Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thông tin về việc giá đỗ ủ hóa chất đã khiến tâm lý của người kinh doanh, buôn bán lẫn người tiêu dùng đều rất lo lắng và thận trọng hơn trong việc lựa chọn loại thực phẩm này.
Cuối tháng 12.2024, dư luận cả nước xôn xao vụ 3.000 tấn giá đỗ ủ hoá chất tuồn ra thị trường tại Đăk Lăk. Các cơ sở vi phạm đã sử dụng hoạt chất 6-Benzylaminopurine, một loại chất cấm sử dụng trong ngành thực phẩm. Điều đáng nói là trên bao bì giá đỗ ngâm hoá chất kể trên đều in các khẩu hiệu: “Vì sức khoẻ của mọi người”, “Không hoá chất”, “Không chất kích thích”, “Không chất bảo quản”.
Hành vi này không chỉ vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, vi phạm pháp luật, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường, đặc biệt trong dịp tết nguyên đán đang cận kề.
Người tiêu dùng bất an
Thông tin về việc giá đỗ ủ hoá chất đã khiến tâm lý của người kinh doanh, buôn bán lẫn người tiêu dùng đều rất lo lắng và thận trọng hơn trong việc lựa chọn giá đỗ, thậm chí là ngừng sử dụng sản phẩm để bảo đảm sức khoẻ cho bản thân và gia đình. Mặc dù sự việc xảy ra ở Đăk Lăk và một vài tỉnh/thành khác, nhưng người tiêu dùng tại Tây Ninh cũng cảm thấy bất an và e dè khi sử dụng giá đỗ.
Chị Nguyễn Ngọc Anh Thư (ngụ thị xã Hoà Thành) chia sẻ, do đặc thù công việc thường xuyên về trễ nên chị hay ghé cửa hàng Bách Hoá Xanh để mua sắm cho thuận tiện. Khi nghe thông tin cửa hàng này tại chi nhánh Đăk Lăk có bán giá đỗ ủ hoá chất, chị cảm thấy bất an vì không biết khi sử dụng có ảnh hưởng, gây hại đến sức khoẻ ở mức nào, và hiện tại chị cũng không dám sử dụng mặt hàng giá đỗ.
Nghe thông tin về giá đỗ ủ hoá chất, anh Lê Minh Hiếu (ngụ phường 1, TP. Tây Ninh) đã lên mạng tìm hiểu cách tự làm giá sạch tại nhà. “Tôi đặt mua các dụng cụ và tự tay làm giá bằng đậu đen, theo tôi làm cũng dễ nhưng hơi mất thời gian, tuy nhiên, ăn giá sạch sẽ bảo đảm sức khoẻ cho tôi và cả gia đình nên cũng an tâm hơn”.
Bà L.T.H, chủ quán phở (phường 2, TP. Tây Ninh) cho biết, gia đình bà bán đồ ăn sáng nên ngày nào cũng cần mua giá đỗ. Mấy tuần nay khi xem thông tin trên báo, đài, bà biết được vụ giá đỗ ủ hoá chất ở Đăk Lăk, mặc dù tại Tây Ninh chưa phát hiện vụ việc nào, nhưng tâm lý của khách hàng vẫn sợ, nhiều khách đến quán đề nghị không bỏ giá đỗ vào phở, hủ tiếu.
“Hy vọng các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý triệt để tình trạng này, để tránh ảnh hưởng đến các cơ sở sản xuất và tiểu thương buôn bán chân chính cũng như bảo vệ sức khoẻ của người dân”- bà H bày tỏ.
Tăng cường kiểm soát
Ngày 10.1 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội xuân năm 2025 (đoàn số 2) do bà Võ Thị Ngoan- Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm trưởng đoàn, đã đến kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng giá đỗ trên địa bàn huyện Tân Châu. Tham gia đoàn có đại diện Sở Công Thương, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh và Phòng NN&PTNT huyện Tân Châu.
Đoàn kiểm tra mặt hàng giá đỗ tại Siêu thị Co.opMart Tân Châu và 2 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện. Tại mỗi cơ sở, đoàn tiến hành lấy mẫu để phục vụ công tác kiểm nghiệm chất lượng theo quy định.
Ngoài ra, tại các cơ sở, đoàn kiểm tra hồ sơ pháp lý: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thực phẩm, giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, số người lao động, giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và công bố sản phẩm.
Đoàn cũng kiểm tra việc ghi nhãn hàng hoá; trang thiết bị, dụng cụ, quy trình sản xuất chế biến; việc vận chuyển và bảo quản thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng của nguyên liệu, phụ gia và thành phần thực phẩm...
Trong tháng cao điểm, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giá đỗ, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm theo quy định.
Đồng thời, quản lý chặt việc kinh doanh, sử dụng các thuốc xử lý hạt, kích thích, điều hoà sinh trưởng trong sản xuất giá đỗ. Xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, buôn bán, sử dụng hoá chất không rõ nguồn gốc, hoá chất ngoài danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam.
Hiện tại, chưa có kết quả kiểm nghiệm của các mẫu giá đỗ tại các cơ sở sản xuất nêu trên, tuy nhiên nếu phát hiện sai phạm, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Nâng cao nhận thức về quy trình sản xuất
Khi đoàn công tác liên ngành kiểm tra một số cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn huyện Tân Châu, phát hiện trường hợp một chủ cơ sở không hiểu rõ tác hại của các loại hoá chất dùng để ngâm, ủ giá đỗ. Người này kể, trước khi nghe thông tin vụ giá đỗ ủ hoá chất ở Đăk Lăk, anh có sử dụng một loại nước không màu để ủ cho cây giá, loại nước này của những người trong ngành chuyền tay nhau sử dụng. Tuy nhiên, hơn 2 tuần nay, anh không sử dụng loại nước này, khi đoàn kiểm tra liên ngành đến, anh đã tự giao nộp bình nước không màu để phục vụ quá trình kiểm nghiệm.
Theo thông tin từ Viện Dinh dưỡng quốc gia, giá đỗ là thực phẩm bổ dinh dưỡng cung cấp vitamin C và chất chống oxy hoá, canxi, sắt giúp bảo vệ tế bào, tốt cho mắt, hỗ trợ tiêu hoá, giảm nguy cơ bệnh tim, mạch.
Tuy nhiên, vì lợi nhuận nên có những gian thương đã sử dụng hoá chất độc hại ngâm, ủ trong quá trình sản xuất, bảo quản giá đỗ, gây hại cho sức khoẻ người sử dụng. Do đó, các hộ kinh doanh, nhà sản xuất cần nâng cao nhận thức về tác hại của các loại hoá chất trong quá trình sản xuất giá đỗ; kinh doanh chân chính để tránh vi phạm pháp luật.
Thời gian tới, đoàn công tác liên ngành sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất giá đỗ, rau mầm nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm, nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật và các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. Đặc biệt, quan tâm khuyến cáo, hướng dẫn người sản xuất không sử dụng hoá chất không rõ nguồn gốc không có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.
Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng cách lựa chọn, bảo quản, chế biến, sử dụng giá đỗ, rau mầm để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm; nâng cao ý thức cảnh giác của người dân trong việc phát hiện, báo cáo các vi phạm hoặc nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm với chính quyền địa phương, để xử lý kịp thời.
Hoàng Yến