Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong năm 2023, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thủ tục, hình thức, trình tự áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm chính xác, khách quan. Tuy nhiên công tác xử lý vi phạm hành chính hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Sở Tư pháp tổ chức hội nghị triển khai, tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính năm 2023.
Xử lý nhiều vụ việc, nhiều đối tượng
Theo UBND tỉnh, trong năm, lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 6.424 vụ, 7.119 đối tượng (tăng so với cùng kỳ năm 2022 là 2.689 vụ, 2.569 đối tượng); đã ban hành ban hành 4.119 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thi hành xong 6.088 quyết định; tổng số tiền phạt thu được gần 82,6 tỷ đồng; số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu gần 4 tỷ đồng. Tình hình vi phạm hành chính vẫn còn diễn biến phức tạp chủ yếu ở lĩnh vực như tài nguyên môi trường, trật tự an toàn giao thông đường bộ…
Việc tổ chức thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vẫn còn một số trường hợp chưa chấp hành quyết định xử phạt do nhiều nguyên nhân khách quan mà hành vi chủ yếu là hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, sử dụng trái phép chất ma túy và hành vi đánh bạc. Nguyên nhân chính của tình hình vi phạm là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao, một số người dân hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Đa số là thanh niên thiếu ý thức, trách nhiệm với bản thân và gia đình, có lối sống đua đòi bất chấp pháp luật.
Đối với một số hành vi vi phạm pháp luật về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan có một số vụ liên quan đến gian lận thuế, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới, vi phạm về sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Đối tượng vi phạm phần lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hành khách xuất, nhập cảnh, cư dân biên giới.
Nhìn chung, công tác xử lý vi phạm hành chính nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các cơ quan, ban ngành và địa phương. Công tác phối hợp liên ngành dần được quan tâm thực hiện và bước đầu có kết quả tốt, cụ thể trong việc phối hợp kiểm tra liên ngành. Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành đa số đều đúng thẩm quyền và trình tự, thủ tục theo quy định. Nội dung các quyết định phù hợp với quy định pháp luật, ít bị khiếu nại, khởi kiện.
Ngoài ra, trong năm, các cơ quan chức năng, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật 482 cuộc, có 47.352 lượt người tham dự, góp phần ngăn ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Cấp phát 1.221 tài liệu hỏi - đáp pháp luật về dân sự; an toàn giao thông đường bộ; quyền, nghĩa vụ của thanh niên; phòng, chống ma túy; phòng, chống tội phạm; hòa giải ở cơ sở; các quy định liên quan đến công tác xử lý vi phạm hành chính.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cho thấy, cơ quan chức năng, địa phương gặp không ít khó khăn, bất cập. Điển hình là việc áp dụng điểm b khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) khi xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, thuỷ sản.
Trường hợp phát hiện vụ vi phạm hành chính liên quan đến động vật rừng, thực vật rừng, ngư cụ cấm (lưới dớn, lồng xếp…) nhưng không xác định được người vi phạm, nếu áp dụng quy định trên, sau khi thực hiện đủ các thủ tục tạm giữ, thông báo thì phải chờ hết thời hạn 1 năm mới thực hiện tịch thu tang vật. Trong khi đó, tại các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, thuỷ sản, các hành vi vi phạm liên quan đến các tang vật nêu trên đều bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật và phương tiện trong một số trường hợp.
Thực tế người vi phạm thường không đến nhận tang vật; trong thời hạn 1 năm đó, cơ quan chức năng phải giữ tang vật, chăm sóc động vật rừng. Với điều kiện hạn chế về nhân lực, nơi tạm giữ, chăm sóc động vật rừng như hiện nay dễ dẫn đến tình trạng tang vật bị mục nát (thực vật rừng, ngư cụ), động vật rừng dễ bị chết.
Hay tại Điều 76, Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định về các trường hợp được xem xét hoãn, giảm, miễn tiền phạt rất khó áp dụng trên thực tế. Nhiều trường hợp người vi phạm có hoàn cảnh rất khó khăn về kinh tế, không có tài sản, không có khả năng chấp hành nộp tiền phạt nhưng do không thuộc trường hợp “thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn” nên không thuộc đối tượng được hoãn, giảm, miễn tiền phạt theo quy định.
Điều 9 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định 8 tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, các tình tiết giảm nhẹ phần lớn còn quy định khá chung chung, định tính và chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trên thực tế như Người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại hay người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính… Do đó, khi căn cứ các quy định nói trên, người có thẩm quyền xử phạt có tâm lý “sợ sai” nên không áp dụng cho “an toàn”, dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất trong việc áp dụng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan chức năng chưa có nơi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 138/2021/NĐ-CP ngày 31.12.2021 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu và giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính. Lực lượng làm công tác xử phạt vi phạm hành chính còn mỏng, nhất là lực lượng kiểm lâm chưa bảo đảm về số lượng để đáp ứng yêu cầu phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; chưa có nhân sự chuyên trách về cứu hộ động vật rừng để chăm sóc động vật rừng bị tạm giữ…
Cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt hành chính trường hợp vi phạm phòng, chống dịch Covid-19.
Sửa đổi, bổ sung quy định phù hợp
Từ những vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị Bộ Tư pháp có hướng dẫn hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung thêm khoản 4 Điều 126 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) với nội dung: “Nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tịch thu thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Việc xử phạt vi phạm hành chính (trừ việc áp dụng hình thức xử phạt tịch thu) vẫn được tiến hành ngay khi xác định được người vi phạm và còn trong thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2020)”.
Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 76 và Điều 77 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) theo hướng mở rộng đối tượng được xem xét hoãn, giảm, miễn tiền phạt. Theo đó, những cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, không có khả năng nộp phạt (được cơ quan có thẩm quyền xác minh) cũng được xem xét hoãn, giảm, miễn tiền phạt.
UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn các tỉnh, thành trên toàn quốc thực hiện thống nhất quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp phát hiện hàng hoá vi phạm tại cơ sở kinh doanh thì có xử phạt cả cơ sở sản xuất hàng hoá đó không, nếu có thì xử phạt cơ sở sản xuất về hành vi sản xuất hay hành vi kinh doanh đối với hàng hoá vi phạm được phát hiện tại cơ sở kinh doanh.
Thiên Di