Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐTP, có những nhóm hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực PCCC, người dân cần biết và hiểu rõ để chấp hành đúng pháp luật, tránh vi phạm.
Để góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật phục vụ công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Bộ Công an đã phối hợp với Toà án Nhân dân tối cao xây dựng và Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐTP ngày 24.5.2024 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 313 của Bộ luật Hình sự.
Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐTP là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tài liệu để các cơ quan Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân và lực lượng Công an thống nhất trong giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xử lý các hành vi vi phạm về PCCC.
Nghị quyết này ra đời tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và đề cao trách nhiệm của toàn dân đối với hoạt động PCCC, góp phần hạn chế số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra trong thời gian tới.
Cần trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy đúng quy định pháp luật.
Tại Điều 2 Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐTP nêu, vi phạm quy định về PCCC quy định tại Điều 313 của Bộ luật Hình sự bao gồm hành vi vi phạm quy định về PCCC theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy; hành vi vi phạm quy định về PCCC theo quy định của pháp luật khác có liên quan.
Ngoài ra, Điều 3 cũng quy định rõ, người nào vi phạm quy định về PCCC thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 313 của Bộ luật Hình sự khi có đủ các điều kiện: thực hiện một hoặc nhiều hành vi hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐTP; có thiệt hại xảy ra theo quy định tại một trong các khoản 1, 2 và 3 Điều 313 của Bộ luật Hình sự; hành vi vi phạm phải có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại xảy ra. Thiệt hại xảy ra phải là hậu quả tất yếu của hành vi vi phạm và ngược lại hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
Theo Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐTP, có những nhóm hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực PCCC, người dân cần biết và hiểu rõ để chấp hành đúng pháp luật, tránh vi phạm.
Cụ thể như hành vi vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư, xây dựng, chủ đầu tư, chủ cơ sở đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC, chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC sẽ bị xử lý về tội vi phạm quy định về PCCC có thể bị phạt tù cao nhất đến 1 năm.
Trường hợp cá nhân có hành vi mang hàng hoá, chất dễ cháy, nổ trái phép vào nơi tập trung đông người; san, chiết, nạp chất, hàng hoá nguy hiểm về cháy, nổ không đúng nơi quy định hoặc các thiết bị chứa không đúng chủng loại, không phù hợp với chất, hàng hoá nguy hiểm về cháy, nổ; vận chuyển hàng hoá nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm về cháy, nổ; tàng trữ, sử dụng trái phép chất, hàng hoá nguy hiểm về cháy, nổ có thể bị phạt tù cao nhất đến 1 năm.
Ngoài ra, các hành vi vi phạm quy định trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện tử; thoát nạn trong PCCC; quy định về công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; khoảng cách an toàn PCCC và ngăn cháy; quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị PCCC; việc thành lập, tổ chức quản lý đội PCCC cơ sở và đội PCCC chuyên ngành; quy định về PCCC để xảy ra cháy và gây thiệt hại cho người khác về tài sản hoặc người cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
An Đông