Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới
Thứ năm: 16:38 ngày 21/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22.10.2010 của Bộ Chính trị (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Lực lượng Công an ra quân thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Phương Thảo

Việc triển khai kế hoạch này nhằm xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm; tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, lực lượng và địa phương với các tỉnh, thành phố giáp ranh và lực lượng chức năng của các tỉnh Campuchia giáp biên trong phòng, chống tội phạm; tập trung triển khai có hiệu quả, đạt yêu cầu kế hoạch thực hiện mục tiêu 4 giảm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Kế hoạch của UBND tỉnh đề ra mục tiêu chủ động phòng ngừa, tiếp tục làm giảm tội phạm, năm sau giảm hơn so với năm trước; giảm tỷ lệ tái phạm tội; giảm ít nhất 5% tội phạm xâm hại trẻ em so với giai đoạn 2016-2020. Tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm hằng năm đạt trên 75%; các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số vụ án khởi tố. Bắt giữ, vận động đầu thú 30% số đối tượng truy nã hiện có và phấn đấu bắt 50% số vụ truy nã phát sinh.

Bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đều được tiếp nhận, phân loại, xử lý; tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Truy tố đúng thời hạn trên 90% số vụ án hình sự đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố, bảo đảm truy tố bị can đúng tội đạt trên 95%. Nâng cao chất lượng xét xử, tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt trên 88%. Tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng, tiêu cực, nâng tỷ lệ giải quyết và kết thúc điều tra các vụ án tham nhũng năm sau cao hơn năm trước; nâng tỷ lệ thu hồi, kê biên, phong toả tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng đạt trên 60%; bảo đảm 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đều được chuyển ngay đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tập trung thực hiện hiệu quả công tác chuyển hoá địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, phấn đấu tỷ lệ chuyển hoá thành công hằng năm đạt từ 60% trở lên; 85% các địa bàn đã chuyển hoá thành công không tái phức tạp trở lại.

Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các cấp, bảo đảm gọn đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan bảo vệ pháp luật bảo đảm năng lực, trình độ, đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm.

Để thực hiện kế hoạch này, UBND tỉnh đề ra giải pháp, trong đó chú trọng việc nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, xác định công tác phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, thực hiện mọi nơi, mọi lúc, mọi địa bàn, lĩnh vực, có trọng tâm, trọng điểm.

Phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng, trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên; sự lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự. 

Chủ động phòng ngừa tội phạm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở là chính, lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm nhằm kéo giảm bền vững các loại tội phạm và giảm tỷ lệ phạm tội lần đầu.

Trong đó nhấn mạnh việc tổ chức tốt những vấn đề an sinh xã hội, an dân, có giải pháp cụ thể ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt đối với các nhóm đối tượng bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid- 19; các vấn đề xã hội là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.

Phát huy vai trò các tổ hoà giải, các tổ chức chính trị - xã hội, kịp thời phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn, xung đột, nhất là vấn đề liên quan đến đất đai, môi trường, không để phát sinh vụ việc phức tạp hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự, xây dựng thế trận lòng dân. Thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” trong công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống dịch bệnh.

Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. 

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tấn công trấn áp, điều tra, xử lý tội phạm, trong đó tập trung nắm chắc tình hình, thống kê, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình tội phạm và bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội để tổ chức đấu tranh phòng ngừa, xử lý đối với tội phạm tham nhũng, kinh tế, tài chính ngân hàng, buôn lậu; phát hiện các thủ đoạn mới và tổ chức đấu tranh hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo qua mạng; tội phạm liên quan đến thương mại điện tử, mua bán, chế tạo vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, hàng giả, hàng cấm… và hoạt động tấn công mạng, phát tán mã độc, tạo lập web giả mạo thu thập dữ liệu, thông tin, tin giả, tin sai sự thật để thực hiện hành vi phạm tội; hoạt động phát tán truyền, kích động tập trung đông người gây rối an ninh trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng…; các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm lớn tạo chuyến biến mạnh mẽ, tích cực. Phát hiện xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhất là "tham nhũng vặt” gây bức xúc trong nhân dân.

Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý phù hợp, đầy đủ, phục vụ công tác phòng, chống tội phạm. Nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn thi hành pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm các quy định mới được thi hành kịp thời, thống nhất, phù hợp với thực tiễn; ứng dụng khoa học công nghệ và huy động các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống tội phạm; đẩy mạnh quan hệ phối hợp, hợp tác trong phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các lực lượng chức năng các tỉnh Campuchia giáp biên từ tỉnh đến huyện, xã để chủ động phòng ngừa tội phạm từ sớm, từ xa.

Hy Uyên

Tin cùng chuyên mục