Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tăng cường quản lý, bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm
Thứ ba: 23:51 ngày 07/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðể ngăn chặn người dân săn bắn trái phép động vật hoang dã, những năm qua, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, giữ gìn đa dạng sinh học.

Chim đại bàng quý hiếm đang được nuôi cứu hộ tại Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh.

Thời gian qua, tình trạng săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, dẫn tới gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái, sức khoẻ con người; cùng với đó còn phát sinh rủi ro truyền nhiễm dịch bệnh sang người, gia súc, gia cầm.

Do đó, công tác tuyên truyền, bảo vệ các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm đang được các cơ quan liên quan tăng cường thực hiện, góp phần bảo vệ thiên nhiên.

Phát hiện, giải cứu nhiều cá thể quý hiếm

Ðể ngăn chặn người dân săn bắn trái phép động vật hoang dã, những năm qua, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, giữ gìn đa dạng sinh học.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 144 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã với mục đích thương mại; trong đó có 96 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã quý hiếm thuộc nhóm IB, IIB (nhóm nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ nghiêm ngặt) và 48 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã thông thường. Qua kiểm tra, rà soát, trên địa bàn tỉnh có 16 cơ sở, tụ điểm kinh doanh mua bán động vật hoang dã.

Nhằm quản lý, bảo vệ tính đa dạng sinh học các loài động vật hoang dã quý hiếm và chấm dứt tình trạng khai thác, buôn bán, sử dụng trái phép động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành Quyết định số 35/QÐ-SNN về việc thanh tra diện rộng việc chấp hành pháp luật về quản lý động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh đợt 1 năm 2021.

Thời gian qua, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp các ngành liên quan kiểm tra các tụ điểm mua bán động vật hoang dã tại các khu vực chùa, đền thờ, ven trục lộ giao thông, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn; qua đó phát hiện 1 vụ tàng trữ động vật hoang dã trái pháp luật gồm 39 cá thể đồi mồi thuộc loài quý, hiếm thuộc nhóm IB.

Ngoài ra, lực lượng chức năng vận động, tuyên truyền người dân có trách nhiệm bảo vệ các loài động vật hoang dã quý, hiếm. Ðến nay, người dân tự nguyện giao nộp Nhà nước được 18 cá thể động vật rừng quý, hiếm thuộc nhóm IIB, gồm 13 cá thể trăn đất, 1 cá thể khỉ đuôi lợn, 1 cá thể khỉ đuôi dài, 1 cá thể diều hoa Miến Ðiện, 2 cá thể rùa núi vàng, sau khi tiếp nhận, Chi cục Kiểm lâm đã xác lập hồ sơ và thả về môi trường tự nhiên.

Thời gian qua, tổ kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra được 13 lượt tại các địa phương, qua đó phát hiện và lập biên bản 1 trường hợp bán chim phóng sanh tại chùa Gò Kén gồm 50 cá thể chim én, đồng thời thả số cá thể chim én về môi trường tự nhiên.

Tại nhà hàng, quán ăn trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, tổ kiểm tra yêu cầu các hộ kinh doanh làm bản cam kết không tàng trữ, mua bán, quảng cáo các loài động vật rừng không có nguồn gốc hợp pháp.

Ðể tiến tới chấm dứt tình trạng săn bắt, vận chuyển, buôn bán và chế biến trái phép động vật hoang dã, nhất là các loài chim hoang dã, lực lượng chức năng tiếp tục tổ chức thanh tra diện rộng việc chấp hành pháp luật tại 25 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn huyện Tân Châu, với số lượng động vật hoang dã gây nuôi 1.784 cá thể.

Các cơ sở được thanh tra cơ bản chấp hành quy định về đăng ký mã số trại thuộc động vật nhóm IIB; xác nhận nguồn gốc lâm sản thuộc động vật hoang dã; xây dựng phương án nuôi loài nguy cấp, quý, hiếm vì mục đích thương mại; xây dựng chuồng trại phù hợp với đặc tính sinh trưởng của loài được nuôi; thực hiện việc ghi chép, cập nhật biến động sổ theo dõi nuôi động vật hoang dã đúng quy định.

Kết quả, có 14/25 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã quý hiếm thuộc nhóm IIB được Chi cục Kiểm lâm cấp mã số theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NÐ-CP ngày 22.1.2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Có 2/25 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã quý hiếm thuộc nhóm IB (cá sấu nước ngọt) đã làm thủ tục cấp mã gửi Cơ quan thẩm quyền quản lý Cites Việt Nam cấp mã số theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NÐ-CP. Theo trả lời của Cơ quan thẩm quyền quản lý Cites Việt Nam tại Công văn số 22/CTVN-TTÐT ngày 14.2.2020 về việc cấp mã số cơ sở nuôi động vật hoang dã, cơ sở không nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng mà chỉ nuôi giữ cá sấu nước ngọt để thương mại, do vậy không thuộc đối tượng phải đăng ký mã số cơ sở nuôi theo quy định tại khoản 17, điều 3 và điều 17 của Nghị định số 06/2019/NÐ-CP.

Tại thời điểm thanh tra, 25 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã có thực hiện việc ghi chép, cập nhật biến động sổ theo dõi nuôi động vật hoang dã đúng quy định nhưng chưa khai báo kiểm dịch động vật khi gây nuôi; 14/25 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã có quy mô từ 5 cá thể đến dưới 50 cá thể chưa đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường; 6/25 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã được thanh tra có quy mô trên 50 cá thể chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.

Cú Hù Lào.

Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra

Ðể khắc phục những hạn chế, tồn tại trong việc gây nuôi động vật hoang dã của các cơ sở trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện các biện pháp bảo đảm việc kiểm dịch động vật hoang dã khi xuất, nhập tỉnh bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Ðồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi chặt chẽ hoạt động của các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã; rà soát các cơ sở gây nuôi đã được cấp mã số nhưng đã ngưng hoạt động để thu hồi mã số đã cấp.

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã thực hiện các nội dung về môi trường theo quy định. Trường hợp các cơ sở không thực hiện, tiến hành lập hồ sơ xử lý hoặc chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm soát hoạt động nhập khẩu, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, quảng cáo, kinh doanh sử dụng động vật hoang dã; kiên quyết xử lý, tịch thu khi phát hiện sản phẩm động vật hoang dã hoặc tổ chức sơ cứu tại chỗ, sau đó chuyển giao cho lực lượng kiểm lâm để phục hồi và tái thả tự nhiên. Ðặc biệt không thực hiện việc bán phát mãi động vật hoang dã, các sản phẩm hoặc dẫn xuất từ động vật hoang dã dưới bất kỳ hình thức nào.

Ngoài ra, chính quyền các địa phương phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo các loài động vật, chim hoang dã.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục