PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
TAND tỉnh:
Tăng cường hợp tác trong công tác xét xử với Toà án sơ thẩm các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia
Thứ bảy: 00:20 ngày 21/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Các Toà án cần tăng cường nghiên cứu các văn bản hướng dẫn về công tác xét xử tội phạm, giải quyết tranh chấp xảy ra tại khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia

Thời gian qua, TAND tỉnh Tây Ninh và Toà án sơ thẩm các tỉnh giáp biên thuộc Campuchia đã cùng nhau xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững trong công tác xét xử, đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần giữ gìn khu vực biên giới ổn định, thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Campuchia.

Bảo đảm xét xử đúng quy định

Tỉnh Tây Ninh có đường biên giới giáp các tỉnh Svay Rieng, Tboung Khmum, Prey Veng thuộc Vương quốc Campuchia, dài 240km, với 3 cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam; 3 cửa khẩu chính là Chàng Riệc, Kà Tum, Phước Tân và nhiều cửa khẩu phụ, thuận lợi cho công dân của 2 nước qua lại mua bán, trao đổi hàng hóa. Đây cũng là điều kiện để tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là tội phạm buôn lậu, ma túy…

Trong năm, TAND hai cấp tỉnh Tây Ninh đã thụ lý và đưa ra xét xử 2 bị cáo là công dân Campuchia phạm tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Đơn cử như vụ Tiek Lang (sinh năm 1956, tỉnh Tboung Khmum, Vương quốc Campuchia) vận chuyển số tiền 234.960.000 Riel tương đương hơn 1,38 tỷ đồng qua cửa khẩu Chàng Riệc (huyện Tân Biên) nhưng không khai báo thì bị lực lượng Chi cục Hải quan cửa khẩu Xa Mát phối hợp Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chàng Riệc kiểm tra, phát hiện bắt quả tang.

Qua xét xử, TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Tiek Lang 4 tháng 18 ngày tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới bằng thời gian tạm giam và tuyên trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa.

Các đại biểu tham dự hội nghị trao đổi kinh nghiệm trong công tác xét xử giữa TAND tỉnh Tây Ninh và Toà án sơ thẩm các tỉnh Tboung Khmum, Prey Veng và Svay Rieng.

Ngoài ra, TAND tỉnh còn xét xử vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với 38 bị cáo là công dân Việt Nam đã xuất cảnh sang Campuchia làm việc cho công ty trá hình, do các đối tượng là người Trung Quốc (không rõ lai lịch) làm chủ tại tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia. Bên cạnh đó, TAND hai cấp tỉnh Tây Ninh còn giải quyết 5 vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam và công dân Campuchia (trong đó, có 2 vụ thuận tình ly hôn và 3 vụ xét xử cho ly hôn).

Bà Nguyễn Thị Tuyết Vân- Chánh án TAND tỉnh cho biết, tại hội nghị Toà án các tỉnh biên giới Việt Nam, Campuchia và Lào lần thứ 7 diễn ra ngày 17.7.2024 tại tỉnh Quảng Nam (Việt Nam), các đại biểu TAND tối cao và Toà án các tỉnh biên giới của ba nước đều nhất trí, vì mục tiêu xây dựng một cộng đồng ba nước Đông Dương vững mạnh, tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện thì vấn đề nâng cao hiệu quả trong phòng, chống tội phạm xuyên biên giới và tương trợ tư pháp càng phải coi trọng.

Ba nước cần đẩy mạnh hoàn thiện pháp lý, xây dựng các điều ước quốc tế song phương và đa phương về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và thực hiện uỷ thác tư pháp; đặc biệt Việt Nam - Campuchia cần đẩy nhanh xây dựng và ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp song phương.

TAND tỉnh Tây Ninh và Toà án sơ thẩm các tỉnh Tboung Khmum, Prey Veng và Svay Rieng trao đổi kinh nghiệm trong công tác xét xử, đấu tranh phòng, chống tội phạm và ký kết thoả thuận hợp tác.

Ông Heng Kesaror- Phó Chánh án Toà án sơ thẩm tỉnh Svay Rieng chia sẻ, năm 2024, Toà án thụ lý 79 vụ án hình sự (với 246 bị cáo) liên quan đến công dân Việt Nam vi phạm pháp luật trên lãnh thổ tỉnh Svay Rieng; chủ yếu về các tội tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất gây nghiện (47 vụ/142 bị cáo), giam giữ người bất hợp pháp (11 vụ/42 bị cáo), trộm, cố ý gây thương tích, quản lý vũ khí chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng, giết người (21 vụ/62 bị cáo). Trong đó, Toà án sơ thẩm tỉnh Svay Rieng đã xét xử xong 48 vụ/171 người; án tồn đang theo dõi là 31 vụ/75 người.

Qua xét xử, công dân Việt Nam vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Svay Rieng thuộc các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bắc Giang, Đồng Nai, Kiên Giang, Bình Thuận, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, có 10 vụ án hình sự liên quan đến công dân tỉnh Tây Ninh vi phạm pháp luật trên địa bàn Svay Rieng. Đối với các vụ án dân sự liên quan với công dân Việt Nam kiện công dân Campuchia hoặc công dân Campuchia kiện công dân Việt Nam yêu cầu giải quyết, Toà án không tiếp nhận vụ việc nào.

Ngoài ra, trong việc tổ chức thực hiện thoả thuận hợp tác giữa Toà án sơ thẩm tỉnh Svay Rieng và TAND Tây Ninh, đơn vị đã triển khai, chỉ đạo các cán bộ, thư ký tìm hiểu kiến thức về luật hình sự Campuchia, quy định pháp luật về trấn áp tội phạm buôn bán người qua biên giới, kiểm soát ma túy, các quy định liên quan khác để bảo đảm thực hiện hiệu quả thỏa thuận hợp tác song phương của Toà án hai tỉnh; tăng cường hợp tác trong công tác xét xử dân sự.

Còn khó khăn trong phối hợp thực hiện

Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa TAND tỉnh Tây Ninh với Toà án sơ thẩm các tỉnh thuộc Campuchia còn gặp không ít khó khăn. Theo TAND Tây Ninh, kết quả uỷ thác tư pháp thực hiện còn chậm; trong năm, Toà án tỉnh có uỷ thác tư pháp 1 bản án về việc xin ly hôn với công dân Campuchia nhưng đến nay vẫn chưa nhận được kết quả. Ngoài ra, việc triệu tập công dân Campuchia liên quan đến vụ án hoặc công dân Việt Nam liên quan đến vụ án đang sinh sống tại Campuchia còn gặp khó khăn.

“Các Toà án cần tăng cường nghiên cứu các văn bản hướng dẫn về công tác xét xử tội phạm, giải quyết tranh chấp xảy ra tại khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia, góp phần bảo đảm tình đoàn kết, tình hữu nghị giữa hai nước; đẩy mạnh công tác phối hợp trong việc uỷ thác tư pháp”- một lãnh đạo TAND tỉnh nói.

Ông Hang SiTha- Chánh án Toà sơ thẩm tỉnh Prey Veng cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2024, ở địa phương xảy ra 20 vụ án liên quan với công dân Việt Nam vi phạm các tội như ma túy, bạo lực, trộm, khai thác đánh bắt cá trái phép…

Tuy nhiên, đơn vị gặp khó khăn về việc không có người phiên dịch chính thức trong quá trình xét xử tại Toà hay khó tìm luật sư thông thạo song ngữ Việt Nam - Khmer để hỗ trợ cho các bị cáo.

Ở một số vụ án, các đối tượng liên quan đã bỏ trốn ra nước ngoài hoặc đang lưu trú ở Việt Nam dẫn đến Toà án không thể liên hệ, xác minh, làm rõ về nhân chứng và vật chứng.

TAND tỉnh Tây Ninh và Toà án sơ thẩm tỉnh Svay Rieng (Vương quốc Campuchia) ký kết biên bản ghi nhớ.

Theo Toà án sơ thẩm tỉnh Svay Rieng, dù các Toà án đã ký kết biên bản thoả thuận hợp tác nhưng thời gian qua, Tòa án 2 tỉnh chưa giới thiệu cho nhau các nội dung quan trọng về pháp luật hình sự của hai nước. Ngoài ra, việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm xét xử giữa hai bên chưa được thực hiện mà chủ yếu thông qua lực lượng Công an của hai tỉnh.

“Các bên cần tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả trong thực hiện thỏa thuận hợp tác để trấn áp các loại tội phạm qua biên giới; nâng cao việc tìm hiểu về pháp luật hình sự, luật tổ chức Toà án của hai nước; trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác xét xử hình sự, dân sự, tình hình tội phạm qua biên giới; tổ chức cuộc họp luân phiên hằng năm để kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nội dung thoả thuận hợp tác, đề ra phương hướng thực hiện”- Phó Chánh án Toà sơ thẩm tỉnh Svay Rieng chia sẻ.

Thiên Di

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục