Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số, thời gian qua, ngành Thuế Tây Ninh tăng cường phối hợp các ngành liên quan chống thất thu thuế trên lĩnh vực này.
Nhân viên tại một công ty tư nhân mua hàng online.
Theo đó, Cục Thuế đã triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế tự kê khai; tăng cường khả năng trách nhiệm của các sàn TMĐT trong việc khai thuế, nộp thuế thay các hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh thông qua sàn.
Ngoài ra, Cục Thuế phối hợp với các sở, ngành có liên quan trao đổi, kết nối thông tin trong quản lý hoạt động TMĐT; tiếp tục hiện đại hoá công tác quản lý thuế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ, kết nối với người nộp thuế…
Trước đó, nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện khai thuế, nộp thuế, tháng 3.2022, Bộ Tài chính khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam; và triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động - eTax Mobile cho các cá nhân.
Để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý thuế, Cục Thuế ban hành Công văn 2734/CV-CTTNI ngày 31.5.2022 về việc thúc đẩy tình hình nộp thuế điện tử của cá nhân (eTax Mobile), chỉ đạo các chi cục thuế khu vực tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế cài đặt ứng dụng eTax Mobile tại bộ phận Một cửa của đơn vị; các đội thuế liên xã, phường, thị trấn đi đến các hộ, cá nhân kinh doanh hướng dẫn người nộp thuế cài đặt ứng dụng eTax Mobile nộp thuế điện tử của cá nhân, đến nay, có hơn 1.261 lượt người đăng ký cài đặt và sử dụng ứng dụng nộp thuế điện tử.
Theo Cục Thuế, hiện nay, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ trên địa bàn, nhưng số thuế nộp ngân sách nhà nước từ lĩnh vực này chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, gây thất thu ngân sách Nhà nước, do cơ quan Thuế thiếu thông tin người kinh doanh TMĐT. Vì vậy, cần có sự phối hợp đồng bộ của các ngành liên quan để xác định doanh thu tính thuế.
Nhằm quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT thêm hiệu quả và thực chất, thời gian tới, Cục Thuế tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan phối hợp với Cục Thuế tăng cường chống thất thu thuế đối với lĩnh vực TMĐT.
Đồng thời, ngành Thuế tăng cường công tác quản lý thuế đối với các chủ thể kinh doanh trên các sàn TMĐT; đẩy mạnh tuyên truyền để người nộp thuế nâng cao ý thức tự giác chấp hành và thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế.
Cùng với đó, ngành Thuế hiện đại hoá công tác quản lý thuế; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng việc khai, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, triển khai hoá đơn điện tử, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại cung cấp chi tiết giao dịch và số dư tài khoản của cá nhân theo từng trường hợp cụ thể nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế...
Để công tác phối hợp giữa cơ quan Thuế với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các công ty chuyển phát, bưu chính, viễn thông… có hiệu quả, chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số, ngày 18.4.2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1266/KH-UBND về việc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương xác định các nhiệm vụ của cơ quan chức năng có liên quan trong triển khai công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. Đồng thời, phối hợp với cơ quan Thuế triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; triển khai các biện pháp khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử để tạo thói quen tiêu dùng văn minh.
Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo Cục Thuế nghiên cứu, khai thác thông tin trên cơ sở dữ liệu quản lý thuế để lọc danh sách các đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT, phục vụ công tác quản lý thuế theo đúng quy định; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông Vận tải thu thập thông tin của các cá nhân, tổ chức kinh doanh có hoạt động mua bán sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin trên môi trường mạng, kinh doanh dựa trên nền tảng số; thông tin về giao dịch hàng hoá của các cá nhân, tổ chức kinh doanh TMĐT, nhất là các đơn vị giao nhận được uỷ quyền bằng hình thức giao hàng thu tiền hộ, để cung cấp số lượng hàng hoá vận chuyển, đơn hàng, hình thức đặt hàng thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook… từ các công ty chuyển phát, công ty vận tải hàng hoá, vận chuyển hành khách, bưu điện.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 889/CĐ-TTg về nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Công điện nêu rõ: Trong thời gian qua, nhiều biện pháp cải cách, hiện đại hoá, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, thực hiện kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, triển khai hoá đơn điện tử đã được thực hiện và mang lại nhiều kết quả tích cực. Việt Nam là 1 trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua cổng thông tin điện tử trực tuyến.
Sự phát triển nhanh chóng với nhiều hình thức mới của thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số đặt ra những thách thức mới trong công tác quản lý nhà nước, trong đó có công tác quản lý thu thuế. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu từng bộ, ngành tăng cường phối hợp trong công tác quản lý thu thuế ở hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Nhi Trần