Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trước thông tin phản ánh của báo chí về hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến kiểm tra, làm việc với lãnh đạo các sở, ngành liên quan, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà về hoạt động khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến (bìa phải) kiểm tra hoạt động khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng.
11 giấy phép khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng
Trong phạm vi khu vực hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, UBND tỉnh đã cấp 15 giấy phép khai thác khoáng sản cát, gồm: hồ Tha La 2 giấy phép, hồ Dầu Tiếng 13 giấy phép với tổng trữ lượng cấp phép khai thác 8.163.073 m3, tổng công suất khai thác 500.100 m3/năm.
Ngày 18.4.2019, UBND tỉnh ban hành Công văn số 751/UBND-KTTC ngày về việc tạm ngưng hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 2508/BNN-TCTL ngày 11.4.2019 về việc tạm ngưng hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng.
Ngày 10.6.2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1250/QĐ-UBND thành lập Tổ tác nghiệp kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng. Theo đó, ngày 26.7.2019, Tổ tác nghiệp đã có Công văn số 04/TTN thông báo các điều kiện để được phép hoạt động khai thác trở lại trong khu vực hồ Dầu Tiếng, cụ thể: các doanh nghiệp trong khu vực hồ Dầu Tiếng khi hoạt động khai thác khoáng sản phải thực hiện đầy đủ các thủ tục có liên quan về khoáng sản, thuỷ lợi, đê điều, giao thông... 4 loại giấy phép gồm: giấy phép khai thác khoáng sản; giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi; giấy phép phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thuỷ nội địa; giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa.
Về bến bãi, hồ sơ pháp lý phải đầy đủ theo quy định, trong đó có các điểm đáng chú ý sau: trạm cân được kết nối dữ liệu với máy tính, truy xuất được dữ liệu khi cần thiết; phải bảo đảm đường vận chuyển cát từ bến bãi qua trạm cân là đường độc đạo duy nhất; hồ lắng được xây dựng theo thiết kế của Sở Công Thương bảo đảm nước sau khi chảy ra hồ phải đạt Quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT (cột A) của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, hoặc không được thấp hơn chất lượng nước mặt tại thời điểm trước khi hoạt động trở lại, có lấy mẫu phân tích gửi kèm hồ sơ xin hoạt động trở lại; mỗi giấy phép khai thác chỉ có 1 bến bãi.
Về phương tiện khai thác, hồ sơ pháp lý đầy đủ, có ngăn chứa cát, ngăn lắng cát hạn chế xả thải tạp chất bùn sét trở lại môi trường hồ nước; không cho phép tàu sà lan dạng đáy ngang bằng, ngang trên mặt nước. Các tàu khai thác cát có trong kế hoạch đăng ký khai thác phải gắn định vị, camera hành trình.
Doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các nội dung liên quan đến hành lang bảo vệ nguồn nước và thủ tục hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi... Ngoài ra, việc vận chuyển cát qua các tuyến đường ngang tại khu vực đập hồ Dầu Tiếng của các doanh nghiệp đều được cơ quan có thẩm quyền (Tổng cục Thuỷ lợi) thẩm định phê duyệt thiết kế. Đến nay, UBND tỉnh cho phép hoạt động trở lại đối với 11 giấy phép/tổng số 15 giấy phép được cấp phép trong hồ Dầu Tiếng và hồ Tha La, còn 4 giấy phép chưa hoạt động trở lại do chưa đủ các điều kiện nêu trên.
Từ năm 2017 đến nay, nhằm chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, UBND tỉnh đã ban hành 20 Công văn chỉ đạo hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng; 8 biên bản họp; 2 báo cáo Chính phủ và 5 quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành. Ngoài ra, tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành, địa phương thành lập các đoàn kiểm tra cùng kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng để phát hiện sai sót, kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm.
Từ năm 2017-2022, UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 16 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng đối với 14 tổ chức và 2 cá nhân hơn 579 triệu đồng; lập biên bản vi phạm chuyển giao tỉnh Bình Dương xử lý 2 vụ. Phòng Cảnh sát môi trường kiểm tra, phát hiện 45 vụ, đã xử phạt 40 vụ hơn 2,2 tỷ đồng, tịch thu cát và tàu bán đấu giá sung công quỹ nhà nước trên 8 tỷ đồng và 5 vụ chuyển tỉnh Bình Dương xử lý.
Ghi nhận các nội dung báo chí phản ánh
Theo kết quả kiểm tra của Tổ tác nghiệp (theo Quyết định số 979/QĐ- UBND ngày 14.5.2020 của Chủ tịch UBND tỉnh) về kiểm tra, kiểm kê các phương tiện, bến bãi các đơn vị hoạt động khai thác, kinh doanh cát trong hồ Tha La, hồ Dầu Tiếng ngày 6.5.2022, việc lắp đặt các thiết bị định vị hành trình theo dõi trên các phương tiện khai thác chưa đồng bộ, vị trí chưa phù hợp, bên cạnh đó, một số khu vực trong lòng hồ không có sóng điện thoại gây khó khăn trong công tác kết nối dữ liệu lên hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp phần mềm quản lý giám sát hoạt động khai thác cát Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, các phương tiện dừng hoạt động thì tắt máy định vị hành trình, dẫn đến có lúc tín hiệu thiết bị định vị hành trình phương tiện khai thác, trạm cân, camera chưa duy trì liên lục theo như phản ánh.
Cũng theo kết quả kiểm tra của Tổ tác nghiệp, 11/11 giấy phép hoạt động trở lại đều lắp đặt trạm cân và camera tại bãi cát, lưu truyền dữ liệu từ trạm cân vào máy tính; trạm cân đã được cơ quan chức năng tiến hành đăng kiểm để đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, phóng sự Đài Truyền hình Việt Nam phản ánh camera, trạm cân tại một số bến bãi chưa hoạt động.
UBND tỉnh ghi nhận phản ánh và chỉ đạo cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc vận hành trạm cân, camera tại các bến bãi, yêu cầu các tổ chức khai thác cát cam kết không chất hàng quá tải trọng cho phép của phương tiện ngay khi xuất bãi và lưu thông trên đường (mỗi phương tiện xuất bãi đều có phiếu cân riêng) và kiên quyết xử lý khi có vi phạm.
Có 2 trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động (một đặt tại đường ĐT.781 thuộc huyện Dương Minh Châu và hai là đặt tại đường ĐT.782 thuộc huyện Gò Dầu), thời gian hoạt động 24/24 giờ và 7 ngày/tuần (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ). Đây là các khu vực có nhiều công trình, nhiều mỏ vật liệu, nhất là khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng.
Hoạt động tại mỗi Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động được bố trí như sau: ngày 3 ca, 4 kíp với 5 người/ca (2 công chức thanh tra và 3 nhân viên kỹ thuật) nhằm bảo đảm Trạm cân được hoạt động liên tục 24/24.
Phóng sự Đài Truyền hình Việt Nam phản ánh việc xe chở cát vượt tải trọng, chạy tấp nập ngày đêm ra vào trên các tuyến đường, gây mất an toàn người dân; vào thời gian cao điểm hoạt động vận chuyển cát, người túc trực canh tải trọng bận việc riêng. UBND tỉnh ghi nhận, đồng thời đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan kịp thời chấn chỉnh vấn đề này.
Theo UBND tỉnh, thời gian qua, vấn đề phương tiện chở quá tải trọng cho phép lưu thông trên đường gây ảnh hưởng đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Các cơ quan chức năng đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để xử lý tình trạng trên.
Tuy nhiên, tình trạng đối tượng canh đường ngày càng nhiều, luôn bám theo lực lượng tuần tra, kiểm soát để báo tin cho lái xe, chủ xe biết đoạn đường mà lực lượng chức năng đang đi kiểm tra để né tránh, gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ xử lý xe quá tải.
Khắc phục hạn chế, tăng cường quản lý
Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những nội dung còn hạn chế, trong thời gian tới, UBND tỉnh Tây Ninh tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa các tỉnh tại khu vực giáp ranh, các ngành, địa phương có liên quan trong quản lý các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương tăng cường giám sát hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng theo chức năng nhiệm vụ của từng ngành, nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm phải xử lý ngay theo thẩm quyền, trường hợp vi phạm đến mức phải thu hồi giấy phép thì tham mưu đề xuất thu hồi theo quy định.
Công an tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện trên địa bàn tỉnh; duy trì thường xuyên các lực lượng kiểm tra, xử lý các tuyến đường nhánh gần khu vực Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động nhằm tăng hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; tăng cường kiểm tra, giám sát các phương tiện bơm hút, vận chuyển cát trong hồ Dầu Tiếng, chỉ cho phép các phương tiện được cấp phép hoạt động, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
UBND huyện Tân Châu và Dương Minh Châu tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát các dự án đang thi công, các bến bãi; thường xuyên phối hợp giữa chính quyền địa phương với lực lượng công an, thanh tra tài nguyên khoáng sản trong công tác quản tý hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết bến bãi và trong kiểm tra, xử lý vi phạm. Có hình thức xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ sở để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài không xử lý triệt để.
Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà phối hợp với đơn vị có liên quan đo vẽ, xác định trữ lượng cát bồi lắng hàng năm để phục vụ thực hiện đấu giá quyền khai thác cát xây dựng trong khu vực lòng hồ Dầu Tiếng.
Có văn bản yêu cầu các đơn vị khai thác thực hiện đúng theo nội dung giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi đã được Tổng cục Thuỷ lợi cấp và gia cố thêm đường vào hồ (đường dân sinh), bảo đảm an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông, trong đó có phương tiện vận chuyển cát từ bến bãi ra ngoài. Đồng thời, kiên quyết không chấp thuận cho các phương tiện khai thác không có giấy phép khai thác khoáng sản vào hồ.
Các tổ chức khai thác cát phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông để có chất lượng ổn định đối với thiết bị định vị hành trình trên tàu; thường xuyên vận hành trạm cân, camera và gửi đường truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và truyền thông, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà để theo dõi, giám sát; cam kết không chất hàng quá tải trọng cho phép của phương tiện ngay khi xuất bãi và lưu thông trên đường (mỗi phương tiện xuất bãi đều có phiếu cân riêng).
Giang Hà