Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tăng cường quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội
Thứ bảy: 00:25 ngày 03/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Người sử dụng mạng xã hội khi đăng tải, chia sẻ thông tin của các tổ chức, cá nhân phải chú ý chỉ đăng tải thông tin chính thống đã được kiểm duyệt và cho phép của cơ quan chức năng để tránh vi phạm pháp luật và gây ảnh hưởng đến các cá nhân, tổ chức, cộng đồng và xã hội.

Ảnh minh hoạ

Sự phát triển của mạng xã hội có những tác động tích cực, nhưng cũng có mặt tiêu cực đối với đời sống xã hội. Trong đó, không thể phủ nhận việc chia sẻ thông tin, tuyên truyền được thúc đẩy mạnh mẽ khi có sự hỗ trợ của mạng xã hội.

Tuy nhiên, có không ít thông tin sai sự thật được chia sẻ một cách tràn lan trên mạng xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của cộng đồng, lợi ích của nhiều cá nhân, tổ chức.

Trong năm 2020, Công an tỉnh phát hiện 95 đối tượng sử dụng Facebook để đăng tải, chia sẻ bài viết, thông tin sai sự thật. Trong đó, có 42 trường hợp xuyên tạc, bôi nhọ đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 53 trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid- 19.

Công an tỉnh phối hợp Công an huyện, thị xã, thành phố và Sở Thông tin và Truyền thông mời làm việc, răn đe, giáo dục 46 đối tượng. Các đối tượng đều thừa nhận hành vi sai phạm của mình; gỡ bài viết và cam kết không tái phạm. Công an xử phạt hành chính 10 đối tượng với tổng số tiền gần 77 triệu đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Công an tỉnh phát hiện 69 trường hợp đăng tải, chia sẻ các bài viết có nội dung thông tin sai trái, bịa đặt, xuyên tạc chính sách của Ðảng và Nhà nước; về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid- 19; xúc phạm, bôi nhọ lãnh đạo cấp cao của Ðảng, Nhà Nước; Công ty Ðiện lực Tây Ninh; lực lượng Cảnh sát giao thông; tuyên truyền “Hiến pháp đệ tam VNCH” của tổ chức phản động.

Trong đó, có 47 trường hợp liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 của các cơ quan chức năng. Công an tỉnh nhanh chóng rà soát, xác minh và mời 50/69 đối tượng đến cơ quan chức năng làm việc.

Sau khi làm việc, Công an tỉnh ra quyết định xử phạt 10 trường hợp với tổng số tiền gần 77 triệu đồng; 39 trường hợp răn đe giáo dục, cho viết bản cam kết không tái vi phạm và xoá các bài viết đã đăng.

Theo đánh giá của Công an tỉnh, một số đối tượng sử dụng tính năng phát sóng trực tuyến (livestream), chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chat)… để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật (xúc phạm danh dự, nhân phẩm tổ chức, cá nhân; sử dụng ngôn từ không chuẩn mực, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép…) gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Nghiêm trọng hơn, khi cả nước đang căng mình chống dịch, nhiều cá nhân đã phát tán trên mạng xã hội, trên trang cá nhân những thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19... không chỉ gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh của cơ quan chức năng mà còn gây hoang mang dư luận. Những hành vi này cần được ngăn chặn và xử lý triệt để.

Một trường hợp ở huyện Gò Dầu đăng tin sai sự thật về dịch Covid- 19 gây hoang mang trong cộng đồng vào cuối tháng 5 vừa  qua, có tài khoản facebook là “Th.V.” đăng 1 đoạn video clip dài 32 phút 57 giây những người chỉ mặc đồ lót bị bỏ vào túi nylon nằm lăn lóc giữa trời nắng và kèm theo status với nội dung “COVID-19 mới nhứt ở Việt Nam, Th.v., Hi vọng sẽ qua mao hê hê...”. Ðoạn video clip này có hàng chục lượt like, bình luận và chia sẻ.

Qua điều tra, Công an xác định chủ tài khoản facebook trên tên Võ Văn Th. (SN 1991, ngụ ấp Trâm Vàng 1, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu), làm công nhân trong Khu công nghiệp Phước Ðông - Bời Lời và xác định hình ảnh trong đoạn video clip trên không phải ở Việt Nam.

Tại cơ quan Công an, Th. thừa nhận, vào khoảng 20 giờ ngày 29.5, đã tải đoạn video clip trên từ mạng xã hội về máy. Sau đó, đối tượng đăng tải trên trang facebook cá nhân kèm theo dòng status có nội dung trên, với mục đích cho mọi người cùng biết, có nhiều bạn bè kết bạn, nói chuyện cho vui. Công an đã yêu cầu Th. gỡ bỏ bài viết, đính chính lại thông tin và viết cam kết không tái phạm.

Hay như trường hợp của H.T.N (sinh năm 1989), ngụ xã Suối Dây, huyện Tân Châu. H.T.N có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Vào ngày 5.5.2021, tại cơ quan Công an, N thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật và đã xoá thông tin sai sự thật, xuyên tạc đăng tải trên mạng xã hội, cam kết không tái phạm. Công an tỉnh tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với H.T.N 7,5 triệu đồng.

Công an huyện Tân Châu đọc quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông H.T.N

Ðây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp vi phạm, có hành vi đưa thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến cộng đồng, cuộc sống của cá nhân, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức.

Ðể tăng cường công tác tuyên truyền, ngăn chặn các hành vi này, Công an Tây Ninh có các biện pháp giám sát đăng tải thông tin trên mạng xã hội, nhanh chóng xác minh đối tượng sai phạm, mời về làm việc và giáo dục răn đe đối tượng không tái phạm. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội, giáo dục trực tiếp cho người dân trong cộng đồng.

Việc tự ý đăng tải, chia sẻ các thông tin của các tổ chức, cá nhân lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại điểm e, khoản 3, Ðiều 102, Nghị định số 15/2020/NÐ-CP, ngày 3.2.2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Do đó, người sử dụng mạng xã hội khi đăng tải, chia sẻ thông tin của các tổ chức, cá nhân phải chú ý chỉ đăng tải thông tin chính thống đã được kiểm duyệt và cho phép của cơ quan chức năng để tránh vi phạm pháp luật và gây ảnh hưởng đến các cá nhân, tổ chức, cộng đồng và xã hội.

Ngọc Bích

Ngày 3.2.2020, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2020/NÐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15.4.2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Nghị định 15 quy định rõ trách nhiệm cá nhân của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Ðiều 101 quy định mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xuý các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hoá, dịch vụ bị cấm.

Ngoài phạt tiền, Nghị định quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Tin cùng chuyên mục