Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tăng cường siết chặt hoạt động kinh doanh online
Chủ nhật: 16:00 ngày 18/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hoạt động thương mại điện tử (kinh doanh online) đang phát triển mạnh. Chỉ cần tạo tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Titok…, cá nhân có thể kinh doanh mua bán các mặt hàng trên nền tảng số một cách thuận lợi…

Giao hàng tận nhà là sự tiện lợi của loại hình kinh doanh online so với kinh doanh truyền thống. Ảnh minh hoạ

Nhiều người thích mua hàng hóa trên mạng xã hội bởi mẫu mã và giá thành tốt hơn nhiều so với việc đi đến các cửa hàng. Chỉ cần ưng ý, khách hàng "chốt đơn" để lại số điện thoại, địa chỉ và chờ nhận hàng. Khi nhân viên đến giao hàng, khách kiểm tra hàng hoá, ưng ý mới thanh toán. Nhờ sự tiện lợi, loại hình kinh doanh online đã và đang thu hút khá đông khách hàng so với kinh doanh truyền thống.

Vì sao hàng hóa kinh doanh online luôn rẻ hơn so với các cửa hàng kinh doanh truyền thống, đơn giản vì cá nhân kinh doanh online không tốn chi phí thuê mặt bằng, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Chưa kể, hiện nay nhiều trường hợp kinh doanh online không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước giống như các cửa hàng kinh doanh truyền thống.

Trong khi đó, các cửa hàng kinh doanh truyền thống phải tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh như thực hiện nghĩa vụ thuế, chứng minh nguồn gốc hàng hóa kinh doanh, chi phí thuê mặt bằng... Việc cạnh tranh không công bằng dẫn đến kinh doanh truyền thống bị “thiệt thòi” hơn nhiều so với kinh doanh online. 

Không khó để tìm mua các sản phẩm được bán online trên nền tảng mạng xã hội Titok, kể thuốc trị bệnh.

Không thể phủ nhận kinh doanh online là xu thế phát triển tất yếu hiện nay, tuy nhiên, nếu không có những ràng buộc về các điều kiện kinh doanh với loại hình này sẽ tạo ra sự cạnh tranh không công bằng với kinh doanh truyền thống. Bên cạnh đó, nếu không quản lý chặt chẽ mô hình kinh doanh này, người tiêu dùng sẽ gánh chịu thiệt hại khi mua nhầm sản phẩm kém chất lượng, hàng giả… mà không được bảo vệ.

Theo ông Hồng Văn Hoàng- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tây Ninh, hoạt động kinh doanh online phát triển mạnh mẽ, rầm rộ trên các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số và các ứng dụng mạng xã hội chiếm ưu thế hơn so với loại hình kinh doanh truyền thống.

Tuy nhiên, đây là một loại hình mới và đang phát triển nên hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng gặp nhiều hạn chế, do loại hình kinh doanh này không có địa điểm kinh doanh cố định; hàng hóa phân tán, cất giấu nhiều nơi, không trưng bày công khai như loại hình kinh doanh truyền thống; các điểm livestream bán hàng và kho chứa hàng không cùng địa điểm, do vậy công tác kiểm tra, kiểm soát gặp khó khăn.

Trước thực trạng trên, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường Tây Ninh đã triển khai thành lập tổ thương mại điện tử. Sau khi thành lập, tổ kiểm tra đã tiến hành thực hiện nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là triển khai đề án theo Quyết định 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

Kết quả sơ bộ, trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra 18 vụ, xử lý vi phạm 9 vụ với số tiền thu nộp ngân sách trên 240 triệu đồng, tạm giữ, buộc tiêu huỷ hàng hóa trên 186 triệu đồng.

Không khó để bắt gặp các Shipper đi giao hàng. Ảnh minh hoạ

Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tăng cường chỉ đạo các Đội quản lý thị trường, quản lý địa bàn rà soát, cập nhật kịp thời các tài khoản có kinh doanh online trên các tài khoản cá nhân mạng xã hội như Facebook, Zalo…, đặc biệt là các trang web bán hàng hay cung ứng dịch vụ có chức năng đặt hàng trực tuyến có đăng ký với Bộ Công thương để đưa vào danh sách nhằm quản lý địa bàn chặt chẽ nhằm kiểm tra, xử lý kịp thời khi có hành vi vi phạm xảy ra;

Tiếp tục phối hợp tốt với các ngành chức năng như ngành Thuế, Hải quan, Cảnh sát kinh tế, Sở Thông tin và Truyền thông để rà soát, cập nhật các tài khoản có kinh doanh online; tăng cường công tác truyền thông đến các hộ kinh doanh, người dân để người tiêu dùng lựa chọn, hộ kinh doanh chấp hành đúng quy định pháp luật về kinh doanh thương mại, nhất là trên môi trường kinh doanh online;

Phối hợp chặt chẽ với ngành Thuế kiểm soát các tài khoản kinh doanh online để chống thất thu thuế, từng bước đưa hoạt động thương mại điện tử đi vào nề nếp, đảm bảo sự công bằng giữa kinh doanh truyền thống và kinh doanh điện tử, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, mang lại môi trường kinh doanh lành mạnh.

Dự đoán 6 tháng cuối năm, hoạt động kinh doanh, trong đó có kinh doanh online tăng mạnh, Cục Quản lý thị trường tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh hàng hoá, nhằm bảo vệ tốt nhất cho người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.

Tầm Hoan

Tin cùng chuyên mục