Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đó là chủ đề của cuộc hội thảo quốc tế do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) tổ chức vào chiều ngày 9.9. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của hàng trăm đại biểu trong và ngoài nước.
Các đại biểu tham dự trực tuyến tại các điểm cầu.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, lãnh đạo Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và châu Phi trong lĩnh vực nông nghiệp, Đại sứ các nước châu Phi thường trú, kiêm nhiệm Việt Nam; Đại sứ quán Việt Nam tại châu Phi; các tổ chức, cơ quan phát triển khu vực, quốc tế…cùng tham dự hội thảo.
Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến, lãnh đạo Sở Ngoại vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và châu Phi là lĩnh vực hợp tác truyền thống được triển khai từ những năm 1980 thông qua các hình thức hợp tác sản xuất nông nghiệp theo mô hình song phương, ba, bốn bên trong khuôn khổ hợp tác Nam-Nam; trao đổi thương mại nông sản.
Về hợp tác sản xuất nông nghiệp, ở kênh song phương, Việt Nam đã ký khoảng 26 văn bản hợp tác nông nghiệp, thủy sản với các nước châu Phi. Về thương mại nông sản, tổng kim ngạch thương mại nông sản của Việt Nam với châu Phi tăng đều qua các năm (năm 2020 đạt 3,8 tỷ USD, chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Phi), các mặt hàng xuất khẩu cũng đa dạng hơn. Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi chủ yếu các mặt hàng gạo, cà phê, hạt tiêu, chè, hải sản…Nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta đã thâm nhập tốt và có chỗ đứng tại thị trường châu Phi, được người dân sở tại ưa chuộng.
Trong khi đó, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu từ châu Phi một số nguyên liệu thô phục vụ công nghiệp chế biến trong nước và xuất khẩu như hạt điều, gỗ, bông, một số loại hoa quả…Các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở khu vực gồm Nam Phi, Ai Cập, Bờ Biển Ngà, Ghana, Algeria, Nigeria, Cameroon…Tuy nhiên, quy mô và mức độ hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của hai bên.
Trên cơ sở nhận định đó, Hội thảo tập trung vào hai chủ đề chính là thương mại nông sản và hợp tác sản xuất/chế biến nông-thủy sản giữa Việt Nam - châu Phi. Các chuyên gia, diễn giả, nhà lãnh đạo trao đổi, thảo luận về thực trạng, tiềm năng, nhu cầu và cơ hội thúc đẩy hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam với các nước châu Phi trong lĩnh vực xuất nhập hàng nông sản, hợp tác nuôi trồng thủy sản, cây lương thực.
Những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu nông sản, hợp tác nông nghiệp với châu Phi. Các hình thức và cơ chế hợp tác với châu Phi trong tình hình mới; huy động tài chính cho hợp tác nông nghiệp với châu Phi.
Qua hội thảo nhằm tìm ra biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi trong tình hình mới, nhất là khi đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của toàn cầu. Việc tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư cho cả hai bên có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam và các nước châu Phi phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích chung của hai bên.
C.T