi đạt trên 85%; các xã, phường, thị trấn lập được 95% danh sách hộ nuôi chó.

Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, theo ông Nguyễn Thành Thúc, người nuôi phải có trách nhiệm và ý thức phòng, ngừa bệnh cho vật nuôi của mình. Hộ mua bán, vận chuyển, giết mổ phải chấp hành đúng quy định về hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ bảo đảm an toàn thực phẩm (không giết mổ, tiêu thụ chó bệnh, chết không rõ nguồn gốc), nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định.

Triển khai kế hoạch phòng chống bệnh dại trong năm 2021, CDC Tây Ninh cho biết, đơn vị đã nhận 1.000 liều vaccine phòng bệnh dại miễn phí từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương- Văn phòng Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021 cùng Tổ chức Y tế thế giới, nhằm hỗ trợ miễn phí cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo Trung ương; đồng bào dân tộc thiểu số; người thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội và một số trường hợp khẩn cấp. Sau khi tiếp nhận, CDC Tây Ninh giữ lại 100 liều và phân bổ 900 liều cho trung tâm y tế của 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh để kịp thời tiêm phòng cho người dân khi bị chó cắn.

Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Bệnh dại nguy hiểm nhưng đã có vaccine phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh dại. CDC Tây Ninh khuyến cáo người dân thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y; chó nuôi phải được xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi; không cho trẻ nhỏ đến gần vật nuôi trong nhà…

Trường hợp người bị chó, mèo cắn, cào xước, người dân có thể sơ cứu bằng cách: rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm giập vết thương và không được băng kín vết thương.

Sau khi sơ cứu, người nhà nên đưa người bị cắn đến trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại.

Bên cạnh đó, CDC khuyến cáo người bị chó, mèo cắn, cào xước không nên chủ quan điều trị tại nhà bằng phương pháp Ðông y mà phải đến các cơ sở y tế để khám và tiêm vaccine; người nhà không nên đập chết chó, mèo khi bị cắn mà phải nuôi nhốt, theo dõi sức khoẻ của vật nuôi sau khi cắn người, báo ngay với chính quyền địa phương và cơ quan thú y để chẩn đoán lâm sàng, lấy mẫu và xử lý khi chó mắc bệnh dại.

Ngọc Bích

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục