Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 23.8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tây Ninh tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định số 2291/2017 của UBND tỉnh Ban hành chương trình hành động thực hiện Kế hoạch số 43/2017 của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 13/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Trong 2 năm qua (2017-2019), công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Rừng được bảo vệ và phát triển ổn định về số lượng và chất lượng, độ che phủ rừng tiếp tục tăng. Tình trạng phá rừng, lấy cắp lâm sản kéo giảm, công tác quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường.
Lực lượng bảo vệ rừng kiểm tra rừng trồng mới thuộc Khu rừng VHLS Chàng Riệc (huyện Tân Biên).
Hiện tổng diện tích đất quy hoạch rừng trên toàn tỉnh là 72.253,43 ha. Trong đó, rừng đặc dụng 31.650,38 ha (chiếm 43,8%), rừng phòng hộ 30.174,56 ha (chiếm 41,8%) và rừng sản xuất 10.428,49 ha (chiếm 14,4%). Toàn bộ diện tích đều được giao cho các Ban quản lý Khu rừng, UBND cấp huyện cùng các đơn vị quản lý, sử dụng.
Tuy nhiên, tình hình phá rừng, lấy cắp lâm sản, lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp vẫn còn xảy ra ở một vài nơi, chưa ngăn chặn triệt để. Từ năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý 324 vụ vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 168 vụ so với giai đoạn 2015-2017. Trong đó, có 16 vụ phá rừng trái pháp luật, 75 vụ khai thác rừng trái phép, 169 vụ mua, bán, vận chuyển lâm sản trái phép,… Đã xử lý hành chính 317 vụ, chuyển cơ quan chức năng xử lý hình sự 7 vụ, phạt tiền 1.104 triệu đồng, tịch thu 173,8 m3 gỗ các loại, cùng nhiều tang vật, phương tiện khác.
Tình trạng cháy rừng vẫn còn xảy ra, nhưng số vụ cháy rừng ngày càng giảm, không xảy ra cháy nghiêm trọng, thiệt hại lớn. Cụ thể, 2 năm qua đã xảy ra 5 vụ cháy rừng, với tổng diện tích ll,8 ha (giảm hơn 80 ha so với giai đoạn 2014 - 2016). Các vụ cháy rừng đều được phát hiện, chữa cháy kịp thời, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả sau cháy rừng đúng theo quy định của pháp luật.
Tại hội nghị sơ kết, đại diện UBND huyện, Chi cục Kiểm lâm, các Ban quản lý Khu rừng nêu những khó khăn, vướng mắc hiện tại trong công tác quản lý bảo vệ rừng, như diện tích rừng tự nhiên trong quy hoạch rừng sản xuất do UBND các xã quản lý, chưa giao đến chủ quản lý, sử dụng cụ thể; ranh đất mốc nông lâm vẫn còn một vài nơi chưa được phân định rõ ràng ngoài thực địa, nguy cơ dễ bị lấn chiếm sản xuất nông nghiệp khó quản lý.
Công tác tổ chức nhân sự tại các Ban quản lý khu rừng không đồng bộ (không được bổ sung biên chế); định mức giao khoán bảo vệ rừng còn hạn chế, ảnh hưởng tới hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng; công tác xử lý tồn tại về lấn chiếm đất rừng, trồng cây nông nghiệp trái pháp luật còn chậm; việc đầu tư xây dựng các công trình PCCCR, trang bị các phương tiện, công cụ chữa cháy rừng còn hạn chế so với yêu cầu thực tế,…
Đốt chủ động những nơi nhiều cỏ khô để hạn chế nguy cơ cháy rừng
Kết luận tại hội nghị, ông Tạ Văn Đáo- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư, Kế hoạch số 43 của Tinh ủy, Quyết định 2291 của UBND tỉnh ban hành chương trình hành động của UBND tỉnh đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là các địa phương có rừng để nâng cao nhận thức và hành động góp phần thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương.
Tiếp tục thực hiện kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035 theo Quyết định số 3189/QĐ-UBND ngày 27/12/2018 của UBND tỉnh. Hoàn thành việc phân định và cắm mốc đường ranh giới nông lâm, điều chỉnh, bổ sung giấy CNQSDĐ cho các đơn vị chủ rừng.
Hoàn thành kế hoạch bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng mới hàng năm; khắc phục tình trạng trồng rừng sai mô hình và nâng cao chất lượng rừng trồng; tổ chức tốt công tác PCCCR, hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng.
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra truy quét ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ vi phạm phá rừng, lấn chiếm đất rừng, phá rừng làm rẫy. Phấn đấu giảm số vụ vi phạm ít nhất 30%/năm.
Tâm Giang