Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tăng cường giải quyết các vấn đề bức xúc của cử tri
Thứ năm: 23:52 ngày 13/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Qua tiếp xúc, cử tri phản ánh rất nhiều vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh; hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường; bất cập trong chính sách khám, chữa bệnh; tình trạng ngập úng vào mùa mưa; hạn chế trong tách thửa như hiện nay gây khó khăn cho người dân…

Trạm cấp nước tại khu tái định cư KCN Chà Là bị bỏ hoang từ lâu.

Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh (dự kiến diễn ra vào giữa tháng 7.2019), những ngày qua, các đại biểu HĐND tỉnh, huyện tiến hành các đợt tiếp xúc cử tri tại 95 xã, phường, thị trấn. Qua tiếp xúc, cử tri phản ánh rất nhiều vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh; hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường; bất cập trong chính sách khám, chữa bệnh; tình trạng ngập úng vào mùa mưa; hạn chế trong tách thửa như hiện nay gây khó khăn cho người dân… Tất cả các ý kiến đều được đại biểu HĐND hai cấp trả lời trực tiếp hoặc ghi nhận chuyển đến ngành chức năng có thẩm quyền; và sẽ trả lời trong kỳ tiếp xúc cử tri sau.

Riêng 2 vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân là việc nuôi chim yến tự phát gây ô nhiễm tiếng ồn, nguy cơ dịch bệnh và tình trạng xuống cấp, chất lượng nguồn nước không bảo đảm ở các trạm cấp nước sạch đã được ngành chức năng trả lời cụ thể.

Sẽ ban hành quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến

Trong những năm gần đây, nghề nuôi chim yến được coi là siêu lợi nhuận vì tổ yến có giá rất cao. Do đó, nghề này phát triển rất nhanh. Nếu như năm 2015, toàn tỉnh chỉ có 27 nhà nuôi yến, hiện đã lên tới 157 nhà.

Khi đầu tư nhà nuôi yến, người dân phải đầu tư hệ thống máy phát âm thanh giả tiếng kêu của chim yến để dẫn dụ chim về làm tổ. Từ khi phong trào nuôi yến rộ lên, cử tri nhiều nơi trên địa bàn tỉnh phản ánh tình trạng âm thanh quá lớn, rả rích cả ngày từ các nhà yến ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của những người xung quanh. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng nhà yến tự phát trong khu dân cư như hiện nay sẽ dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch. Đáng lo ngại hơn, việc nuôi chim yến trong khu dân cư cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh do khó kiểm soát.

Một cử tri ở khu phố 4, thị trấn Châu Thành băn khoăn, trên địa bàn có một vài nhà nuôi yến, ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con. Tại khu phố 4 của ông cũng có một hộ đang xây nhà, chuẩn bị lắp máy dụ yến về. Ông đặt vấn đề: “Nếu nuôi yến, máy sẽ phải mở loa phát 24/24 giờ, gây ô nhiễm tiếng ồn. Bên cạnh đó, chim ở lâu ngày không dọn dẹp cũng sẽ làm ô nhiễm không khí. Không ai dám bảo đảm rằng chúng sẽ không gây ra dịch cúm gia cầm. Gà, vịt, heo, bò còn có thể tiêm ngừa, nhưng chim bay trên trời làm sao có thể tiêm được. Do đó, chúng tôi muốn hỏi, việc nuôi yến trong khu dân cư có được phép hay không?”.

Trả lời ý kiến của cử tri, ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, việc chăn nuôi trong khu dân cư là không được. Do đó, trước mắt địa phương cần phải vận động, tuyên truyền cho những hộ dân có ý định xây nhà nuôi yến trong khu dân cư hiểu rõ, nếu đầu tư, sau này không được phép nuôi sẽ bị thiệt hại kinh tế rất lớn. Vì để làm một nhà nuôi yến phải bỏ ra từ 1-3 tỷ đồng. Nuôi với diện tích lớn, yêu cầu phải có đánh giá tác động môi trường. Diện tích nhỏ, chủ hộ cũng phải có báo cáo cam kết về môi trường và được cơ quan có thẩm quyền tại địa phương xác nhận.

Cũng theo ông Trong, trước tình hình nuôi chim yến phát triển quá nhanh, Sở NN&PTNT đang lấy ý kiến của các ngành chức năng xây dựng quy định tạm thời về việc quản lý nuôi chim yến. “Dự kiến cuối tháng 6, đầu tháng 7.2019, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định này. Theo đó, người dân muốn nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh phải xin ý kiến của ngành chức năng có thẩm quyền, nếu không thực hiện sẽ bị xử phạt”- ông Trong nhấn mạnh.

Cần sớm giải bài toán thiếu nước sạch

Cử tri xã Tân Bình (thành phố Tây Ninh) phản ánh Trạm cấp nước sạch ở ấp Tân Trung trước đây chỉ có vài chục hộ sử dụng, nay đã lên tới gần 200 hộ, trạm trở nên quá tải không đủ cung cấp nước cho người dân. Hơn nữa việc vệ sinh tại trạm cấp nước này chưa bảo đảm.

Được biết, Trạm cấp nước ấp Tân Trung hoạt động từ năm 2007, thời điểm đó mới chỉ có khoảng 20-30 hộ sử dụng. Theo ông Phan Văn Mẫm- Quản lý trạm cấp nước, công suất của trạm 70m3/ngày đêm, về cơ bản vẫn bảo đảm cấp đủ nước cho gần 200 hộ như hiện nay. Tuy nhiên, vào giai đoạn cao điểm mùa khô nắng nóng, nhu cầu tăng cao, nước phục vụ cho người dân có lúc chưa đáp ứng kịp.

Anh Đặng Tiến Hùng, công chức Giao thông - Môi trường - Xây dựng - Thuỷ lợi của UBND xã Tân Bình cho biết, toàn ấp Tân Trung có gần 400 hộ dân, tỷ lệ sử dụng nước sạch mới chỉ đạt khoảng 50%. Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhiều nhà máy mọc lên đã gây áp lực lên môi trường, trong đó có môi trường nước.

Cũng chính vì vậy, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân rất lớn. Hơn nữa, do địa bàn nằm gần khu vực núi đá vôi, nhiều hộ khoan giếng sâu tới 120m nhưng cũng không lấy được nước ngầm, nước sinh hoạt và sản xuất gặp khó khăn. Không chỉ nhiều hộ dân ở ấp Tân Trung chưa được sử dụng nước sạch, 2 ấp Tân Phước và Tân Lập của xã Tân Bình cũng chưa có trạm cấp nước. Thời gian tới, rất mong các cơ quan chức năng sớm chỉ đạo việc đầu tư nâng cấp trạm cấp nước ấp Tân Trung, xây dựng thêm 1 trạm cấp nước sạch trên địa bàn ấp này, và 2 trạm cấp nước sạch ở Tân Lập, Tân Phước.

Tương tự như Tân Bình, thành phố Tây Ninh, cử tri ở các địa phương khác cũng phản ánh tình trạng xuống cấp của các trạm cấp nước sạch, như ở Tân Nam (xã Tân Bình, huyện Tân Biên), xã An Hoà (huyện Trảng Bàng)… Thậm chí có nơi, đã có trạm nhưng không vận hành suốt gần 10 năm qua như Trạm cấp nước tại khu tái định cư KCN Chà Là thuộc ấp Bình Linh, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu.

Ông Lê Văn Mẫn- Tổ trưởng Tổ tự quản số 14 tại đây cho biết, khi khu tái định cư này hình thành vào khoảng năm 2011. Tuy nhiên, gần 10 năm nay, trạm vẫn chưa vận hành để đưa nước về cho người dân sử dụng. “Khu tái định cư này có khoảng 40 hộ, hầu hết đều sử dụng nước bình để ăn uống, vì lo ngại nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Việc này đã được cử tri kiến nghị nhiều lần, nhưng vẫn không thấy thay đổi”, ông Mẫn cho biết.

Hiện trạm cấp nước thường xuyên khoá cổng ngoài, nhưng một bên hông hàng rào bị phá hỏng. Bên trong, cỏ dại mọc um tùm. Tuy nhiên, hệ thống máy móc trong nhà điều hành còn khá tốt.

Ông Nguyễn Phước Nhơn cho biết thêm, vừa qua, có một đoàn công tác đến trạm bơm kiểm tra, vận hành máy. “Hôm đó, họ cho máy chạy, tôi thấy có nước chảy vào hệ thống đường ống phòng cháy chữa cháy, và trước nhà tôi có một chỗ nước xì lên như lỗ mọi do đường ống bể. Như vậy, chứng tỏ là các đường ống trước đây đã được thiết kế đầy đủ, giờ chỉ việc mở máy đưa nước vào nhà dân là có thể sử dụng, nhưng không biết vì sao mãi từ đó đến nay trạm bơm vẫn im lìm”- ông Nhơn thắc mắc.

Hiện nay, nhà dân khu tái định cư chỉ cách KCN Chà Là có một bức tường, người dân ở đây lo lắng nguồn nước không bảo đảm cũng là điều dễ hiểu. Mọi người rất mong có được nguồn nước sạch từ trạm để sử dụng hằng ngày, vừa đỡ chi phí mua nước bình, vừa an tâm cho sức khoẻ của người nhà.

Về vấn đề này, ông Đinh Hùng Danh- Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh (Sở NN&PTNT) cho biết, đối với trường hợp Trạm nước ở khu tái định cư xã Chà Là, UBND huyện Dương Minh Châu vừa bàn giao cho Trung tâm vào tháng 4.2019. Trạm nước này có khả năng khai thác khoảng 400m3/ngày.

Để khai thác hết công năng của Trạm, Trung tâm sẽ đề nghị lãnh đạo xã Chà Là cho rà soát lại những hộ nào có nhu cầu sử dụng, không chỉ ở trong khu tái định cư mà cả những hộ xung quanh. Trung tâm cũng sẽ tìm hiểu nhu cầu sử dụng nước sạch từ phía các công ty trong KCN Chà Là. Sau đó, Trung tâm sẽ lắp đặt đường ống và cung cấp nước cho người dân và công ty.

Một nhà nuôi yến được xây dựng kiên cố ở xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu.

Về kiến nghị xây dựng một số trạm nước mới ở các xã, ông Danh đề nghị, các xã rà soát lại nhu cầu sử dụng nước của người dân và gửi về cho Phòng Nông nghiệp của huyện, Phòng Kinh tế của Thành phố để tập hợp gửi về Sở NN&PTNT.

“Nếu khu vực nào có khoảng 200-300 hộ dân có nhu cầu sử dụng nước của trạm, chúng tôi sẽ tham mưu với Sở NN&PTNT kiến nghị với UBND đưa vào danh mục đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Với những địa phương có người dân yêu cầu nhiều nhưng dân cư thưa thớt, sẽ triển khai thực hiện hệ thống xử lý nước hộ gia đình theo Quyết định 05 của UBND tỉnh ngày 21.3.2018 ban hành quy định về chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020. Chúng tôi sẽ tính toán và thực hiện theo phương án nào để có lợi cho nguồn ngân sách của tỉnh nhất”- ông Danh nói. 

NGỌC DIÊU - PHƯƠNG THUÝ

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh