Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường vật tư nông nghiệp
Thứ ba: 23:50 ngày 02/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc giá phân bón và thuốc BVTV tăng cao dẫn đến chi phí sản xuất tăng, người sản xuất không có lợi nhuận trong khi thị trường thu mua hàng nông sản với giá quá thấp và phụ thuộc vào thương lái.

Nông dân mua phân bón.

Cuối vụ Đông Xuân 2021 (tháng 5.2021) đến nay, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tăng mạnh, đặc biệt là phân DAP, KALI, URE; đẩy giá lên từ 70%-100% tuỳ loại.

Nguyên nhân chính được cho là giá năng lượng thế giới và các loại nguyên liệu đầu vào sản xuất, chi phí vận chuyển tăng... kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá, trong đó có phân bón và thuốc BVTV.

Giá phân bón trong nước phụ thuộc vào các yếu tố thị trường như: cân đối cung cầu, giá nguyên liệu đầu vào... và chịu ảnh hưởng bởi giá phân bón trên thế giới (thị trường trong nước và nước ngoài đã liên thông do Việt Nam gia nhập WTO, dẫn đến ảnh hưởng chung của giá thị trường thế giới).

Việc giá phân bón và thuốc BVTV tăng cao dẫn đến chi phí sản xuất tăng, người sản xuất không có lợi nhuận trong khi thị trường thu mua hàng nông sản với giá quá thấp và phụ thuộc vào thương lái.

Bà Nguyễn Thị Chí Sư, ngụ khu phố 3, thị trấn huyện Dương Minh Châu cho biết, một công đất bà trồng lúa thường sử dụng khoảng một bao lân, một bao NPK, nửa bao urê, giá phân bón khoảng 450.000 đồng/bao (tuỳ loại) nhưng nay lên đến 700.000 đồng/bao.

Giá thuốc BVTV cũng tăng khoảng 1/3 so với trước kia. Nông dân phải bỏ ra chi phí sản xuất nhiều hơn nhưng lợi nhuận thu lại ít, có khi còn bị lỗ. Trong thời điểm dịch bệnh vừa qua, sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, giá phân bón tăng, giá bán nông sản lại rẻ, nhà nông gặp khó về vấn đề tiêu thụ, bà Sư mong muốn Nhà nước giám sát, điều chỉnh lại giá phân bón để tháo gỡ khó khăn cho nông dân.

Theo chị Nguyễn Ngọc Minh Thơ, ngụ khu phố 3, thị trấn Dương Minh Châu, để chăm sóc cây trồng, việc bón phân và thuốc bảo vệ thực vật phải xuyên suốt, phù hợp từng giai đoạn. Nhà chị Thơ canh tác mãng cầu, cứ 10 ngày phải bón phân một lần, tuy nhiên, vật tư nông nghiệp, trong đó có phân bón tăng giá nhanh chóng trong thời gian qua khiến chị rất lo lắng.

Chị Thơ chia sẻ: “Cách đây 3 tháng, giá urê là 600.000 đồng/bao, kali khoảng 500.000 đồng/bao; hiện tại, giá urê 850.000 đồng/bao, còn kali 750.000 đồng/bao. Chỉ trong thời gian ngắn mà giá phân bón tăng lên chóng mặt, nông dân bỏ chi phí như vậy xem như mất đồng lời.

Cây trồng cần được chăm sóc, bón phân để thu hoạch có sản phẩm chất lượng, tuy nhiên, đến lúc thu hoạch lại gặp tình hình dịch Covid-19, nông sản rớt giá, không trao đổi, mua bán được, ai cũng thiệt thòi. Tình hình chung do dịch bệnh, thiên tai thì mình đành chịu nhưng giá phân bón cứ lên vùn vụt, làm tăng chi phí sản xuất trong khi sản phẩm lại khó tiêu thụ”.

Hiện nay, gia đình chị Thơ mua phân đơn rồi trộn những đơn chất đó lại với nhau (đạm, lân, kali…) theo tỷ lệ, thành phần mà cây trồng cần trong từng giai đoạn phát triển.

Theo chị Thơ, trộn phân bón theo tỷ lệ thì giá thành có giảm xuống một chút nhưng vẫn cao, vì giá phân đơn cao nên chi phí sản xuất vẫn bị đẩy lên rất nhiều. Chị đề nghị các ngành chức năng có biện pháp bình ổn giá phân bón, vật tư nông nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho người nông dân.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: “Trong khoảng nửa năm trở lại đây, giá phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật nói chung có xu hướng tăng và tăng nhanh, trong đó, có những loại như urê, kali tăng lên gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, gây khó khăn rất lớn cho người sản xuất nông nghiệp.

Có nhiều yếu tố đẩy giá vật tư nông nghiệp tăng nhưng cũng không loại trừ việc lợi dụng tình trạng khan hiếm nhất thời mà một số doanh nghiệp đẩy giá lên cao hơn mức bình thường và trục lợi từ việc này. Chúng tôi đang theo dõi sát sao những thông tin từ thị trường, thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra, giám sát, nếu có những dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý kịp thời”.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở NN&PTNT khẳng định, hiện nay, không có việc đầu cơ phân bón trên địa bàn tỉnh, vì những lý do như sau: giá phân bón đang cao, chủ doanh nghiệp hay đại lý không đủ vốn để tích trữ phân bón; người sản xuất hạn chế tối đa trong việc mua phân bón để phục vụ sản xuất, nhu cầu tiêu thụ không cao dẫn đến số lượng tồn kho nhiều, doanh nghiệp sẽ không đủ vốn để kinh doanh; giá phân bón biến động cao, do đó, nếu tích trữ, nguy cơ sụt giảm gây thiệt hại lớn.

Ông Nguyễn Đình Xuân cho biết thêm, trước tình hình giá phân bón diễn biến phức tạp, Sở NN&PTNT liên tục chỉ đạo cơ quan trực thuộc Sở theo dõi diễn biến về giá, khả năng cung cầu phân bón trên thị trường để có các giải pháp phù hợp với thực tiễn.

Thực hiện chỉ đạo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) về sản xuất cây trồng vụ Đông Xuân 2021-2022, Sở NN&PTNT Tây Ninh đã ban hành văn bản về việc chăm sóc lúa vụ Mùa 2021 và triển khai kế hoạch sản xuất cây trồng vụ Đông Xuân 2021-2022.

Trong đó, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ và chỉ đạo chăm sóc lúa, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả, tránh lãng phí, vừa bảo đảm hiệu quả sản xuất, vừa tiết kiệm vật tư đầu vào trong tình hình giá phân bón tăng cao; áp dụng các biện pháp canh tác và quản lý dịch hại tổng hợp IPM ngay từ đầu vụ, chỉ sử dụng thuốc BVTV thực sự khi cần thiết hoặc dịch hại phát sinh phổ biến trên diện rộng.

Bên cạnh đó, áp dụng các chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm... cùng các biện pháp sinh học, canh tác nhằm giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV. Đối với các ruộng lúa đến thời kỳ thu hoạch, khẩn trương thu hoạch, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Song song đó, ngành chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) góp phần bình ổn thị trường trong tỉnh, bảo đảm cung ứng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chất lượng, đầy đủ, kịp thời phục vụ sản xuất nông nghiệp với mức giá phù hợp.

Ông Lê Anh Tuấn- Giám đốc Sở Công Thương cho biết, mặt hàng phân bón và vật tư nông nghiệp không thuộc chức năng quản lý nhà nước chuyên môn của Sở. Tuy nhiên, ngay khi nhận định thị trường có biến động, nhận được chỉ đạo từ Trung ương và UBND tỉnh, Sở Công Thương rà soát tình hình và tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo các sở, ngành cùng thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát và bình ổn giá phân bón, vật tư nông nghiệp.

Hiện nay, Sở Công Thương đã cử công chức tham gia đoàn kiểm tra theo Quyết định số 257/QĐ-STC ngày 19.10.2021 của Giám đốc Sở Tài chính về kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá phân bón trên địa bàn tỉnh.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục