Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 27.11, Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức hội thảo đánh giá hiện trạng và góp ý dự thảo kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh. Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các sở, ban ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố.
Cùng với quá trình đô thị hoá, gia tăng hoạt động phát triển kinh tế, đã kéo theo tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí. Nguồn phát sinh khí thải từ quá trình hoạt động sản xuất của các nhà máy công nghiệp, giao thông vận tải (phương tiện tham gia giao thông, đường giao thông), các công trình xây dựng, nguồn gốc tự nhiên (cháy rừng), sinh hoạt của người dân (đốt rác bừa bãi),...
Để bảo vệ môi trường không khí và kiểm soát chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí.
Trong đó, Sở thực hiện quan trắc môi trường không khí định kỳ tại 34 vị trí tại các khu vực dân cư tập trung của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, đồng thời, vận hành khai thác hai trạm quan trắc tự động tại thành phố Tây Ninh và thị xã Trảng Bàng giám sát chất lượng môi trường khí thải làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí.
Sau thời gian khảo sát, thu mẫu đánh giá hiện trạng môi trường không khí, kết quả quan trắc cho thấy chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh còn khá tốt. Tuy nhiên, tại khu vực trung tâm đô thị và các nút giao thông tại thị xã Trảng Bàng, có nhiều thông số, như: SO2, NOx, CO đều cao hơn so với thành phố Tây Ninh; giá trị trung bình tổng bụi lơ lửng (TSP) và bụi PM10 từ năm 2021 -2022 vượt quy chuẩn từ 1,2 -1,8 lần.
Ông Trần Khắc Phục – Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, dựa trên kết quả quan trắc môi trường không khí, Sở sẽ có đánh giá khách quan thực trạng công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm không khí trong thời gian qua, xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, trong đó, xác định nguồn gây ô nhiễm chính, các giải pháp cụ thể và toàn diện, nhằm đạt được mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các nguồn phát thải theo lộ trình thực hiện chung đến năm 2030.
Trước mắt, Sở tham mưu UBND tỉnh triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc môi trường không khí (môi trường xung quanh, môi trường tác động,...) với công nghệ giám sát hiện đại và cơ sở dữ liệu về môi trường để kiểm soát, chủ động ứng phó, quản lý.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương triển khai kiểm soát các nguồn phát thải khí thải, duy trì và cải thiện chất lượng không khí ở khu vực đô thị, nông thôn, khu công nghiệp tập trung,...tập trung kiểm tra và xử lý vi phạm đối với cơ sở, dự án, công trình gây ô nhiễm môi trường không khí.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về dự thảo nội dung kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, nội dung trọng tâm, danh mục dự án cần thực hiện trong thời gian tới.
Kết luận tại buổi hội thảo, Phó giám đốc Sở TN&MT Trần Khắc Phục cho biết, trên cơ sở góp ý, Sở TN&MT cùng đơn vị tư vấn sẽ hoàn thiện báo cáo đánh giá và xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt ban hành, để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện các bước tiếp theo của nhiệm vụ.
Minh Dương