Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi
Thứ sáu: 16:57 ngày 09/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dịch tả heo châu Phi đang ngày càng diễn biến phức tạp, lan rộng, khiến ngành chăn nuôi heo thiệt hại nặng nề. Hiện ngành Thú y và các ngành, địa phương đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng chống và ứng phó dịch bệnh nguy hiểm này.

Sạp hàng thịt heo tại chợ phường 3, TP. Tây Ninh.

Nguy cơ thiếu thịt heo

Theo nhiều tiểu thương tại các chợ ở TP. Tây Ninh và một số nơi trên địa bàn tỉnh, thịt heo vẫn có sức tiêu thụ bình thường, thậm chí khoảng 1 tuần trở lại đây giá bắt đầu nhích lên.

Theo bà Nguyễn Ngọc Huỳnh, chủ sạp thịt heo tại chợ TP. Tây Ninh (phường 2), khoảng 1 tháng trở lại đây, khi có thông tin xuất hiện dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh, số lượng thịt heo bán ra của bà suy giảm gần 30%, ban đầu giá thịt cũng giảm từ 5.000 đồng - 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá thịt heo móc hàm bắt đầu tăng nhẹ trở lại, mỗi ngày tăng 1.000 đồng, liên tiếp trong 3 ngày gần đây.

Còn tại sạp thịt heo Oanh, chợ phường 3, lượng người mua vẫn không giảm. Theo chủ sạp thịt này, nhờ thông tin về dịch tả heo châu Phi không lây nhiễm và gây hại đến sức khoẻ con người nên việc buôn bán vẫn ổn định. Bên cạnh đó, thịt heo bán tại chợ lấy từ các đầu mối giết, mổ rõ ràng, đã qua kiểm tra của cơ quan thú y nên nhiều người yên tâm sử dụng.

Cũng theo một số tiểu thương, hiện tại, lượng heo của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang giảm mạnh, chỉ còn ở các trang trại lớn, do đó, dịp tết sắp đến có thể sẽ không đủ nhu cầu tiêu dùng, giá có thể sẽ tăng cao.

Ông Nguyễn Thế Bảo- Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tây Ninh cho biết, từ đầu đợt dịch đến nay, giá thịt heo tại siêu thị vẫn bình ổn, không tăng hay giảm, sản lượng tiêu thụ vẫn ổn định, thậm chí còn tăng hơn so với trước đây, do một số chợ ngưng bán. Ðồng thời, người dân tin tưởng thịt heo trong hệ thống siêu thị Co.opMart là thịt sạch, có nguồn gốc và có đầy đủ giấy chứng nhận kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch của cơ quan chức năng.

Một người đi chợ phường 3 cho biết, thịt heo vẫn là thực phẩm thường xuyên của gia đình. Ban đầu cũng e ngại nhưng qua tìm hiểu, được biết dịch tả heo châu Phi không lây nhiễm cho người và không ảnh hưởng đến sức khoẻ khi nấu chín, nên bà vẫn mua về chế biến.

Còn theo chị Gái- một người dân mua thịt heo trong siêu thị Co.opMart, chị hoàn toàn tin tưởng thịt heo trong siêu thị là thịt sạch, giá cả bình ổn, không tăng hay giảm thất thường như bên ngoài nên chị yên tâm mua sắm tại đây.

Người dân chọn mua thịt heo trong siêu thị Co.opMart Tây Ninh.

Ngành chức năng tăng cường công tác phòng, chống dịch

Tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển heo xuất nhập tỉnh được các ngành chức năng tập trung thực hiện nghiêm ngặt. Ông Phạm Văn Hoàng- kiểm soát viên Trạm kiểm dịch thú y cửa khẩu quốc tế Mộc Bài cho biết, thời gian qua, Trạm chưa phát hiện trường hợp nào vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo qua trạm, chỉ có trường hợp một người dân mang khoảng 2kg qua cửa khẩu, khi phát hiện, Trạm phối hợp với các ngành chức năng như Biên phòng và Chi cục Hải quan tịch thu và tiêu huỷ ngay. Ngoài ra, Trạm cũng phối hợp với các ngành chức năng tại cửa khẩu tăng cường tuyên truyền đến người dân về tác hại của dịch tả heo châu Phi đối với ngành chăn nuôi.

Theo ông Trần Thanh Mềm- Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Cầu, ngày 26.7, huyện phát hiện hai ổ dịch đầu tiên tại Thị trấn, sau đó liên tục bùng phát nhiều ổ dịch mới. Ngày 30.7, UBND huyện ban hành Quyết định số 2547/QÐ-UBND về việc công bố dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện. Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện công tác phòng, chống dịch, huyện cũng đã tiến hành rà soát lại toàn bộ số hộ chăn nuôi heo và tổng đàn heo. Ðồng thời, thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời và một đoàn kiểm tra liên ngành nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, giết mổ heo trên địa bàn huyện. Hiện các ổ dịch được phát hiện trên địa bàn huyện được ngành Thú y huyện và các địa phương được khoanh vùng và dập dịch theo quy định.

Ông Hà Minh Dảo- Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng cho biết, 2 ổ dịch đầu tiên phát hiện tại xã Lộc Hưng ngày 24.7. Ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả heo châu Phi, ngày 25.7, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng và UBND xã Lộc Hưng tiêu huỷ ngay 63 con heo của 2 hộ chăn nuôi có ổ dịch. Tính đến ngày 4.8, trên địa bàn huyện đã có 5 xã xuất hiện ổ dịch, gồm: Lộc Hưng, Phước Chỉ, Gia Bình, An Hoà và Hưng Thuận.

Tổng cộng có 11 ổ dịch, đã tổ chức tiêu huỷ 354 con heo, tổng trọng lượng 26.617kg. Ðể kịp thời ứng phó và phòng, dịch tả heo châu Phi trên địa bàn, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, đồng thời thành lập 3 chốt kiểm soát dịch bệnh động vật tạm thời tại các cửa ngõ ra vào huyện và 1 chốt kiểm tra lưu động, thường xuyên thanh tra, kiểm tra công tác giết mổ, kinh doanh heo và các sản phẩm heo tại các lò mổ, điểm kinh doanh, mua bán thịt heo trên địa bàn huyện. Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh, nhất là kịch bản phòng, chống dịch đã được huyện xây dựng trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh để kịp thời ứng phó với tình hình dịch đang bùng phát mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Hải- Tổ trưởng chốt kiểm soát dịch bệnh động vật tạm thời Suối Sâu (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng), công tác kiểm tra, kiểm soát heo, gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan xuất, nhập tỉnh được thực hiện nghiêm ngặt. Ngoài việc kiểm tra các loại giấy phép liên quan, các xe vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua chốt đều được phun xịt thuốc sát trùng nhằm hạn chế mầm bệnh. Riêng đối các xe vận chuyển heo, phải có thêm giấy xét nghiệm âm tính với dịch tả heo châu Phi mới được nhập tỉnh. Theo ông Hải, kể từ khi thành lập chốt- ngày 13.3.2019 đến nay, chốt đã làm thủ tục nhập tỉnh 9 xe vận chuyển heo với số lượng 743 con.

Ông Lê Thanh An, cán bộ chốt kiểm soát dịch bệnh động vật tạm thời tại Cầu Tàu (ấp 1, xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu) cho biết, chốt được thành lập và hoạt động từ ngày 13.3, lực lượng trực 24/24 giờ, với sự phối hợp chặt chẽ của ngành Thú y, Quản lý thị trường và Công an huyện. Tất cả các xe xuất, nhập tỉnh đều phải xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất đi và nơi nhập đến, phải có các giấy chứng nhận vệ sinh, an toàn dịch bệnh và được phun thuốc sát trùng xe vận chuyển khi qua chốt.

MINH DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh