Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tăng huyết áp tuổi học trò, đáng báo động
Thứ ba: 07:28 ngày 05/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trẻ mắc cao huyết áp liên quan đến chuyển hóa, béo phì liên quan nhiều đến lối sống công nghiệp đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam và cả trên thế giới.

Cần đảm bảo chế độ tập luyện, vận động thể lực đầy đủ cho trẻ - Ảnh: QUANG ĐỊNH.

TS.BS Hoàng Thị Diễm Thúy, Trưởng khoa thận - nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 2, vừa cảnh báo như trên. 

Theo các chuyên gia y tế, trẻ thiếu thời gian vận động thể lực dẫn đến thừa cân béo phì. Đây là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng tăng huyết áp ở trẻ em.

Thiếu vận động, thừa... ăn uống

Theo bác sĩ CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, các yếu tố nguy cơ chính dẫn đến tăng huyết áp gồm chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thừa cân béo phì, rối loạn mỡ máu. 

Những ví dụ về dinh dưỡng không hợp lý như ăn mặn, ăn nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa, nhiều chất đạm, thực phẩm đậm độ năng lượng cao như đồ ăn chiên ngập dầu, thức ăn nhanh, nước uống có gas, có đường, ăn ít rau... 

Bên cạnh đó, trẻ thiếu thời gian vận động thể lực, nghỉ ngơi, ngủ không đủ, áp lực, stress quá nhiều...

Với tăng huyết áp thứ phát, do một số bệnh lý dẫn đến tăng huyết áp như bệnh lý về thận, một số bệnh lý mạch máu, tim mạch, tác dụng phụ của một số thuốc điều trị bệnh mãn tính như hội chứng thận hư.

Cũng theo TS.BS Thúy, đa số trẻ hiện nay sáng được chở đi học, chiều được đón về, tối học bài, thời gian vui chơi, tập luyện rất ít. Trẻ cao huyết áp do béo phì, xét về độ tuổi là trẻ em nhưng cân nặng là như người lớn. Có những trẻ mới 13 tuổi mà đã nặng đến 100kg.

Các bác sĩ cho biết trẻ càng ít tuổi, bị tăng huyết áp càng sớm thì nguy cơ đối với sức khỏe càng lớn. Huyết áp cao, trước mắt sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập, kết quả lao động của trẻ. Lâu dài có thể dẫn đến những bệnh lý nguy hiểm, gây tổn thương các cơ quan như não, gây suy tim, suy thận, ảnh hưởng các chức năng tuần hoàn của cơ thể, tổn thương võng mạc, dẫn tới mù lòa và giảm tuổi thọ.

Bác sĩ Diễm Thúy cho biết có nhiều trường hợp trẻ béo phì đưa vào viện trong tình trạng co giật, do huyết áp cao quá dẫn đến xuất huyết não. Trong các cơ quan bị tổn thương do cao huyết áp, não là nặng nhất và có biểu hiện đầu tiên với các biến chứng như nhồi máu não, xuất huyết não, có thể dẫn đến tử vong.

Bên cạnh đó, những trẻ bị béo phì, ngoài hậu quả là cao huyết áp còn có những bệnh lý đi kèm, không liên quan đến cao huyết áp nhưng lại làm cao huyết áp nặng lên như tiểu đường, tăng mỡ máu, tăng acid uric.

Trẻ thừa cân béo phì cần vận động đủ 120 phút mỗi ngày.

Vận động đủ 120 phút/ngày

Để hạn chế tăng huyết áp ở trẻ, bác sĩ Ngọc Diệp khuyến cáo phải cho trẻ chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, không ăn quá nhiều thực phẩm đậm độ năng lượng cao, đồ ăn thức uống nhiều đường. Cần cho trẻ ăn nhiều rau, trái cây, ít nhất là 3 phần rau, 2 phần trái cây mỗi ngày. Đồng thời nên ăn rau xanh nhiều lá, đặc biệt là phải giảm ăn mặn.

Quan trọng là trẻ phải đảm bảo chế độ tập luyện, vận động thể lực đầy đủ. Các bác sĩ khuyến cáo trẻ phải được vận động thể lực đủ 120 phút/ngày, bao gồm hoạt động thể dục thể thao và các hoạt động thể lực khác. Ví dụ như đi bộ, làm việc nhà, vận động ở trường...

"Trẻ cần có thời gian học tập, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lý và tham gia các hoạt động vận động ngoài trời, tham gia môn thể dục thể thao thích hợp. Thời gian ngủ ít nhất 8 tiếng/ngày và nên đi ngủ sớm để đảm bảo điều hòa cân bằng nội môi trong cơ thể" - bác sĩ Ngọc Diệp nói.

Với trẻ bị thừa cân béo phì thì phải điều trị để giảm cân. Vì giảm cân sẽ giảm được nguy cơ tăng huyết áp. Khi bị bệnh phải đi khám và điều trị sớm để tránh các biến chứng.

Trẻ thừa cân béo phì cần vận động đủ 120 phút mỗi ngày.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục