Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tăng cường quản lý, xử lý việc lấn chiếm đất ranh giới sông, suối, rạch
Thứ sáu: 08:42 ngày 04/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khó khăn trong việc quản lý hệ thống sông, suối, rạch trên địa bàn tỉnh thời gian qua là việc xác định diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ nguồn nước sông, suối, rạch để triển khai các dự án chỉnh trang đô thị, nạo vét, tiêu, thoát nước…

Một số hộ dân ở thị trấn Tân Biên có ý kiến về công tác đền bù đối với Dự án bờ kè chống sạt lở suối Cần Ðăng đi qua trung tâm thị trấn Tân Biên.

Việc lấn chiếm đất, đất ranh dọc các sông, suối sẽ làm hẹp lòng suối, rạch và gây cản trở dòng chảy… Khó khăn trong việc quản lý hệ thống sông, suối, rạch trên địa bàn tỉnh thời gian qua là việc xác định diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ nguồn nước sông, suối, rạch để triển khai các dự án chỉnh trang đô thị, nạo vét, tiêu, thoát nước, do người dân đã được cấp sổ đỏ hoặc sử dụng ổn định trước khi thực hiện dự án xác định cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh.

Dự án bờ kè chống sạt lở suối Cần Ðăng: người dân ý kiến về công tác đền bù

Dự án bờ kè chống sạt lở suối Cần Ðăng (đi qua trung tâm thị trấn Tân Biên) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1528 ngày 17.7.2020. Quy mô đầu tư dự án gồm: xây dựng bờ kè dài 1.780m; các hạng mục phụ trợ gồm vỉa hè, cảnh quan cây xanh, đường nội bộ, hồ điều hoà, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước. Dự kiến tổng mức đầu tư hơn 238 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án và phân kỳ đầu tư như sau: Năm 2020, chuẩn bị đầu tư. Năm 2021-2023 thực hiện đầu tư.

Tuy nhiên, một số hộ dân nơi đây chưa đồng tình về công tác đền bù. Bà Lưu Thị Mỹ Hà, đại diện hộ ông Nguyễn Văn Thành (khu phố 1, thị trấn Tân Biên) phản ánh, hộ của bà nhận được Thông báo số 102, ngày 6.8.2020 của UBND huyện Tân Biên về việc thu hồi đất để thực hiện dự án bờ kè chống sạt lở suối Cần Ðăng. Tuy nhiên, khi xem giấy dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, hộ của bà chỉ nhận được tiền đền bù 10.840.000 đồng cho các cây trồng trên đất, không tính bồi thường nhà và đất.

Theo bà tìm hiểu, các thửa đất lân cận với đất của gia đình bà có số tiền bồi thường (dự thảo) là 75 triệu đồng, 41 triệu đồng, 3 triệu đồng, 500 triệu đồng, có thửa 1,7 tỷ đồng. Tất cả hộ này đều không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Do đó, bà đã làm đơn xin xem xét về việc đền bù đất, gửi đến UBND huyện Tân Biên, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện, UBND thị trấn Tân Biên và các cấp có thẩm quyền. Bà Hà chia sẻ: “Gia đình tôi đồng ý với chủ trương của Nhà nước thu hồi đất để làm dự án nhưng tôi mong muốn được xem xét đền bù thoả đáng”.

Tương tự, bà Huỳnh Thị Mai (sinh năm 1974, ngụ khu phố 1, thị trấn Tân Biên) cũng kiến nghị Nhà nước xem xét lại mức đền bù. Bà Mai trình bày, bà mua đất ở đây từ năm 2002 với số tiền 3 triệu đồng, có giấy sang tay nhưng đã mất. Theo dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thì hộ của bà được bồi thường 9,4 triệu đồng (gồm bồi thường cây trái và hỗ trợ di chuyển chỗ ở).

Ông La Văn Hên- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Biên cho biết, Dự án bờ kè chống sạt lở suối Cần Ðăng đi qua trung tâm thị trấn Tân Biên, diện tích dự kiến thu hồi là 9,29 ha (đi qua khu vực đất của 71 hộ dân). UBND huyện Tân Biên có kế hoạch giải phóng mặt bằng và đã ra thông báo thu hồi đất đến 42 hộ dân. Hiện UBND thị trấn Tân Biên đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn xác minh nguồn gốc đất của các hộ dân nằm trong dự án.

Ðến nay, UBND Thị trấn đã xác minh nguồn gốc đất giai đoạn 1 được 35 hộ và gửi cho Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Văn phòng Ðăng ký đất đai. Trên cơ sở đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất có dự thảo phương án bồi thường cho các hộ dân, chưa phải văn bản chính thức để hỗ trợ cho người dân.

Giai đoạn 2, UBND Thị trấn tiếp tục xác minh, trong đó, có một số hộ ở giai đoạn 1 (có phần đất ở phía sau suối) đang được xác minh lại nguồn gốc đất để củng cố hồ sơ, bảo đảm theo quy định. Ông Hên cho biết, qua ý kiến phản ánh của người dân về công tác đền bù, phía địa phương sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn củng cố lại hồ sơ, có phương án chính thức hỗ trợ cụ thể cho từng hộ dân.

Có hay không tình trạng lấn chiếm dòng suối?

Tại TP. Tây Ninh, qua khảo sát thực tế, có những hộ dân cất công trình phụ sát bên suối Vườn Ðiều. Ðể tìm hiểu các hộ này có vi phạm hành lang an toàn của suối hay không, chúng tôi đã đến gặp lãnh đạo UBND phường Ninh Thạnh.

Ông Lê Lam Ðiền- Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, về cơ bản, những hộ dân ở cặp suối Vườn Ðiều (theo sơ đồ lưới mà địa chính cùng địa phương đang quản lý) sử dụng phần đất của họ đúng mục đích, do Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì hành lang an toàn của suối được cấp cho đến mép suối (đối với hệ thống kênh, thực hiện theo Luật Ðê điều thì hệ thống kênh sẽ có lưu không để bảo vệ).

Trong công tác quy hoạch, cơ bản người dân biết được hành lang bảo vệ lòng suối cũng như quy hoạch hệ thống cây xanh, mảng xanh để bảo đảm môi trường trong khu vực hành lang an toàn suối. Phường đã công khai, niêm yết những bộ thủ tục có liên quan đến vấn đề quy hoạch trong khu vực tuyến suối Vườn Ðiều.

Trong giai đoạn hiện nay, người dân có nhu cầu xây cất sẽ liên hệ với Phòng Quản lý đô thị Thành phố xin phép xây dựng tạm; đến khi Nhà nước thu hồi thì người dân sẽ phải trả lại đúng theo quy hoạch mà Nhà nước đã thẩm định trong sơ đồ quy hoạch. Về việc người dân bao chiếm lòng suối cũng như tự nắn, cơi nới ra thì các địa phương sẽ có sự phối hợp để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Ông Ðiền cho biết thêm, hiện nay, còn có sự không thống nhất trong việc xác định “kênh” hay “suối” đối với suối Vườn Ðiều. Theo đó, đối với huyện Dương Minh Châu, tại xã Bàu Năng có việc ghi trong sổ đỏ cho các hộ dân là "kênh Vườn Ðiều", do đó có chừa lưu không bảo vệ kênh cho kênh Vườn Ðiều ở khu vực xã này. Trên địa bàn Thành phố thì xác định đó là con suối Vườn Ðiều. Về nguyên tắc, đối với suối thì đó là dòng chảy tự nhiên nên cấp sổ đỏ trong khu vực cho đến mép suối.

Trên địa bàn TP. Tây Ninh có 11 tuyến suối, rạch chảy qua với tổng chiều dài 63,48km, gồm: rạch Tây Ninh (đoạn chảy qua trung tâm Thành phố) có chiều dài nguồn nước mặt 16,15km; suối Lâm Vồ 5,7km; suối Ðùn 1,3km; suối Trà Phí 2,95km; suối Cạn 5,97km; suối Núc 9,86km; suối Tà Hợp 6,71km; suối Vàng 5,98km; suối Tà Tuôn 3,64km; suối Vườn Ðiều 3,33km; suối Lấp Vò 1,89km.

Luật Tài nguyên nước có hiệu lực từ ngày 1.1.2013. Ðến ngày 5.6.2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1137 phê duyệt dự án xác định cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh giao UBND Thành phố thí điểm cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước cho suối Vườn Ðiều, suối Lâm Vồ và suối Lấp Vò.

Ðến nay, UBND Thành phố đang triển khai thực hiện. Sau khi hoàn thành việc cắm mốc, UBND Thành phố sẽ đề nghị cấp thẩm quyền giao UBND cấp xã quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh- Phó Chủ tịch UBND Thành phố, trong thời gian chưa cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, địa phương gặp một số khó khăn trong công tác quản lý. Ðó là tổ chức, cá nhân sử dụng phần đất hành lang bảo vệ nguồn nước cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt hoặc canh tác nông nghiệp thì chưa có cơ sở để xử lý, vì phạm vi để xác định quyền sử dụng đất có khác nhau giữa các văn bản luật và văn bản hướng dẫn.

Cụ thể ở lĩnh vực đất đai, phạm vi thửa đất được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng tới ranh bờ suối tự nhiên (theo hệ thống hồ sơ địa chính do 3 cấp tỉnh, huyện, xã quản lý, sử dụng). Còn theo quy định lĩnh vực tài nguyên nước thì phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước tương ứng trong phạm vi địa giới hành chính Thành phố: hành lang tối thiểu là 10m đối với các đoạn chảy qua khu vực đô thị, khu dân cư tập trung và 5m đối với các đoạn không chảy qua khu vực đô thị, khu dân cư tập trung (không phải ranh bờ suối tự nhiên).

Về thực trạng người dân lấn chiếm ranh giới sông, suối, rạch trên địa bàn Thành phố, bà Oanh cho biết, thời gian qua, người dân có sử dụng hành lang bảo vệ nguồn nước để canh tác nông nghiệp, xây dựng nhà ở và một số công trình phụ khác.

Tuy nhiên, việc cấp sổ đỏ từ trước đến nay cho người dân sử dụng tới ranh bờ suối tự nhiên trên cơ sở hồ sơ địa chính do ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý theo quy định của Luật Ðất đai và các nghị định liên quan. Căn cứ theo sổ đỏ thì không có cơ sở để xác định việc lấn chiếm ranh giới sông, suối, rạch.

Sau khi UBND Thành phố hoàn thành công tác cắm mốc, sẽ có cơ sở để xem xét, xử lý đối với hành vi vi phạm liên quan hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định của luật.

Ông Lê Lam Ðiền- Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Thạnh thông tin về khu vực tuyến suối Vườn Ðiều.

Khẩn trương thực hiện cắm mốc thí điểm

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), mạng lưới sông, suối, rạch trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 617km, trung bình 0,11km/km2; có 141 sông, suối, rạch, ao hồ tự nhiên, trong đó có 2 sông lớn là Sài Gòn và Vàm Cỏ Ðông.

Ông Trần Minh Sơn- Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, thời gian qua, việc lấn chiếm đất ranh giới sông, suối, rạch trên địa bàn tỉnh có xảy ra. Như tại huyện Gò Dầu, dọc hai bên bờ sông Vàm Cỏ Ðông (đoạn từ ấp Rạch Sơn đến cảng Thanh Phước, dài khoảng 3,3km) có khoảng 450 hộ với trên 3.000 nhân khẩu có nhà tạm bợ lấn chiếm cả một khúc sông Vàm Cỏ Ðông.

Tình trạng này làm mất mỹ quan đô thị, gây cản trở giao thông đường thuỷ, sạt lở và nguồn nước ngày càng ô nhiễm trầm trọng trên đoạn sông này. UBND huyện Gò Dầu đã có kế hoạch xây dựng công trình bờ kè ven sông Vàm Cỏ Ðông, ngang qua khu dân cư bên cầu Gò Dầu.

Tuy nhiên, vì chi phí thực hiện dự án này quá lớn, khả năng của huyện không bảo đảm nên nhiều năm qua, dự án đã không được triển khai. Theo ước tính, dự án xây dựng bờ kè Gò Dầu cần khoảng 136,5 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Còn tại huyện Tân Biên, hiện trạng sông, suối, kênh, rạch đã thay đổi nhiều so với trước đây nên khó khăn trong việc xác định ranh giới (theo hiện trạng hay theo hồ sơ đo đạc trước đây). Hiện nay, UBND huyện Tân Biên đang triển khai thực hiện dự án bờ kè chống sạt lở suối Cần Ðăng chảy qua trung tâm thị trấn Tân Biên.

Diện tích dự kiến thực hiện dự án khoảng 12,268 ha, tổng mức đầu tư hơn 238 tỷ đồng, vốn do ngân sách Trung ương hỗ trợ. UBND huyện Tân Biên đã thuê đơn vị đo đạc lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng, khảo sát giá bồi thường, thực hiện các trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cho đến thời điểm này, huyện Tân Biên vẫn đang trong quá trình rà soát các thủ tục pháp lý.

Theo ông Sơn, tổng số danh mục nguồn nước cần lập hành lang bảo vệ là 141. Giai đoạn 1 (năm 2020), thực hiện cắm mốc thí điểm theo tuyến suối Lâm Vồ, suối Vườn Ðiều (trên địa bàn phường 1, phường Hiệp Ninh, phường Ninh Thạnh, phường Ninh Sơn thuộc thành phố Tây Ninh) và suối Lấp Vò (trên địa bàn phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh và xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu) với tổng chiều dài toàn tuyến là 13,55km.

Sau đó, Sở sẽ sơ kết, đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm và báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét có tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 hay dừng lại. Giai đoạn 2 (từ năm 2021 đến hết năm 2025), thực hiện cắm mốc hoàn thành tất cả các đoạn sông, suối, kênh, rạch, hồ còn lại theo danh mục trên, sau khi được UBND tỉnh chấp thuận.

Ðối với nhà ở tồn tại trên sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng hoặc trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ trước ngày quyết định phê duyệt danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh có hiệu lực, trước mắt chưa nằm trong kế hoạch chỉnh trang đô thị, nạo vét, cải tạo thì hiện trạng giữ nguyên, kiên quyết không cho xây dựng mới.

Giang Hà

Ðiểm d, Khoản 1, Ðiều 20 Nghị định số 155/2016/NÐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

Tại rạch Tây Ninh, có tình trạng người dân ở đường Phan Chu Trinh (cặp rạch) sử dụng đất trong hành lang bảo vệ nguồn nước để xây dựng nhà ở và một số công trình phụ khác. Tương tự, ở khu vực suối Vườn Ðiều, đa số người dân sử dụng đất trong hành lang bảo vệ nguồn nước để canh tác nông nghiệp, một số xây dựng nhà ở và công trình phụ khác. Do đa số người dân sử dụng đất từ trước khi có Luật Tài nguyên nước, một số được cấp giấy CNQSDÐ theo ranh giới sông, suối tự nhiên (trước đây không quy định hành lang bảo vệ nguồn nước) nên không có cơ sở để xác định hành vi lấn chiếm.

UBND Thành phố đã giao cơ quan chuyên môn lập dự án chỉnh trang khu vực đường Phan Chu Trinh (cặp rạch Tây Ninh) và sẽ giải toả một số hộ dân ở khu vực này, bố trí tái định cư ở nơi khác để tạo mỹ quan đô thị. Ðồng thời, sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, tiến hành nạo vét và tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng đất ở các khu vực này.
 

Tin cùng chuyên mục